.

Thắng và thua, vui và buồn

.

Flushing Meadows khởi đầu ngày mới trong ánh nắng chói chang dưới trời xanh mây trắng. Tổ hợp quần vợt lớn nhất nước Mỹ và thuộc loại hiện đại nhất hành tinh bước vào ngày thi đấu thứ 9 với nhiều cuộc so tài đỉnh cao của nhiều tay vợt tên tuổi.

Trong sân, những chàng trai cô gái thảnh thơi vừa nhai kẹo vừa dõi theo từng đường bóng để rồi hào hứng cùng gào lên sau một pha bóng đẹp; ngoài sân, dưới bóng mát của những hàng cây, từng đoàn người thong thả dạo bước… Một New York bình yên trong chặng cuối căng thẳng của một giải đấu truyền thống hấp dẫn nhất hành tinh ở môn quần vợt. Ít ai hay cùng lúc, ở bên kia bán cầu, người dân Syria, từ những em bé mắt tròn thơ ngây đến những cụ già lọm khọm,  những phụ nữ nghèo khó tảo tần phải sống những phút giây lo âu hồi hộp. Chiến tranh đang cận kề, chỉ cách cuộc sống thanh bình của họ một lời tuyên bố, một câu phát lệnh từ người đứng đầu Nhà Trắng. Cái thanh bình nơi này chẳng thể xóa mờ cảnh hỗn loạn chỗ nọ, chút hào hứng của một góc Flushing Meadows làm sao xua được nỗi hãi hùng đang bao trùm bầu trời Trung Đông! Nếu có một mắt nhìn từ trên cao bao quát được mọi biến động diễn ra cùng lúc, người ta sẽ nhận ra biết bao bi tráng lạnh lùng của nhân gian và thế cuộc những năm đầu thế kỷ mới!

“Chiến tranh là điều tệ hại nhất trong đời sống con người bởi suy cho cùng, chẳng phía nào giành được thắng lợi cả!”. Phải trải qua một tuổi thơ dữ dội trong đạn bom, Djokovic - tay vợt người Serbia hiện là ứng viên hàng đầu chức vô địch giải Mỹ mở rộng - mới thấm thía đến vậy. Từng sống trong hầm trú ẩn suốt 78 ngày đêm hứng chịu hàng loạt trận bom khi lực lượng NATO không kích thủ đô Belgrade năm 1999, tay vợt hiện xếp số một thế giới có vẻ dễ chia sẻ phần nào nỗi khổ nạn mà người dân Syria sắp phải đương đầu. Trong tiếng gầm thét của đạn bom, nhiều lần vì quá đam mê môn thể thao mà mình đang theo đuổi, lắm lúc cậu bé Djokovic phải chơi bóng cùng bạn bè trong hầm trú ẩn. Có lẽ ký ức về những ngày đau thương ấy không thể phai nên bây giờ, trên đỉnh cao thành tích của tay vợt đứng đầu thế giới, anh càng thấm thía giá trị của hòa bình để một mực căm ghét chiến tranh. Và dù giành chiến thắng khá dễ dàng ở vòng 4 trước tay vợt Marcel Granollers (ảnh), trong anh dường như không hào hứng như mọi bữa. Ánh mắt của các em bé ngây thơ, tiếng kêu cứu của những chàng trai cô gái ở nơi chiến tranh sắp gầm thét dữ dội dường đang ám ảnh ngôi sao thể thao này. Cũng như Djokovic, những tay vợt tên tuổi khác như Nadal, Fererer, Gasquet những ngày này cũng kiềm giữ nỗi hào hứng sau các chiến công trên sân bóng.

Cuộc chơi hoành tráng ở New York trong vận hội quần vợt có giá trị lớn như Giải Mỹ mở rộng, vì thế, bỗng gợn chút buồn. Thời đại thông tin bùng nổ, dù bàng quan cách mấy, người ta cũng không thể không thấy lòng vướng bận vì những thông tin liên quan đến số phận đồng loại quanh mình. Vẻ thanh thản dưới bóng mát những hàng cây hay tiếng hò reo ở Flushing Meadows có lúc trở nên kệch cỡm trước cảnh hoảng sợ và ùn ùn lánh nạn của người dân Syria hiển hiện từng giờ trên các phương tiện truyền thông. Có thể vào ngày 9-9 tới, khi nhà vô địch US Open nâng cao cúp vô địch thì bên kia bán cầu, bom đạn cũng bắt đầu cày xới. Xét cho cùng, thể thao là phương tiện con người bày ra để mang niềm vui đến cho con người. Nhưng khi một con ngựa đau mà cả tàu vẫn thản nhiên và hào hứng gặm cỏ thì các giá trị của thể thao làm sao lay động được lòng người!

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.