.

Từ ngôi mộ của một đại tướng

.

Ở Nghĩa trủng Hòa Vang có một ngôi mộ lớn ở trung tâm. Ngôi mộ này được xây bằng xi-măng, có khuynh bao quanh, bia là một phần của khuynh, cũng bằng xi-măng, chữ là mảnh sứ ghép thành, đọc thấy là: “Tiền triều Đại tướng Quý công mộ”. Ở dòng niên đại xác định rõ năm dựng là Tự Đức thập cửu niên, tức 1866.

Ngôi mộ lớn tại trung tâm Nghĩa trủng Hòa Vang “Tiền triều Đại tướng Quý công mộ”.       	                Ảnh:V.T.L
Ngôi mộ lớn tại trung tâm Nghĩa trủng Hòa Vang “Tiền triều Đại tướng Quý công mộ”. Ảnh:V.T.L

Dân làng Khuê Trung, người thì bảo đó là mộ của ông Lê Đình Lý, người thì bảo đó là mộ của ông Ông Ích Khiêm; người thì bảo đó là mộ một vị đại tướng chỉ huy dân xã Cẩm Lệ đánh Pháp... rất khó xác định.

Năm 1997, lúc làm phim cho VTV Đà Nẵng để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 140 năm Pháp đánh Đà Nẵng chúng tôi đã có gặp cụ Hương Mưu, họ Lê, lúc ấy đã 93 tuổi, đã từng hơn 30 năm làm Hương chủ của làng Khuê Trung, nhưng vẫn còn khá khỏe mạnh và minh mẫn để nhờ cụ dịch toàn bộ phần chữ Hán ở khu Nghĩa trủng này. Những điều cụ nói thật mạch lạc và rõ ràng, rằng Nghĩa trủng đầu tiên ở làng Nghi An, gọi là Trủng Bò Nghi An, nay thuộc khu vực trong sân bay Đà Nẵng. Khoảng 1920, lúc cụ Hương Mưu 15 tuổi, Pháp mở sân bay nên phải dời Nghĩa trủng về vườn Bá Khuê Trung. Năm 1962 quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía nam nên dân làng Khuê Trung phải dời Nghĩa trủng một lần nữa là chỗ hiện nay và xây cất với chất liệu xi-măng như ta thấy.

Đặc biệt, về ngôi mộ “Tiền triều Đại tướng Quý công mộ” cụ Hương Mưu nói rõ rằng chính cụ là đốc công đứng ra trực tiếp chuyển hơn 1.000 ngôi mộ vào năm 1962. Và cụ nói rõ đó là mộ vị Đại tướng có tên là Nguyễn Trọng Ân nhưng cụ đã quyết định không dùng lại bia cũ mà cho dựng bia mới với nội dung do chính cụ viết như ta thấy. Lý do theo cụ thì để tên ông Nguyễn Trọng Ân là không nên vì sẽ gây nhiều mối hiềm khích trong làng. Nhiều họ trong làng đang tranh nhau tộc to, họ lớn, công nhiều, công ít, rồi tiền hiền, hậu hiền, thần Hoàng. Để tên ông e sự hiềm khích lại tăng lên.

Cũng theo lời cụ Hương Mưu, ông Nguyễn Trọng Ân là vị đại tướng dưới quyền ông Nguyễn Tri Phương, chỉ huy đồn Tuyên Hóa. Như lời ông nội cụ kể lại cho cụ thì ông Nguyễn Trọng Ân người to lớn khác thường, nồi cơm của cả một tiểu đội ông ăn không no, nồi cơm của ông cả một tiểu đội ăn không hết. Lúc chuyển mộ ông, cụ Hương Mưu thấy xương quả thật to hơn người thường, dưới vẫn còn một chiếc mão võ tướng và năm hạt cúc áo bằng đồng đã hoen rỉ.

Ông Nguyễn Trọng Ân đã chết khi giặc Pháp tấn công đồn Tuyên Hóa lúc nửa đêm. Vẫn theo lời cụ Hương Mưu. Đêm hôm trước, đoàn hát vào hát cho binh lính nghe và một con hát đã ngủ lại với vị đại tướng. Lúc giặc Pháp tấn công, ông và binh lính ra sức chống cự nhưng không lại, khi đồn thất thủ ông nhảy một phát đứng trên thành chuẩn bị thoát ra ngoài thì cô nhà trò kêu lên: “Đại tướng ơi, cứu em với!”. Ông nhảy xuống ôm cô gái nhảy lên nhưng do vướng váy áo của cô gái ông trở thành tấm bia hứng đạn giặc. Lần đó dân làng chôn 770 vị mả cả thảy. (Sách Đại Nam Thực Lục tập 7 NXB Giáo dục 2007, chép trận này “biền binh chết mất 30 tên, bị thương 65 tên). Sau này khi có lệnh của vua ra thành lập nghĩa trủng người ta đã đưa thêm người tử nạn trong trận chiến ở các nơi khác vào cả thảy có đến hơn một ngàn ngôi mộ.

Tra tìm trong Đại Nam Thực lục chúng tôi không thấy nhân vật nào có tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Ân mà chỉ thấy có một võ tướng là Nguyễn Ân chỉ huy đồn Hóa Khuê. Chi tiết trong trang 582 sách đã dẫn như sau: Tháng 11-1858, “Quân Tây Dương đột nhiên đánh phá 2 đồn Hóa Khuê và Nại Hiên. Hiệp quản là Nguyễn Triều, Nguyễn Ân hết sức đánh trả và chết trận. Các tướng Chu Phúc Minh, Đào Trí, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy chia quân đến cứu không kịp. Việc ấy tâu lên vua. Vua nói rằng: “Đồn lẻ một nơi, không quân cứu viện, đến nỗi thế này, bây giờ tìm đâu cho được người tướng như thế!”.

