.

Giải phẫu học của Leonardo da Vinci

.

Gần 500 năm sau ngày họa sĩ lừng danh thế giới Leonardo da Vinci tạ thế, vào ngày 2-8-2013, phòng trưng bày nghệ thuật Nữ hoàng - Cung điện Holyroodhouse khai mạc trọng thể một cuộc triển lãm góp phần sáng tỏ thêm các công trình nghệ thuật nghiên cứu mang tính đột phá của Leonardo da Vinci về cơ thể con người. Cuộc trưng bày lần này là một phần trong các hoạt động của Liên hoan quốc tế Edinburgh.

Leonardo da Vinci - Chân dung tự họa.
Leonardo da Vinci - Chân dung tự họa.

Leonardo vốn là họa sĩ nổi tiếng vào hạng bậc nhất của thời kỳ Phục hưng và cũng là một trong những nhà nghiên cứu về giải phẫu cơ thể con người mà  thế giới đã từng nhìn nhận.

Một số bản vẽ của Leonardo từ bộ sưu tập Hoàng gia - nơi sở hữu một trong những bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật lớn nhất trong thế giới - từ trước đến nay chưa bao giờ được trưng bày ở Anh. Bộ sưu tập này bao gồm các phần hoàn chỉnh của 18 tập được gọi là bản thảo giải phẫu A, mà tác giả đã thực hiện hơn 240 bản vẽ và 13.000 lời ghi chú hết sức cẩn thận trong từng chi tiết bản vẽ.

Leonardo nổi tiếng là một họa sĩ nhưng bị cuốn hút bởi khoa học, toán học, pháo binh, kiến trúc, âm nhạc, thi ca, kỹ thuật và thiên văn học và cuối cùng, qua các tác phẩm mang tính khoa học-công nghệ, ông cũng tự chứng minh là một nhà bác học.

Là tác giả nhiều bức họa nổi tiếng thế giới, Leonardo da Vinci còn được biết đến với tư cách là nhà giải phẫu học tài ba cùng những bản phác thảo mô tả các bộ phận trong cơ thể con người chính xác đến kinh ngạc.

Phác họa của Leonardo da Vinci về một thai nhi trong bụng mẹ.
Phác họa của Leonardo da Vinci về một thai nhi trong bụng mẹ.

Thời của Leonardo, các chuyên gia thường phải mổ xẻ những xác chết vô thừa nhận từ cái chết của những kẻ say rượu hay người lang thang. Tuy nhiên, những thi thể này hầu hết đều là nam giới, thế nên họ không có nhiều cơ hội nghiên cứu trên nữ giới. Ngoài ra, đây còn là một công việc vô cùng khủng khiếp vì chỉ sau 2 đến 3 ngày, xác chết bắt đầu quá trình phân hủy và bốc mùi khó chịu. Nhưng dù sao Leonardo da Vinci vẫn còn may mắn hơn nhà giải phẫu học Galen, La Mã rất nhiều khi được tiếp xúc và phân tích từ cơ thể người chứ không phải dựa trên xác động vật.

Những bức phác họa của Leonardo cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của ông về cơ chế hoạt động của các bộ phận cơ thể, nhiều phần trong số đó vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Trong khi giải phẫu học hiện đại chỉ mới bắt đầu phát triển trong vòng 60 năm qua. Leonardo là người đầu tiên vẽ chính xác đường cong của cột sống. Đồng thời, ông cũng là người đầu tiên mô tả hình ảnh một bào thai nằm ở tử cung hay hé mở cách thức máu di chuyển khắp cơ thể - một bí ẩn mãi đến năm 1628 (hơn một thế kỷ sau khi ông qua đời) mới được William Harvey, bác sĩ nghiên cứu tuần hoàn máu và giải phẫu khám phá vai trò của trái tim đang đập trong sự lưu thông của máu.

Năm 1508, Leonardo mổ xẻ một người đàn ông 100 tuổi, và ghi chép chính xác lần đầu tiên về căn bệnh xơ gan và động mạch bị thu hẹp. Vào mùa đông năm 1510-1511 ông làm việc với các giáo sư giải phẫu với 20 xác chết trong trường y khoa của Pavia. Ông đã thực hiện bản vẽ chính xác  nhiều lớp từ góc độ khác nhau hầu hết các xương trong cơ thể con người bao gồm mô tả của cột sống cùng rất nhiều các nhóm cơ bắp chính trong cơ thể con người.

Bản vẽ về cơ bắp.
Bản vẽ về cơ bắp.

Tại triển lãm, người ta phóng lớn các bức vẽ giải phẫu cơ thể của Leonardo bằng kỹ thuật 3D. Chẳng hạn như bản vẽ bên trong lớp da của một cánh tay, bắt đầu với xương, bổ sung các cơ bắp sâu của lòng bàn tay và sau đó các lớp gân, sẽ được hiển thị như một bộ phim 3D với độ nét cao. Nghiên cứu của ông về các cơ bắp của vai và cánh tay cũng sẽ được so sánh với hình ảnh qua bộ phim 3D của một xương vai được xẻ lớp, từ đó người ta phát hiện và khẳng định tính chính xác kỳ lạ mà ông đã đạt được.

Nổi tiếng là một trong những nghệ sĩ lớn nhất của thời kỳ Phục hưng nhưng Leonardo da Vinci cũng là một trong những nhà giải phẫu lớn nhất thế giới đã từng nhìn nhận.

Năm trăm năm sau, người ta soi rọi và so sánh qua kỹ thuật quét CT và MRI cho thấy tác phẩm giải phẫu cơ thể học của Leonardo vẫn còn liên quan đến các nhà khoa học ngày hôm nay.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.