“Bác Hồng ơi, bác đổi cho con cây chổi, cây chổi này quét lá không đi”, “Chị bé Đen, đến quét ở chỗ này nè, nhiều lá lắm”… tiếng những đứa trẻ con vang vang suốt chiều dài con đường Phú Lộc 16. Mỗi tuần 3 buổi chiều, 34 đứa trẻ thuộc đội Thiếu niên bảo vệ môi trường (TNBVMT) khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu tập hợp nhau lại, quét sạch từng con đường trong khu dân cư. Hôm nào trời gió, lá cây rụng nhiều, những buổi vệ sinh tập thể này dày hơn…
Từ 5 đến 15 tuổi, các em ở 10 tổ dân phố thuộc khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, Liên Chiểu có thể trở thành thành viên của đội TNBVMT, giữ gìn đường phố sạch đẹp mỗi ngày. Ảnh: H.N |
Cùng con bảo vệ môi trường
Buổi chiều nào đội TNBVMT “ra quân”, hai chị em Phương Thảo và Thảo Nhi cũng có mặt với chổi và cái hốt rác trong tay. Hai cô bé quét sạch từng đoạn vỉa hè, vun cẩn thận đống lá cây bên lề đường. Dù đoạn đường đó là trước mặt một ngôi nhà hay bãi đất trống thì nhát chổi của các em vẫn quét qua, sạch tinh tươm như đang quét chính trong sân nhà mình. Thảo Nhi cười rất tươi, khoe “ở nhà con quét nhà, giặt đồ, được mẹ phân công rửa bát một năm nay, tức là từ hồi con bắt đầu vào năm học lớp 4 đấy. Còn chị Phương Thảo ngoài tự giặt đồ còn giúp mẹ nấu cơm, lau nhà”.
Cô bé Đỗ Thị Nhớ năm nay vào lớp đầu cấp Trường THCS Phan Đình Phùng với dáng cao, gầy, da ngăm đen nhưng đã có “thâm niên” hơn 2 năm là đội trưởng đội TNBVMT, tức là từ hồi bé mới 8 tuổi, học lớp 4 trường tiểu học. “Lãnh đạo” một đội quân gồm 34 thành viên, đứa bé nhất 5 tuổi - “biên chế” ở các lớp mẫu giáo lớn của trường mầm non, chị lớn nhất vào quãng lớp 9, cô bé bảo: “Đến ngày quét rác, con tập trung và phân công các bạn ở từng đoạn đường; nhắc nhở để ai cũng phải làm việc, không tị nạnh nhau. Vì con là đội trưởng nên cũng phải gương mẫu hơn các bạn, như sau khi quét xong thì con hốt rác lại, đổ vào thùng gọn gàng”. Chị Trịnh Thị Hồng, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh là “đầu tàu” của đội thiếu niên này còn cho biết thêm, bé Nhớ còn bé nhưng rất có ý thức, mẹ phân công làm việc gì cũng làm đến nơi đến chốn, lo lắng và lúc nào chu toàn công việc mới yên tâm, vì thế cô bé đã được chọn làm đội trưởng. Có lẽ nhờ “kinh nghiệm” 1 năm làm “lãnh đạo”, lúc đội TNBVMT được thành lập năm 2011, mà Nhớ được cả lớp và cô giáo bầu giữ chức lớp trưởng lớp 5. Khi được hỏi mẹ Nhớ có “ý kiến” gì không về việc cô bé giữ chức đội trưởng, Nhớ cười bẽn lẽn: “Mẹ khen con giỏi và bảo cứ tham gia công việc với các bạn, về nhà chỉ cần giúp mẹ quét nhà là được”.
