.

Bóng trong, bóng ngoài

.

Bóng còn ở trong sân hay bóng đã ra ngoài sân sau tình huống ghi bàn của đội khách là câu hỏi không có lời đáp nhưng trở thành đề tài tranh biện nóng bỏng trong dòng thời sự bóng đá Việt Nam những ngày qua. Chuyện xảy ra trên sân Thanh Hóa trong vòng đấu thứ 17 của V-League giữa đội chủ nhà và đội khách Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn.

Bàn thắng của Đức Linh (trái, số 11, XMXT Sài Gòn) được cho là hợp lệ.  (Ảnh: Internet)
Bàn thắng của Đức Linh (trái, số 11, XMXT Sài Gòn) được cho là hợp lệ. (Ảnh: Internet)

Phía chủ nhà phản ứng quyết liệt vì cho rằng bóng đã ra ngoài sân (bóng chết) trước khi cầu thủ đội khách ghi bàn (và được trọng tài công nhận bàn thắng) trong khi Ban tổ chức V-League thì vội vã bảo vệ quyết định của trọng tài bằng một cuộc họp báo với cứ liệu là băng ghi hình- điều khác thường trong hành xử của Ban tổ chức. Những cuộc họp báo diễn ra liên tục giữa các bên có liên quan để chứng minh lập luận của mình là đúng.

Trong bức xúc, đại diện câu lạc bộ Thanh Hóa nhắn gửi rằng có thể họ sẽ không tiếp tục tham gia giải đấu vì là nạn nhân thường xuyên của chuyện trọng tài bắt ép. Không còn là chuyện riêng của sân cỏ, chính quyền địa phương cũng vào cuộc. Trong công văn gửi bộ chủ quản ngành thể thao, UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng đạo đức nghề nghiệp của một số trọng tài rất yếu, không đủ để điều hành các trận đấu của giải bóng đá chuyên nghiệp nên cần được cơ quan chủ quản kịp thời chấn chỉnh. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì CLB Thanh Hóa sẽ không tham gia giải nữa.

Cuộc chơi trên sân cỏ, có ai ngờ, đã đụng đến nỗi lo toan của nhà chức trách một địa phương. Những lời ta thán không phải không có cơ sở: Nếu trên sân bóng mà không tạo được niềm tin về lẽ công bằng và tinh thần thượng võ của thể thao thì có ích gì khi tiếp tục phơi bày một giải đấu chệch choạc về khâu điều hành, tổ chức! Những người nhạy cảm với những trì trệ lưu cửu của bóng đá Việt Nam thì nhận ra rằng câu chuyện nóng bỏng đang xảy ra không bó hẹp trong một tình huống cỏn con rằng bóng còn ở trong sân hay bóng đã ra ngoài sân.

Nguyên nhân lớn hơn nằm ở chỗ người ta ngày càng không tin vào năng lực quản lý điều hành của những nhà quản lý cấp cao của VFF và VPF. Từ chuyện này đến chuyện khác, từ bao mùa giải trước cho đến những gì diễn ra ở V-League mùa này, chưa có dấu hiệu gì cho thấy công tác tổ chức, điều hành giải bóng đá lớn nhất nước có chuyển biến tích cực. Những nghi vấn liên quan đến phẩm hạnh trọng tài, các sự cố xảy ra trên khán đài của một số sân bóng cùng lối ứng xử thiếu chuyên nghiệp của đại diện Ban tổ chức đã khiến công chúng nghi ngờ về năng lực và cả phẩm chất điều hành. Trên đã không chuyên nghiệp thì dưới cũng chẳng dại gì mà hành xử cho quy củ. Chuyện đe dọa bỏ giải giữa chừng xảy ra như cơm bữa, những cuộc họp báo phản bác ý kiến hay quyết định của Ban tổ chức cũng trở thành chuyện thường ngày trên sân cỏ Việt Nam.

Thiếu vắng kỷ cương là điều dễ nhận ra trong cơ thể nền bóng đá từng tự hào có đến hơn mười năm chuyên nghiệp hóa này. Có người từng đề nghị nên dừng lại ít nhất một mùa bóng để xác lập kỷ cương, trật tự trước khi bắt tay vào những đổi mới mang tính cách mạng, thể hiện khát vọng xây dựng một nền bóng đá lành mạnh, tiếp cận với các giá trị bóng đá thời đại. Trước những rắc rối kéo dài từ mùa này sang mùa khác và chưa có dấu hiệu gì cho thấy chúng sẽ chấm dứt, đề nghị ấy bây giờ xem ra đâu có lỗi thời!

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.