.
Phương hay thuốc quý

Cỏ mần trầu đi đâu cũng gặp...

Cỏ mần trầu đi đâu cũng gặp/ Bên vệ đường ở khắp nơi nơi…/ Xin đừng dẫm đạp, người ơi/ Hái về làm thuốc giúp đời đỡ đau!

Cỏ mần trầu, tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn., thuộc họ Lúa – Poaceae, trong y văn chữ Hán gọi tên chính thức là Ngưu cân thảo, nghĩa là Cỏ gân trâu, có lẽ do bông cỏ này có cán dài và rất dai như… gân trâu. Không rõ các tên thuốc tiếng Việt như mần trầu, mần chầu, vườn trầu, màng chầu,... có phải bắt nguồn và do đọc chệch từ… gân trâu mà ra không?

Cỏ mần trầu được ghi làm thuốc đầu tiên trong sách thuốc Cương Mục Thập Di có tên là Thiên kim thảo (Cỏ ngàn vàng) có lẽ do giá trị sử dụng rất quý của dược liệu không hề hiếm này.

Theo Đông y, Cỏ mần trầu có công năng thanh nhiệt giải độc, khu phong lợi thấp, tán ứ chỉ huyết. Chủ trị cảm nắng phát sốt, trẻ em co giật cấp tính, tiểu buốt, tiểu không thông, viêm niệu đạo; dùng phòng trị viêm não B, viêm khớp dạng thấp, viêm gan vàng da, trẻ em tiêu hóa kém, viêm ruột, kiết lỵ; dùng ngoài đắp trật đả tổn thương, vết thương chảy máu, chó cắn.

Toàn cây Cỏ mần trầu nhổ cả rễ, rửa sạch, phơi khô, cắt ngắn dùng. Có thể dùng tươi. Liều dùng sắc uống từ 12-20g khô hoặc 40-120g tươi, dùng tươi có thể giã vắt nước uống; dùng ngoài tùy lượng.

Một số bài thuốc:

Trị sốt cao, hôn mê co giật: Cỏ mần trầu tươi 160g, sắc 3 chén còn 1 chén, thêm chút muối, cho uống hết trong 12 giờ.

Chữa cao huyết áp: Dùng toàn cây Cỏ mần trầu, rửa sạch cắt nhỏ, cân 500g, giã nát, thêm chừng 1 bát nước sôi để nguội, vắt lấy nước cốt, lọc qua vải, thêm chút đường, chia uống 2 lần sáng và chiều.

Trị lao lực, xanh xao, yếu sức, bệnh lao: Cỏ mần trầu cả rễ rửa sạch đất, cho vào bụng gà mái xương đen (ô cốt thư kê) đã làm sạch, chưng cách thủy chín nhừ, bỏ bã thuốc, lấy thịt ăn.

Trị viêm gan vàng da (hoàng đản) do thấp nhiệt: Cỏ mần trầu tươi 80g, Sơn chi ma (cây Tổ kén) 40g, sắc uống.

Trị kiết lỵ: Cỏ mần trầu 40-80g, sắc nước hòa đường đen uống, ngày 2 lần.

Trị trẻ em nhiệt kết, bụng dưới đầy trướng, tiểu tiện không thông: Rễ tươi cỏ mần trầu 80g, đổ 3 chén nước sắc còn 1 chén, chia 3 lần, uống trước bữa ăn.

Trị lâm trọc (tiểu đục, tiểu buốt): Cỏ mần trầu tươi 80g, sắc uống.

Trị đau sụm thắt lưng (do vận động quá sức đột ngột): Cỏ mần trầu, xơ mướp (Ty qua lạc) mỗi thứ 40g, chưng rượu uống.

Trị sán khí (thoát vị bẹn): Cỏ mần trầu tươi 160g, cùi vải khô 14 quả, đổ nửa nước nửa rượu, nấu cách thủy 1 giờ, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần.

Trị mới phát nhọt vú sưng nóng đỏ đau: Cỏ mần trầu (lấy phần ngọn) 40g, Bồ công anh (lấy phần ngọn) 40g, luộc với 1 trứng gà, ăn trứng uống nước, phần xác thuốc xoa nhẹ chỗ đau.

Phòng bệnh viêm não B: Cỏ mần trầu tươi 80 - 160g, sắc uống thay trà.  Một nghiên cứu lâm sàng cho biết dùng Cỏ mần trầu tươi mỗi ngày 40g, sắc uống một lần, liên tục trong 3 ngày. Nghỉ 10 ngày, uống tiếp 3 ngày nữa; hoặc mỗi ngày 40-80g, sắc uống 1 lần, uống liên tục 3-5 ngày. Trong 184.130 lượt người uống thuốc dự phòng, chỉ có 2 trường hợp phát bệnh, chiếm tỷ lệ 0,91/100.000. So sánh tỷ suất phát bệnh trong 6 năm liên tục, thì uống thuốc dự phòng này có tỷ suất phát bệnh thấp nhất (theo Trung dược đại từ điển)

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.