Tại triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 18 khai mạc ngày 18-8 vừa qua, Đà Nẵng đã giành 4/9 giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật, khẳng định sức sáng tạo dồi dào của các nghệ sĩ chủ nhà.
4 giải thưởng của Đà Nẵng gồm: 1 giải C với tác phẩm Đà Nẵng xưa và nay của tác giả Nguyễn Trọng Dũng, 3 Tặng thưởng với các tác phẩm: Làm đẹp cho đời của tác giả Hồ Đình Nam Kha, Cổ vật của tác giả Lê Công Dũng và Người Việt Nam của tác giả Nguyễn Tường Vinh.
Xem triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: T.T |
Sáng tạo và nhân văn
Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Trưởng ban chấm giải triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 18, ngoài những giá trị nhân văn, thẩm mỹ, một trong những tiêu chí để hội đồng xét tặng các giải thưởng là tính mới mẻ, sáng tạo, không sáo mòn. Các tác giả có trình độ, thâm niên sáng tạo, tác phẩm tốt và biết làm mới chính mình sẽ được đặc biệt đánh giá cao. Nguyễn Trọng Dũng với bức tranh sơn dầu mang tên Đà Nẵng xưa và nay là một trong những tác giả như thế. Ở Đà Nẵng xưa và nay, người ta không còn nhận thấy một Trọng Dũng quá “chi li”, phức tạp với những di sản, những tháp Chàm, những tác phẩm nghệ thuật hoài cổ… khó hiểu. Phản ánh sự thay da đổi thịt từng ngày của Đà Nẵng là đề tài không mới, nhưng qua nét cọ của anh, Đà Nẵng xưa và nay - niềm tự hào về thành phố quê hương đã được thể hiện một cách phóng khoáng, sắc nét và ấn tượng. Không gian nhà chồ giăng mắc, tối nhợt được đặt đối lập với những tòa nhà cao tầng, những con đường, cây cầu khoáng đạt ửng sáng trong ánh bình minh. Nguyễn Trọng Dũng nói, tác phẩm của anh được hoàn thành trong 20 ngày nhưng đó là thành quả của cả quá trình ấp ủ, chiêm nghiệm lâu dài trong từng dáng nét, hình khối, màu sắc.
Kết hợp kỹ thuật in hiện đại với in tay truyền thống, bức tranh khắc gỗ Người Việt Nam của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh, thoạt nhìn, người ta tưởng tác giả đang kể về một vũ hội trên cao nguyên, nhìn kỹ sẽ thấy Người Việt Nam có 54 nhân vật với những trang phục, nhạc cụ, điệu nhảy, múa khác nhau. Tất cả cùng xoay quanh hình tượng trung tâm Tiên và Rồng. Nhìn lại “đứa con tinh thần” ông đã kỳ công, chăm chút trong mấy tháng trời, Nguyễn Tường Vinh cho biết, ông không vẽ một tác phẩm trừu tượng hay lập thể, thông điệp được gửi gắm ở đây cũng rất giản dị - đó là tình đoàn kết dân tộc. Đoàn kết dân tộc là giá trị truyền thống đẹp đẽ của con Lạc cháu Hồng, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, người Việt Nam cần biến đoàn kết trong chiến đấu sang đoàn kết trong hòa bình để dựng xây đất nước. Chỉ cần đoàn kết, dân tộc ta sẽ làm được tất cả!
Hai tác giả cùng được tặng thưởng là Hồ Đình Nam Kha và Lê Công Dũng tiếp tục chọn con đường khó để đi. Nam Kha vẽ tranh lụa - chất liệu hội họa hiện không còn nhiều người theo đuổi bởi những đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, sự khéo léo và khá mạo hiểm. Theo tâm sự của tác giả, mặc dù lọt vào 9 tác phẩm được đánh giá cao tại triển lãm nhưng Làm đẹp cho đời khắc họa vẻ đẹp khỏe khoắn của người lao động, sự hy sinh thầm lặng của những công nhân làm vệ sinh môi trường chỉ khiến anh bằng lòng một nửa. Nam Kha đã thực hiện được đề tài tâm đắc, tuy nhiên màu tranh chưa trong đến độ anh mong muốn, như chuẩn mực của tranh lụa. Trong khi đó, dành cả năm trời vật lộn với khối đá granit, Lê Công Dũng đã để lại dấu ấn sâu đậm tại triển lãm lần này với thông điệp bảo vệ di sản, bảo vệ những giá trị văn hóa gốc rễ qua tác phẩm điêu khắc đầy tính nghệ thuật - Cổ vật.
Cổ vật - Tác giả Lê Công Dũng - Tặng thưởng. Ảnh: T.T |
Cần những động lực mới
Điều dễ nhận thấy tại triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần này là số lượng tranh của các họa sĩ Đà Nẵng được chọn triển lãm gần như áp đảo 9 tỉnh, thành còn lại. Đà Nẵng có 63 trong tổng số 243 tác phẩm dự triển lãm. Và không chỉ giành 4/9 giải chính thức của Hội đồng nghệ thuật, Đà Nẵng còn có rất nhiều tác phẩm triển vọng của các tác giả trẻ được chọn dự Giải thưởng của Ủy ban Liên hiệp các hội VH-NT toàn quốc. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chưa bao giờ tác phẩm của Đà Nẵng dồi dào và đa dạng đến thế. Điều này chứng tỏ bản lĩnh, sức sáng tạo đáng nể của các họa sĩ thành phố này. “Hôm chọn tác phẩm dự triển lãm, để tạo sự cân bằng giữa các tỉnh, thành, chúng tôi đã cố gắng xem xét các khía cạnh để có thể giảm bớt số lượng tác phẩm của Đà Nẵng, nhưng không thể, vì mỗi tác phẩm là một màu sắc khác nhau, đều đẹp và đạt chuẩn”, họa sĩ Trần Khánh Chương nói.
Cũng theo họa sĩ Chương, để phát huy tối đa tiềm lực của lực lượng sáng tác mỹ thuật tại Đà Nẵng, cần tạo điều kiện để các họa sĩ được thể hiện nhiều hơn. Đây cũng là ước vọng của các họa sĩ Đà Nẵng. Nhưng trong điều kiện hiện nay, ước vọng chính đáng này không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều. Trước mắt, các họa sĩ cần một nơi trưng bày cố định, thường xuyên để các tác phẩm của họ có thể đến gần hơn với công chúng.
Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 18 được tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham dự của 9 tỉnh, thành trong khu vực gồm: Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Gia Lai, Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong ngày khai mạc, Hội đồng nghệ thuật đã trao 9 giải thưởng gồm 2 giải B, 2 giải C và 5 Tặng thưởng cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 27-8. |
THANH TÂN