Chị Trịnh Thị Hồng người đi đầu trong các phong trào: tổ tiết kiệm phân loại rác thải, tổ chức mô hình đội TNBVMT, heo đất tiết kiệm… cho biết, khi chưa có các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, người lớn, trẻ con vứt rác bừa bãi, nhiều gia đình chỉ biết quét sạch nhà mình, còn đoạn vỉa hè phía trước nhà là… của chung, không ai quan tâm. Trong khi trẻ con thì nhắc đâu nhớ đó, nên khi chị tập hợp bọn trẻ lại, nói cho các cháu nghe việc cần thiết giữ gìn vệ sinh khu phố, thì các cháu rất hưởng ứng. Nhưng các bậc phụ huynh cũng phải ký giấy cam kết cho các cháu tham gia đội, họ phải làm gương cho các cháu noi theo. Chị kể chuyện cô bé Cà Rốt, năm nay 7 tuổi, từng nói với bác của mình khi tham gia đội cách đây 2 năm: “Từ nay con là thành viên đội TNBVMT, được bác Hồng phát cho một cái chổi, một cái khẩu trang; từ nay không vứt rác ra đường, cùng các chị quét rác khu phố. Nếu có ai còn vứt rác, không nghe con, con sẽ méc bác Hồng!”.
Nhờ nuôi heo đất, nhiều bé bỏ thói quen ăn quà vặt, chơi điện tử; có em còn được mẹ sắm sách vở, quần áo từ tiền tiết kiệm nuôi heo đất mỗi ngày. Ảnh: H.N |
Bé tập tiết kiệm bằng nuôi heo đất
Không chỉ hướng dẫn các cháu giữ gìn, làm sạch đường phố, chị Hồng còn nghĩ đến mô hình “bé nuôi heo đất”, giúp các em từ bé đã có thói quen tiết kiệm tiền. Bởi số tiền các em được lì xì vào dịp Tết, được ba mẹ cho thường có em dành để ăn quà vặt, có em mua đồ chơi, thậm chí nhiều em đem “nướng” vào trò chơi điện tử. Đầu năm 2011, chị Hồng mua 42 con heo đất, phát cho 42 bé. Đến giữa năm, chị tổ chức cho 42 em đập heo và mua tiếp 120 con heo đất phát cho 120 bé của khu dân cư. Đến nay đã qua năm thứ 3 các em nuôi heo đất, ngày “mổ heo” ấn định vào dịp 1-6, trở thành ngày hội của các cô, cậu bé ngoan.
Cô bé Phan Thị Thanh Trúc, học lớp 9 Trường THCS Phan Đình Phùng cho biết, thỉnh thoảng ba mẹ cho tiền, gọi là “ăn nửa buổi” cho những buổi đi học thêm, hồi trước đôi khi cô bé lấy tiền đó đi chơi điện tử. Từ ngày nuôi heo đất, Trúc để dành cho heo và bỏ luôn thói quen vào hàng điện tử những khi rảnh rỗi.
Cậu bé Vũ Minh Sơn, 5 tuổi, giới thiệu mình học ở cơ sở 1, Trường mầm non Hải Đường tự hào khoe “con đã nuôi đến con heo thứ 4, hồi trước ba mẹ cho ít, những bữa nay mẹ cho nhiều hơn để con heo của con mập ú. Con rất thích đập heo đất và lúc nào có tiền là con để dành cho heo”. Sơn còn bảo là dù nuôi heo đất nhưng chưa bao giờ con kể cho các bạn trên lớp nghe, vì “nuôi heo là để mổ heo chớ làm sao khoe được!”.
Tập cho con sống tốt, sống có ích, hiểu được ý nghĩa việc làm của mình, đôi khi cha mẹ dạy rất lâu con mới nghe; nhưng nếu như đó là một phong trào của cả khu phố, của lớp học hay một nhóm bạn nhỏ, hiệu quả lại nhanh và mạnh hơn nhiều. Mỗi cô bé cậu bé nuôi một chú heo đất giúp bé có thói quen tiết kiệm và mang lại niềm hy vọng mỗi ngày cho bé.
HOÀNG NHUNG