.

Bao giờ khởi công nút giao thông ngã ba Huế?

.

Theo kế hoạch, dự án cải tạo nút giao thông ngã ba Huế sẽ khởi công vào ngày 2-9-2013. Nhưng sau đó, người dân thành phố Đà Nẵng, vốn rất quan tâm đến dự án, cảm thấy hụt hẫng khi nghe tin sẽ lùi ngày khởi công công trình nhiều ý nghĩa này. Còn việc bao giờ sẽ khởi công vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Vì sao người dân thành phố, nhất là những người dân sống chung quanh khu vực này, lại kỳ vọng đến thế về dự án?

Phối cảnh nút giao thông Ngã ba Huế.
Phối cảnh nút giao thông Ngã ba Huế.

Quả thực, có sống tại khu vực ngã ba Huế mới thấu hiểu vì sao người dân kỳ vọng đến vậy. Đơn giản vì nút giao thông này tồn tại quá nhiều bất cập mà báo động đỏ là tình trạng tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, cứ như một điệp khúc không có đoạn kết. Người dân thành phố sốt ruột một thì lãnh đạo thành phố sốt ruột đến mười, vì trước viễn cảnh TNGT ngày càng gia tăng, còn trật tự giao thông lại rối tung, nhất là mỗi khi có tàu lửa chạy qua. Thậm chí, có lúc giao thông tại đây tắc tị đến mức lực lượng Cảnh sát giao thông buộc phải đứng ra điều tiết cho dòng phương tiện lưu thông trên đường Trường Chinh hướng vào nút giao thông ngã ba Huế phải rẽ phải đi vòng xuống đến Tượng mẹ Dũng sĩ Thanh Khê rồi mới vòng ngược lên vào nút...

Thực tế là vậy, còn con số thống kê của các cơ quan chức năng cũng đã “vẽ” lên viễn cảnh còn đáng lo hơn: Trước đây khoảng 10 năm, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 10-15 đôi tàu lửa qua đây và khoảng từ 2.000-5.000 lượt ô-tô lưu thông/ngày đêm. Thế nhưng, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thành phố Đà Nẵng, lượng phương tiện qua nút giao thông này tăng lên nhanh chóng với mức trung bình mỗi ngày có 30 đôi tàu lửa và khoảng từ 8.000-10.000 lượt ô-tô. Đặc biệt lượt mô-tô, xe máy, xe đạp, xe thô sơ đã gần cán mức 100.000 lượt/ngày đêm.

Trước thực tế mật độ phương tiện tăng nhanh theo kiểu “năm sau cao hơn năm trước”, lãnh đạo thành phố có rất nhiều nỗ lực để khắc phục như chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm nâng cấp mở rộng nút giao thông, cũng như nâng cấp mở rộng đường Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Điện Biên Phủ. Đặc biệt, thành phố luôn tranh thủ mọi cơ hội “thúc giục” Bộ GTVT sớm triển khai dự án cải tạo nút giao thông ngã ba Huế. Và kết quả là trong năm 2011, Bộ trưởng Bộ GTVT ký quyết định thông qua dự án cải tạo nút giao thông ngã ba Huế với tổng mức kinh phí xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện là từ năm 2012-2015.

Về phía mình, khi có quyết định của Bộ GTVT, thành phố chủ động bắt tay vào phần việc của mình như tổ chức cuộc thi thiết kế nút giao thông ngã ba Huế, thành lập ban giải phóng mặt bằng, giới thiệu phạm vi giải tỏa đền bù rộng rãi đến mọi người dân... Đặc biệt, sốt ruột trước tình trạng dự án ký xong rồi nằm im, lãnh đạo thành phố luôn tranh thủ mọi cơ hội để “thúc giục” chủ đầu tư là Bộ GTVT sớm triển khai và mỗi lần như vậy đều nhận câu trả lời từ Bộ GTVT: Đang trong thời điểm khó khăn về kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản nên phải... từ từ. Để giải bài toán về kinh phí này, thành phố Đà Nẵng chủ động có công văn đề nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện dự án bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và đã được Bộ đồng ý, đồng thời giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện dự án. Mới đây, vào ngày 15-7-2013, trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố một lần nữa kiến nghị nên sớm triển khai dự án. Sau đề nghị này, chính Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thống nhất “nếu để dự án triển khai chậm ngày nào thì khó khăn thêm ngày đó”, đồng thời hứa sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan của Bộ GTVT chủ động phối hợp với thành phố để sớm triển khai dự án. Lãnh đạo thành phố sau đó đã xác định thời điểm khởi công dự án là 2-9-2013 nhưng đến nay mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Không thể triển khai dự án đúng kế hoạch, đã vậy ngày 2-8-2013, Bộ GTVT còn ban hành Quyết định số 2296/QĐ-BGTVT về việc điều chỉnh quy mô của dự án. Cụ thể, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 1.957 tỷ đồng xuống còn 1.797,2 tỷ đồng; phạm vi điều chỉnh dự án rút xuống còn 7,3ha đồng nghĩa với việc từ chỗ 400 hộ dân trong diện di dời giải tỏa rút xuống còn 218 hộ. Đáng nói nhất là việc thay đổi thiết kế “cắt” bỏ bớt hai nhịp chính dài 90 mét và toàn bộ phần trụ tháp dây văng, vốn là điểm nhấn tạo nên ấn tượng kiến trúc ngay cửa ngõ thành phố. Bên cạnh đó là “bóp” nhỏ đường gom từ 7 mét xuống còn 5,5 mét.

Theo một lãnh đạo Sở GTVT thành phố, mặc dù Bộ GTVT đã đồng ý  ủy quyền cho Sở GTVT Đà Nẵng quản lý dự án, tuy nhiên mọi quyết định cuối cùng đều thuộc về đơn vị chủ quản là Bộ GTVT. Chính vì vậy, bao giờ khởi công dự án là câu hỏi địa phương chưa thể trả lời.

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.