.

Ghi ở đền thờ "Nhất gia tam kiệt"

.

Theo tấm biển chỉ đường về di tích Nguyễn Tri Phương đặt ngay trung tâm thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, chúng tôi tìm về làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, quê hương của danh tướng Nguyễn Tri Phương để  hiểu thêm về thân thế sự nghiệp của người con xứ Huế đã sống chết với sự mất còn của đất nước ở các mặt trận Đà Nẵng, Gia Định và thành Hà Nội trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ 19.

Điều làm chúng tôi bất ngờ và xúc động nhất là trên điện thờ không chỉ có tượng đồng của ông (do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam dâng tặng), mà bên tay trái ông còn có bài vị của Nguyễn Duy, em trai ông hy sinh trong trận chiến bảo vệ đồn Chí Hòa (Biên Hòa) năm 1861 và bên tay phải là bài vị của Nguyễn Lâm, con trai hy sinh cùng ông trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội năm 1873. Vì thế trải qua gần 140 năm nay, đền thờ Nguyễn Tri Phương ở quê nhà Phong Chương, Phong Điền được Triều đình nhà Nguyễn và nhân dân vinh danh là đền thờ “Tam Công” hay đền thờ “Nhất gia tam kiệt”.

Theo gia phả, Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 21-7-1800 (Canh Thân) tại làng Đường Long, tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Trong cuộc đời làm quan của mình ông đã trải qua ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với nhiều chức vụ quan trọng của triều đình, như Thượng thư Bộ Công năm 1847, Bộ Binh năm 1860, Bộ Lại 1870, Đông các đại học sỹ và sau cùng là Tam tuyên quân thứ, Khâm mạng tuyên sát đổng sức đại thần… Dù ở cương vị nào ông cũng luôn đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết.

Ông luôn có mặt trên những điểm nóng khó khăn nhất của đất nước trong bối cảnh bị thực nhân Pháp lăm le xâm lược. Khi Pháp đánh Đà Nẵng lần thứ nhất tháng 9-1858, mặt trận Đà Nẵng nguy ngập, vua Tự Đức phải cho gọi gấp Nguyễn Tri Phương đang trấn thủ Nam Kỳ ra  Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, ông cho đắp các chiến lũy kéo dài từ Hải Châu đến Phúc Minh, Thạc Gián, kịp thời chặn đứng các cuộc tấn công của quân Pháp, làm thất bại ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của giặc, buộc Pháp bỏ Đà Nẵng kéo vào đánh chiếm Gia Định 1859. Mặt trận Gia Định lâm nguy, ông lại được vua Tự Đức cử vào Gia Định và khẩn trương xây dựng Đại đồn Chí Hòa cầm cự với quân Pháp trong một thời gian dài và làm nên trận đánh lịch sử tại đồn Chí Hòa làm khiếp đảm quân Pháp trước khi lui binh năm 1861. Tại trận chiến này, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, em trai ông là Nguyễn Duy đã chỉ huy 300 quân quyết tử chặn địch cho đại binh rút lui và hy sinh anh dũng.

Nói về trận chiến quyết tử của Nguyễn Duy, nhà thơ cùng thời Nguyễn Thông mô tả trong “Bài vãn Nguyễn Duy Định Biên Tán Lý” với lời đề dẫn: “… Ông ra sức đánh đến chết, thi thể biến dạng không còn nhận ra được, nhờ vào dấu áo và chiếc đai lưng, biết ông đã hy sinh, họ đưa ông về chôn tạm ngoài cửa đông thành Biên Hòa…”.  Lời vãn ca ngợi Nguyễn Duy của nhà thơ Nguyễn Thông được nhà thơ Bảo Định Giang dịch thơ hết sức cảm động “…Trí mưu đầy đất chôn vùi/ Ba quân sùi sụt khóc người cựu ân/ Nhận dấu áo mà chôn tướng lĩnh/ Thịt xương tan khí chính còn đây/ Mỗi năm bạn cũ nhớ ngày/ Thăm mồ rưới rượu nhớ ai ngậm ngùi…”.

Tượng đồng Nguyễn Tri Phương tại đền thờ. 	         	           Ảnh: N.M.T
Tượng đồng Nguyễn Tri Phương tại đền thờ. Ảnh: N.M.T

Thất thủ Gia Định, ông được triều đình điều ra làm Tổng đốc quân vụ chỉ huy quân binh trấn giữ thành Hà Nội. Ngày 19-11-1873, quân Pháp dưới sự chỉ huy của quan năm Francis Garnier đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân dân Hà Nội chiến đấu giữ thành. Con trai ông là phò mã Nguyễn Lâm được giao trấn giữ cửa đông nam thành Hà Nội và anh dũng hy sinh, thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, bị thực nhân Pháp bắt và ra sức dụ dỗ mua chuộc… Nhưng ông khẳng khái từ chối với lời tuyên bố: “Bây giờ ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa” dứt bỏ bông băng, tuyệt thực và mất ngày 20-12-1873. Thi hài ông và con trai Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Vua Tự Đức tự mình soạn văn tế khóc thương: “…Họ Nguyễn toàn gia tử tiết, sau trước một lòng, không phải như bọn tham sinh úy tử. Nguyễn Tri Phương nhất sinh trung dũng, em là Nguyễn Duy, con là Nguyễn Lâm đều vì nước bỏ mình, cha con anh em đều tử tiết, thế gian xưa nay hiếm có…” và sai Bộ Công lập đền thờ Trung Hiếu tại làng Đường Long, Tổng Chánh Lộc, Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để hiệp thờ ba vị.

Như vậy, đền thờ Nguyễn Tri Phương – Nhất gia tam kiệt tồn tại đến nay đã gần 140 năm. Được biết, không chỉ tại quê nhà ở Phong Điền - Thừa Thiên-Huế có đền thờ ông, mà ở Biên Hòa và Hà Nội hiện nay cũng có đền thờ Nguyễn Tri Phương với quy mô hoành tráng, với nhiều tên gọi khác nhau như Đền thờ Trung liệt tại Hà Nội, Đền thờ Tam Công tại Bửu Hòa – TP. Biên Hòa. Tên ông cũng được các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội chọn đặt tên cho các tuyến đường lớn. Đây chính là sự vinh danh của nhân dân và lịch sử trước những công lao to lớn của danh thần Nguyễn Tri Phương cũng như em và con trai ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đúng như lời tri ân của Bác Hồ trong tác phẩm “Lịch sử nước ta”, viết năm 1941:

“…Nước ta nhiều kẻ tôi trung
Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương
Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương
Cùng thành còn mất tấm gương để đời…”

Ngày nay, Đền thờ “Nhất gia tam kiệt” đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và là địa chỉ du lịch văn hóa lịch sử đặc sắc ở Thừa Thiên-Huế.

NGÔ MINH THUYÊN

;
.
.
.
.
.