.

Thơ Đà Nẵng, gần 40 năm nhìn lại

.

Sự đa dạng về phong cách và phong phú về giọng điệu là đặc điểm nổi bật của thơ Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng sau 1975. Tuy nhiên, không ít bài thơ chỉ mới dừng lại ở mức độ cảm xúc của người viết, chưa vươn tới những cảm xúc điển hình, tạo được chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Từ phải qua: Các nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Thị Anh Đào, Nguyễn Kim Huy nhận được tặng thưởng năm 2012 do Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng trao tặng.   (Ảnh do Hội Nhà văn Đà Nẵng cung cấp)
Từ phải qua: Các nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Thị Anh Đào, Nguyễn Kim Huy nhận được tặng thưởng năm 2012 do Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng trao tặng. (Ảnh do Hội Nhà văn Đà Nẵng cung cấp)

Đổi mới cách thể hiện

Nhằm có sự trao đổi, đánh giá khách quan tác giả, tác phẩm thơ Đà Nẵng từ sau năm 1975 đến nay, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 - Diện mạo và xu hướng phát triển”, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà thơ, nhà văn trên địa bàn thành phố. Phần lớn các tham luận tại hội thảo đều cho rằng, diện mạo thơ Đà Nẵng sau 1975 có thể chưa hoành tráng, chưa rực rỡ sắc màu nhưng đã được định hình tươi tắn, mang tầm vóc và hơi thở mới. Tuy nhiên, giữa thơ và đời sống vẫn còn khoảng cách khá lớn. Chưa kể, sau gần 40 năm thống nhất, trên quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng không có nhiều tác phẩm thơ vượt qua giới hạn về không gian, thời gian lẫn khoảng cách địa lý để đến với độc giả cả nước.

Hội thảo cũng chỉ ra rằng, gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, Đà Nẵng đã có một lực lượng thơ phong phú, đa dạng và nối tiếp nhau. Trong đó, một số tác phẩm thơ và trường ca có giá trị nghệ thuật được bạn đọc ghi nhận như Những năm tháng vay mượn (Thanh Quế), Tên gọi mới của hạnh phúc (Đông Trình), Gió mặn (Bùi Công Minh), Bóng rừng trong mưa (Ngân Vịnh), Thơ từ yên lặng (Nguyễn Kim Huy), Nhặt mùi hương trầm đâu đây (Võ Kim Ngân), Khói tỏa về trời (Nguyễn Nho Khiêm), Ma thuật ngón (Trần Tuấn), Những đời thường yêu mến (Trần Khắc Tám), Sử thi sông Hàn (Nguyễn Nhã Tiên), Chân trời (Nguyễn Minh Hùng), Ngày linh hương nở sáng (Đinh Thị Như Thúy), Dệt (Nguyễn Thị Anh Đào), Thưa mẹ phía trăng lên (Lê Anh Dũng), Cát trở dạ  (Đỗ Xuân Đồng)...

Nhà thơ Trần Dần từng nói rằng, lao động thơ trước hết là lao động chữ. Chính những con chữ, qua cấu trúc nghệ thuật của nhà thơ sẽ cho ta hiểu được chiều sâu và sự vang ngân của tình ý, giọng điệu và tư tưởng nghệ thuật. Sự đổi mới trong thơ bao giờ cũng là sự đổi mới đồng bộ giữa cái nhìn nghệ thuật sâu sắc và ngôn ngữ của nhà thơ, nó hoàn toàn khác xa với trò chơi ngôn ngữ tân kì nhưng thực chất chỉ tạo ra những xác chữ không hồn.

Sau năm 1975, đời sống hiện đại đã tạo ra sự thay đổi trong tâm thức người viết, phần lớn nhà thơ bày tỏ những quan niệm mới mẻ về con người, cuộc sống. PGS,TS Hồ Thế Hà nhận định, những cách tân nghệ thuật được các nhà thơ lớp sau 1975 mạnh dạn thể hiện, dù không phải lúc nào họ cũng thành công, nếu không muốn nói rằng có người đã thất bại do quá đà hoặc vượt ngưỡng. Đây cũng là trăn trở của không ít nhà thơ Đà Nẵng muốn đổi mới, cách tân trong cách thể hiện nhưng chưa tìm được hướng đi thuyết phục.  

