Tàu vừa cập bến, chúng tôi gặp mấy ngư dân đang ngồi phì phà khói thuốc, họ đang thư giãn sau một buổi lao động từ sáng tinh mơ trên những chiếc thuyền thúng. Chúng tôi hỏi nhà cụ Môn đan võng ngô đồng...
Loanh quanh trên con đường nhỏ trên đảo, chúng tôi đã tới nhà cụ. Hình ảnh đầu tiên đến với chúng tôi là một bà lão dáng nhỏ thó, ngồi giữa khoảnh sân trước nhà và đang se từng sợi nhỏ thành những búi mà chúng tôi đoán đó là sợi ngô đồng. Và một chiếc võng dang dở còn treo bên tường, gần bậu cửa chính ra vào. Thời gian đã khoác cho cụ một tấm áo - tấm áo của tuổi tác. Lưng còng, tóc bạc, cụ lom khom ngồi bện từng sợi ngô đồng. Cụ sinh ra tại cù lao Chàm và gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn đã 87 năm nay. Hiện cụ đang sống với gia đình con trai làm nghề chài lưới.
Những triền đồi trên đảo có nhiều cây ngô đồng mọc. Người thợ phải trèo lên và khéo léo chọn những nhánh phù hợp vừa dai vừa bền. Mấy năm nay, cụ không đủ sức làm việc đó nữa. Hiện tại, con trai cụ làm thay cụ. Sau khi đốn xuống, ngô đồng được đạp, đập dập ra đem ngâm ngoài suối, nước ngấm vào làm tơi từng sợi thịt gỗ. Sau đó, vớt lên phơi khô, tách bỏ vỏ và tỉ mỉ, cần mẫn kéo thành từng sợi nhỏ, mỏng như sợi tơ. Đó cũng chỉ là bước đầu gọi là sơ chế nguyên liệu. Tiếp theo, cụ phải miệt mài ngồi nhiều giờ liền mỗi ngày cẩn thận se lại thành những búi, rồi bện lại thành nhiều đốt.
Tận mắt nhìn cụ ngồi đan mới thấy kỳ công của việc tạo ra một chiếc võng. Công việc như thể trầm buồn và tẻ nhạt. “Giờ không ngồi đan cả buổi được như trước nữa, một chặp phải nghỉ do mắt già mà tập trung một lát là đã mỏi lắm rồi, nhìn nhòe nhoẹt cả, không thấy rõ. Vì thế phải hơn 2 tháng mới hoàn thành một cái võng”, vừa nói, cụ vừa lôi từ trên gác nhỏ xuống một chiếc võng đã đan xong, được gói ghém cẩn thận trong một bao tải nhỏ. “Cái này của một ông làm bên nghiên cứu văn hóa gì đó, ở tận Hà Nội vào. Ông đã đặt cọc tiền rồi mà chưa trở lại lấy. Già vẫn còn cất đây, không dám bán cho ai. Đợi ông ấy trở lại lấy”. Giá chiếc võng chỉ 1,5 triệu cho hơn hai tháng kỳ công.
Nhiều người đã “giai thoại hóa” những công dụng thần kỳ của chiếc võng như: khi nóng nực nằm võng thấy mát, khi lạnh giá nằm võng sẽ ấm, lúc mệt mỏi nằm võng sẽ thấy dễ chịu. Cụ thì chỉ nghĩ rằng, võng làm từ những sợi ngô đồng thì nó tự nhiên, không máy móc gì, nó mộc mạc, người ta thích nó như thích được nằm trên chiếc chõng tre giữa trưa hè với chiếc quạt mo cau hơn là nằm trên giường đệm máy lạnh.
Những chiếc võng ngô đồng của cụ được mua không chỉ vì nhu cầu sử dụng mà đó là một thú vui muốn tìm một nét văn hóa mộc mạc dân dã của cội nguồn. Nhiều người mua về để làm quà tặng cho mẹ, cho bà để thể hiện chút lòng con cháu, cũng là để hồi tưởng lại thời thơ ấu được bà, mẹ cho nằm trong lòng võng những trưa hè rồi thiêm thiếp tự lúc nào trong không gian cổ tích được tái hiện qua giọng kể của các bà, các mẹ. Tiếng võng kẽo kịt cùng với tiếng hát ru êm đềm miên man đưa những người con, người cháu ngày nào yên bình trong giấc ngủ, nay họ muốn nhờ chiếc võng làm nhịp cầu thân tình trở về nằm trong giấc mộng quê hương thuở ấu thơ.
Cụ đưa tay gỡ những sợi tơ nhện vương trên túi đựng võng, hiền hòa nói: “Cũng trên 70 năm, già học được nghề này từ chính cha mẹ mình. Cha mẹ già lại được học từ ông bà...”. Cụ ngưng lại, đôi mắt trầm đục nhìn lên gian chính giữa ngôi nhà. Nơi ấy, trên chiếc tủ thờ bằng gỗ màu đã phai, có ảnh thờ cha mẹ của cụ. Cụ ngậm ngùi: “Giờ con cháu của già không ai học nghề này cả. Có lẽ không kiếm được là bao. Với lại, tụi nhỏ giờ lanh lẹ, đời nào chịu ngồi im một chỗ cả ngày. Cũng chẳng bao lâu nữa trời kêu, già dạ…” .
Ngô đồng hiện vẫn còn nhiều trên những triền núi của Cù Lao Chàm, nhiều cành khỏe khoắn như những cánh tay vươn ra ôm cả thời gian nhưng võng ngô đồng rồi sẽ ai đan? “Nghề này rồi sẽ chết thôi cháu ạ”, cụ ngậm ngùi bảo với chúng tôi. Sẽ mất đi thật ư! - Những hình ảnh lao động cần mẫn, thân thương nhưng đầy tính nguồn cội nhân văn này. Có cái gì lớn lắm rồi sẽ mất theo, như mất một vùng trời giá trị, không tìm lại được.
Đôi mắt trầm đục, lưng tựa cửa, cụ vẫy tay chào. Chúng tôi tự hỏi biết có dịp nào gặp lại cụ không. Võng ngô đồng rồi đây sẽ ai đan? Chúng tôi chợt buồn lo, một ngày nào quay lại cù lao Chàm không thấy những sợi ngô đồng phơi trên khoảnh sân nhỏ rực nắng vàng..
Đặng Văn Thuận