Nằm trên giường bệnh với đủ các mũi tiêm, dịch truyền… và chống chọi với nỗi đau hằng ngày, cô gái da cam giàu nghị lực Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn không nguôi khát vọng được sống và làm việc có ích.
Hiền (thứ 2, từ phải sang) và những người thân trong gia đình. Ảnh: K.N |
Xin mẹ cho con đi học!
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Yên Thành, tỉnh Nghệ An, khi Hiền được 9 tháng tuổi thì người cha bỏ 3 mẹ con em ra đi và từ đó không trở về nữa. Chị Nguyễn Thị Sâm, mẹ Hiền gạt nước mắt, nén nỗi đau gắng gượng nuôi hai cô con gái và người mẹ già.
Từ nhỏ, Hiền đã bị nhiễm chất độc da cam từ người bố nên cơ thể gầy gò, bàn tay ngón thì cụt ngủn quắp lại, ngón thì thẳng, nhưng mềm không xương. Không biết bao lần mẹ Sâm phải vay mượn tiền để đưa cô bé đi chữa trị ở khắp các bệnh viện, từ Bệnh viện Đa Khoa huyện Yên Thành, rồi sau đó là Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)… Vậy mà, những cơn đau đớn vẫn không quật ngã được em. Hiền tốt nghiệp cấp III rồi đậu Đại học Đà Lạt với số điểm khá cao. Sợ con lại ngã bệnh, mẹ khuyên con ở nhà. Nghe lời mẹ nhưng ước mơ được đứng trên giảng đường của Hiền chưa lúc nào vơi, cô bé tiếp tục ứng thí và đậu vào Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Nhưng những cơn đau ngày một dài hơn với biết bao lần chuyển viện, Hiền đành một lần nữa gác lại giấc mơ vào đại học để ở nhà chữa bệnh. Năm 2008, khi bệnh tình cũng tạm ổn, Hiền lại xin mẹ tiếp tục đi thi và đậu vào ngành giáo dục chính trị của Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng với số điểm cao gần nhất khoa. Trước những lo lắng của mẹ, Hiền nói giọng rắn rỏi: “Xin mẹ cho con đi học. Nếu không được đi học để trở thành người có ích con thấy mình không còn ý nghĩa để sống”.
Lần đầu tiên một thân một mình nơi xa không có mẹ ở bên, không thể nói hết những khó nhọc mà cô bé phải vượt qua. “Lúc đầu các bạn đều sợ hãi khi nhìn thấy em nên không ai nói chuyện với em cả. Mãi sau này các bạn mới quen và cảm thông hơn” - Hiền kể. Chỉ riêng những sinh hoạt thường nhật ở ký túc xá, cô bé cũng gặp nhiều khó khăn. Vì phải giặt đồ bằng chân mất nhiều thời gian nên Hiền thường đợi các bạn cùng phòng giặt đồ xong hết rồi mới bưng chậu đồ ra. Loay hoay có khi đến nửa đêm mới giặt xong… Việc học cũng rất vất vả khi cô bé viết bài khá chậm. Vậy là lại cặm cụi ghi âm giọng nói các thầy cô về nhà mở ra nghe lại và bổ sung những chỗ còn thiếu. Tuy nhiên, chính vì thế mà Hiền nắm khá kỹ và nhớ bài lâu. Buổi tối, Hiền còn tranh thủ đăng ký học thêm lớp tiếng Anh để bổ sung kiến thức.
Gian khó
Nhờ chăm chỉ, Hiền học vượt cấp, chỉ 3 năm, cô bé đã cầm trong tay tấm bằng Đại học chuyên ngành giáo dục chính trị của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và luận văn tốt nghiệp của em đạt số điểm gần như tuyệt đối 9.92. Khi đó, Hiền sụt chỉ còn 35kg (lúc mới vào trường là 45kg). Tạm biệt mái trường đã gắn bó bao kỷ niệm, Hiền tham gia ngay vào một dự án đào tạo kỹ năng phòng tránh thiên tai cho người khuyết tật Quảng Nam - Đà Nẵng. Người ta vẫn thấy cô gái trẻ dù thân thể không lành lặn nhưng với bầu nhiệt huyết và niềm say mê khi thì sôi nổi tại những buổi hội thảo ở hội trường, lúc lại lặn lội về các miền quê nghèo của huyện Hòa Vang, Đại Lộc để giúp các em có hoàn cảnh như mình. “Là người khuyết tật, em hiểu hơn ai hết nỗi vất vả mà họ phải chịu đựng, nhất là trong những tình huống khẩn cấp khi có thiên tai” - Hiền thổ lộ.