Cần tạo diễn đàn cho thơ và thơ trẻ

Hiện nay, trung bình mỗi năm, tại Đà Nẵng có hơn 100 đầu sách của các nhà thơ chuyên, lẫn không chuyên được xuất bản. Không ít nhà thơ hạng “câu lạc bộ” nhưng mỗi năm lại cho ra đời một tuyển tập thơ đủ thể loại. Điều này khiến độc giả thắc mắc, liệu việc cấp phép xuất bản hiện nay có quá dễ dãi khi số lượng thơ nhiều mà chất lượng thơ “đủ tầm” không có là bao. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn khá thẳng thắn khi nói rằng: “Gần đây, tôi ngại đọc thơ hẳn đi. Đọc thơ sao khó khăn đến thế. Cầm tập thơ rất mỏng trên tay, nhiều khi cứ thấy ngại, và đọc xong, đầu óc mông lung, khó lòng nói một cách dứt khoát là thơ hay hay dở”. Có lẽ, chia sẻ này của ông cũng phần nào lý giải được chất lượng thơ những năm gần đây.

Trao đổi về xu hướng phát triển của thơ Đà Nẵng, TS. Huỳnh Văn Hoa cho biết, xu thế thơ Đà Nẵng không thể tách rời xu thế thơ Việt Nam. Thơ hiện nay được in ấn tràn lan, không phân biệt đâu là thơ thật, đâu là thơ phong trào. Giải thưởng cũng tràn lan, nặng về biểu dương. Phê bình, thẩm định thơ thiếu chuẩn mực dẫn đến không hiếm trường hợp người được trao giải từ chối giải thưởng. Phẩm chất và tài năng của người chấm giải chưa hoặc thiếu tính thuyết phục. Bên cạnh đó, đội ngũ phê bình thơ thiếu và yếu, chưa được đào tạo cơ bản, lâu dài, chưa thành “bà đỡ” cho các nhà thơ trẻ. Cũng theo TS. Huỳnh Văn Hoa, để có sự tiếp nối trong sáng tác thơ ca thời gian tới, cần tạo diễn đàn cho thơ và thơ trẻ tham gia trao đổi, thảo luận, tranh luận một cách chân thành, thẳng thắn. “Bản thân người nghệ sĩ nếu không tự nâng cao vốn văn hóa, không vươn lên phía trước bằng nỗ lực học tập của chính mình, thì rất khó được bạn đọc đón nhận”, ông nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, thơ Đà Nẵng những năm gần đây nặng tính phong trào, chưa thoát khỏi tình trạng “ao làng”, chưa tạo được sự lan tỏa đúng nghĩa. Nhà thơ Lê Anh Dũng chia sẻ, bên cạnh văn hóa nền còn thấp, nhiều nhà thơ hiện nay đẻ ra đứa con tinh thần nhưng chủ yếu đem tặng, biếu, cho do chưa thật sự tự tin với chất lượng thơ của mình. Bên cạnh đó, họ cũng chưa có điều kiện giới thiệu, quảng bá hay rao bán tác phẩm bởi thực tế ít có nhà thơ nào bán thơ thành công.

Sau gần 40 năm, không thể phủ nhận những nỗ lực của đội ngũ sáng tác Đà Nẵng qua hàng loạt tác phẩm, tác giả mới xuất hiện mỗi năm. Tuy nhiên, để thơ có sức sống, sức lan tỏa, đến được với bạn đọc, nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Anh Đào cho rằng, sức lan tỏa của thơ không chỉ nằm ở nội dung hay, hình thức thể hiện phù hợp mà còn là cái duyên đến với người đọc. Nhưng nếu tác giả thụ động sáng tác và co cụm tác phẩm của mình trong một khuôn khổ của Hội, thì sức lan tỏa tác phẩm sẽ bị chết dần và đi vào quên lãng. Có lẽ, trăn trở của chị cũng chính là trăn trở của không ít cây bút có tâm huyết với nền thơ ca đương đại. Bởi không có trường lớp dạy làm thơ chuyên nghiệp mà phải trông cậy vào tài năng bẩm sinh. Nhưng có tài năng mà thiếu đam mê, học vấn, văn hóa thì khó lòng đi xa. Cùng với sự chuyển động của xã hội, sự giao lưu văn hóa quốc tế, thơ Đà Nẵng bắt buộc không được dừng lại ở cách nghĩ và kiểu dáng cũ để không lặp lại người khác và lặp lại chính mình.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.