Trong các sử liệu chúng tôi không tìm thấy địa danh Tuyên Hóa như theo trí nhớ cụ Hương Mưu nhưng trong Đại Nam Thực Lục, đồn Hóa Khuê thuộc xã Cẩm Lệ trong trận chống Pháp 1858 được nhắc đi nhắc lại tới 4 lần với những trận đánh lớn chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha.

Trên bản đồ chiến sự 1858 mới phát hiện được, ta thấy 2 vị trí được đánh số 29 là Hóa Khuê (化閨) Thủy đồn và 30 là Hóa Khuê Chi đồn (ở phần chú tiếng Việt thì từ Khuê đã được viết thành Quê), tức hai đồn cạnh nhau thuộc khu vực đình Nại Nam, Hòa Cường Nam ngày nay. Bản đồ này là bằng chứng rõ ràng và sớm nhất chữ Hóa Khuê đã được đọc là Hóa Quê. Tìm lại vị trí đồn Hóa Khuê thiết nghĩ cũng là một việc đầy ý nghĩa của ngành bảo tồn di tích Đà Nẵng.

Trở lại với vị tướng Nguyễn Trọng Ân hay Nguyễn Ân, ta thấy trong Đại Nam Thực Lục có 3 lần nhắc đến tên người này. Lần đầu là tháng 9-1858 quân Tây Dương vào xã Mỹ Thị, tức khu vực UBND quận Ngũ Hành Sơn nay, “nhổ rào sách gỗ, phá đồn Thổ Sơn” (thuộc núi Ngũ Hành Sơn). Lê Đình Lý cầm quân đánh lại một trận rất to, lạc đạn bị thương, quân sĩ chạy tan cả, viện binh đến cứu không kịp khiến thế trận vỡ. Trong trận thua ở xã Cẩm Lệ này Lê Đình Lý bị giáng 4 cấp, Phan Khắc Thuận bị giáng 3 cấp, Vệ úy Nguyễn Biểu và Nguyễn Ân bị cách chức nhưng cho được lưu dụng. Nhiều người bị phạt đánh trượng ngay trước quân.

Lần thứ hai Nguyễn Ân được nhắc đến là tử trận ở đồn Hóa Khuê với chức danh Hiệp Quản và lời than tiếc của vua Tự Đức.

Lần thứ ba là lần được truy tặng. Đến tháng 5-1862, năm Tự Đức thứ 15, trong danh sách truy tặng các nhân viên quân thứ Gia Định - Quảng Nam bị chết trận. Nguyễn Ân được truy tặng hàm Vệ úy, tức trở lại chức cũ trước khi bị kỷ luật (sách đã dẫn trang 774). (Vệ úy là một chức quan võ chỉ huy các vệ Cẩm y, Kim ngô, Vệ loan giá thời Nguyễn).

Nguyễn Trọng Ân theo trí nhớ cụ Hương Mưu có phải chính là Nguyễn Ân trong Đại Nam Thực Lục đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để có thể khẳng định một cách chắc chắn. Tuy nhiên, một vị tướng tồn tại trong ký ức dân gian với tầm vóc như thế hẳn không phải là một vị quan cai đội hoặc chỉ huy dân quân. Và không phải vô cớ mà có một Nguyễn Ân được chép vào sử sách với địa danh, thời gian và sự kiện hầu như gắn chặt với Nguyễn Trọng Ân trong ký ức dân gian. Theo chúng tôi đây quả thực chỉ là một người. Và cho dù đó là hai người khác nhau đi nữa thì cũng đều xứng đáng để được trả lại tên với tất cả sự kính trọng của chúng ta hôm nay.

Năm 1997 cụ Hương Mưu 93 tuổi, tức cụ sinh năm 1904. Giả sử lúc cụ 10 tuổi được nghe lời ông nội, ông ngoại mình kể chuyện đánh Pháp thì hẳn cũng chỉ mới qua một thế hệ, chưa đủ tam sao để thất bổn. Chúng ta có thể tin những gì cụ Hương Mưu đã kể. Lời cụ Hương Mưu đến nay là người duy nhất giúp ta biết được tên của người nằm trong ngôi mộ lớn và quan trọng nhất khu Nghĩa trủng này. Lời cụ Hương Mưu chúng tôi nghe rất rõ, chỉ tiếc không còn bằng chứng ghi âm nhưng thiết nghĩ cả làng Khuê Trung và con cháu cụ chắc chắn cũng sẽ có người được nghe những lời này.

Trả lại tên Nguyễn Ân cho ngôi mộ này chúng tôi còn mong đến một tấm bia mới không chỉ có tên mà còn khắc cả lời tiếc thương của vua Tự Đức: “Đồn lẻ một nơi, không quân cứu viện, đến nỗi thế này, bây giờ tìm đâu cho được người tướng như thế!”. Đâu phải ai “vì nghĩa cả mà hy sinh” (lời bia nghĩa trủng Phước Ninh) cũng được vua nói lời tiếc thương như vậy!

HOÀNG TRUNG

;
.
.
.
.
.