Tuy nhiên, những vất vả vì công việc cũng không làm cô bé lo lắng bằng việc tìm chỗ thuê trọ. Đi nơi nào, khi nhìn thấy cô bé với thân hình khẳng khiu và nước da xám ngoét, chủ nhà trọ cũng ngại ngùng lắc đầu từ chối. “Có nơi điện thoại hỏi họ đồng ý cho thuê. Khi em đến thì họ bảo hết phòng” - Hiền ngậm ngùi nhớ lại. Cứ tầm 6 giờ tối, xong công việc là cô bé lại lên đường… tìm phòng trọ. Cuối cùng, nhờ sự quen biết của thầy hướng dẫn thực tập, cô bé cũng tìm được một chỗ trọ cho mình. Chưa hết niềm vui vì có chỗ tạm an cư thì Hiền lại bắt đầu phải đối diện với những cơn đau mỗi ngày một nhiều hơn. Nhưng vì đang vào guồng công việc, Hiền vẫn cố làm cho đến khi cô không thể đi được nữa mới nhờ bạn bè đưa vào bệnh viện. Bác sĩ kết luận cô bé bị tràn dịch màng phổi, suy thận độ 1 và nội tạng đang dần bị phá hủy…
Ước mơ trên giường bệnh
Khi chúng tôi đến, dù vừa trải qua nhiều đợt tiêm, truyền dịch của bác sĩ, Hiền vẫn vui, giọng vẫn hào hứng khi kể về những chuỗi ngày làm việc với dự án. Cô bé còn thổ lộ nỗi lo lắng và niềm tiếc nuối vì dự án chuẩn bị kết thúc. “Có lẽ em phải chuẩn bị để tìm việc mới thôi. Em vẫn ước mơ được làm cô giáo để dạy chữ cho trẻ em khuyết tật…” - Hiền hồn nhiên nói. Cô bé còn kể về những ngày tháng đi dạy cho các em ở Trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và Trung tâm Bảo trợ trẻ em chất độc da cam ở Đà Nẵng. Kỷ niệm về khoảnh khắc sống có ý nghĩa ấy như tiếp thêm động lực cho cô bé chống chọi với bệnh tật.
Chị Sâm bảo, chị thường cất rất cẩn thận những giấy khen, bằng khen của Hiền như: giấy khen “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong phấn đấu rèn luyện và học tập”, bằng khen “Nhà giáo và sinh viên tiêu biểu xuất sắc khu vực miền Trung - Tây Nguyên” của Bộ GD-ĐT trao tặng… “Đó là những kỷ niệm, những cố gắng của con bé trong khó khăn. Mình tự hào lắm nên phải giữ để động viên nó”.
Nói về bệnh tình của Hiền, chị Sâm nhỏ giọng: “Bác sĩ bảo khi chất độc da cam phát tán mạnh, sức khỏe con Hiền sẽ giảm xuống nhanh chóng. Không biết nó có chịu nổi không…”. Mỗi ngày, cầm tờ xét nghiệm của bác sĩ, lòng người mẹ lại xót đau vì thân thể con lại thêm một bệnh mới. Mỗi lần như thế, Hiền lại cầm tay mẹ: “Con sẽ không sao đâu. Vài bữa con khỏe lại đi làm kiếm tiền để mẹ đỡ vất vả...”. Ngoài kia, cuộc sống vẫn đang cuộn chảy. Và lòng tôi chợt ước, giá như có phép mầu…
KIM NGÂN