.

Trung , Ấn đua nhau "hút nước"

.

Tương lai của dãy núi nổi tiếng nhất thế giới Himalaya bị đe dọa nghiêm trọng bởi dự án xây dựng thủy điện của các nước trong vùng. Một nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Pakistan cùng tìm cách hút nước trong dãy Himalaya nhằm đủ điện cung cấp cho nền kinh tế của họ.

Những nước này dự kiến xây hơn 400 công trình thủy điện tại đây. Hầu hết các sông ở Himalaya bị ảnh hưởng bởi những đập gần đó. Nếu tất cả được hoàn tất sẽ cung cấp khoảng 160 nghìn MW điện, nhiều gấp ba lần so với người Anh sử dụng. Ngoài ra, Trung Quốc có kế hoạch xây khoảng 100 đập để sản xuất số lượng điện tương tự từ những con sông lớn ở Tây Tạng. Có thêm 60 đập nữa ở sông Mekong.

Thủy điện Ranganadi của Ấn Độ.
Thủy điện Ranganadi của Ấn Độ.

Hai cường quốc châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ đang gấp rút khai thác chúng. Nhiều đập dự kiến sẽ là con đập lớn nhất thế giới, tạo ra 4 nghìn MW điện, như đập Hoover ở sông Colorado (Mỹ). Trong vòng 20 năm tới, Himalaya sẽ là nơi tập trung nhiều đập nhất thế giới, có mật độ cao nhất với 1 đập/32km sông. Ấn Độ dự kiến xây 292 đập, tức là tăng gấp đôi số lượng đập thủy điện hiện tại và cung cấp 6% nhu cầu điện toàn quốc. Trung Quốc khai thác thủy điện tối đa trên các sông lớn như Dương Tử, Mekong, Hoàng Hà… Đây là những con sông có tác động rất lớn tới các nước khác nên hậu quả rất đáng lo ngại. Trung Quốc không chỉ xây đập thủy điện trong nước mà đầu tư mạnh sang nước ngoài như Pakistan, Lào, Myanmar và nhiều nơi khác nữa.

Một nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc chiến Trung - Ấn đã chuyển từ đất sang nước. Tuy nhiên, Ấn Độ yếu thế hơn bởi vì một “nửa nước” của họ chảy trực tiếp từ Trung Quốc. Hiệu ứng dây chuyền của việc xây đập thủy điện tràn lan là Bangladesh sợ kế hoạch của Ấn Độ làm thay đổi dòng chảy và làm khô cạn nhiều dòng sông của nước họ. Hơn 80% nông dân Bangladesh (khoảng 50 triệu người) phụ thuộc nguồn nước từ Ấn Độ. Các kỹ sư và nhà hoạt động môi trường trên thế giới cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ ít nghiên cứu tác động môi trường và xã hội của những đập thủy điện. Hai nước này buộc hàng chục triệu người phải di cư để xây dựng thủy điện Narmada hay Tam Hiệp suốt 30 năm qua nhưng chính quyền lại không hề đoái hoài cuộc sống của người dân ra sao, bao nhiêu đất đai bị hoang hóa, khí hậu thay đổi như thế nào… Người dân ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã biểu tình phản đối chính phủ vì những kế hoạch xây dựng thủy điện bất chấp cảnh báo của giới khoa học.

ANH THƯ (theo Guardian)

;
.
.
.
.
.