.

Thông điệp của tình bạn

.

Tại thành phố Đà Nẵng, có một dòng chảy văn hóa Nhật Bản len lỏi vào lối sống, sinh hoạt của nhiều bạn trẻ từ những điều nhỏ nhất…

Lớp học cách pha chế và thưởng thức trà đạo thuộc Trung tâm Nhật ngữ Sakura Đà Nẵng. (Ảnh do Trung tâm Nhật ngữ Sakura cung cấp)
Lớp học cách pha chế và thưởng thức trà đạo thuộc Trung tâm Nhật ngữ Sakura Đà Nẵng. (Ảnh do Trung tâm Nhật ngữ Sakura cung cấp)

Vòng tròn kết nối

Cũng giống như tình yêu đối với đất nước Nga, người Đà Nẵng yêu văn hóa Nhật Bản ở sự nhẹ nhàng, nguyên tắc, độc đáo nhưng vẫn tinh tế và quyến rũ. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ đã bỏ thời gian tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng làm nên tính cách con người Nhật. Đó là Origami (nghệ thuật xếp giấy), Manga (nghệ thuật truyện tranh), Mecha (lắp ráp mô hình robot), Anime (phim hoạt hình), thưởng thức Trà đạo hay lễ hội ngắm hoa anh đào… Trong đó, Anime và Manga (gọi chung là Otaku) có lượng hâm mộ cuồng nhiệt, đông đảo trên toàn thế giới. Hằng năm, có rất nhiều hoạt động phong phú, đa dạng dành cho những ai yêu thích loại hình Otaku này.

Tại Đà Nẵng, hàng trăm bạn trẻ đang theo học tại các Trung tâm Nhật ngữ đã cùng nhau chia sẻ tình yêu với nước Nhật tại trang facebook có tên “Hội những người yêu thích văn hóa Nhật Bản tại Đà Nẵng”. Trong đó, có khoảng 50 thành viên thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi cũng như chia sẻ những hiểu biết của mình về nền văn hóa Nhật Bản. Ở lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật lần thứ XI vừa diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng 8 tại thành phố Hội An, thành viên trong Hội tổ chức một số gian hàng giới thiệu văn hóa truyền thống Nhật, thu hút sự chú ý của nhiều du khách tham quan, tìm hiểu. Chị Yokoshikawa, thành viên Ban tổ chức Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, bày tỏ: “Tôi thấy vô cùng thú vị và xúc động khi nhìn thấy những gian hàng Nhật Bản từ Origami, Trà đạo đến Manga-Anime do các bạn trẻ Đà Nẵng trưng bày, giới thiệu tại lễ hội. Chúng tôi xem đó là thông điệp từ tình bạn mà các bạn muốn gửi gắm đến chúng tôi. Cảm ơn các bạn rất nhiều”.

Bên cạnh đó, CLB Tiếng Nhật thuộc Trung tâm Nhật ngữ Đông Du Đà Nẵng cũng thường xuyên tổ chức chương trình lễ hội, giao lưu văn hóa. Đơn cử, cuối tháng 7 vừa qua, khoảng 250 học viên tại trung tâm và các bạn trẻ Đà Nẵng đã tham gia Lễ hội mùa hè Nhật Bản. Anh Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết chương trình lễ hội diễn ra với khá nhiều trò chơi dân gian Nhật Bản như Thả Rồng tre (Taketombo - Dragon Bamboo Fly), Nhảy lò cò (Isikeri Hopspoth), Chơi quay (Koma - play tops), Trò những túi đậu xanh (Otedama - Juggling), Trò chơi bằng gỗ (Kendama), Bắt cá vàng (Kingyo Sukui)... Trong đó, các khu game mini như chụp ảnh cùng trang phục Kimono, quầy ẩm thực Nhật Bản, khu bóng chày thu hút khá nhiều bạn trẻ tham gia. “Bên cạnh các tiết học giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Nhật Bản, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức chương trình lễ hội nhằm tạo sân chơi hữu ích cũng như nâng cao sự hiểu biết về nền văn hóa 2 nước cho giới trẻ Đà Nẵng. Lễ hội cũng là dịp để các bạn trẻ yêu tiếng Nhật và văn hóa Nhật tạo được vòng tròn kết nối, chia sẻ sở thích, thông tin mình quan tâm”, anh Tùng cho biết.

Địa chỉ cho người yêu văn hóa Nhật

Lách qua cánh cửa nhỏ bước vào Trung tâm Nhật ngữ Sakura là quán cà-phê do Hội Phụ nữ Dân chủ Nhật Bản tại Đà Nẵng sáng lập với mục đích làm nơi giao lưu, giới thiệu văn hóa Nhật đến bạn bè quốc tế. Với ý nghĩa đó, bà Takeuchi Midori, một trong những người thành lập quán cà-phê đã bài trí nơi này theo kiến trúc, phong thủy của người Nhật. Vì thế, với những ai am hiểu nền văn hóa Nhật Bản, chắc chắn khi bước vào đây sẽ nhận ra khu vườn phía trước được thiết kế theo mẫu nhà vườn truyền thống của người Nhật.     

Mới đây nhất, Lễ hội mùa hè và Lễ hội Tanabata, hay còn gọi là Lễ hội sao đã diễn ra tại quán cà-phê vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Lễ hội kể lại câu chuyện Ngọc hoàng Thượng đế có một người con gái tên là Tanabata-tsume (Orihime) chuyên dệt lụa. Một ngày kia, nàng nhìn thấy chàng chăn bò đẹp trai tên là Hikoboshi đi ngang qua và đem lòng yêu mến. Hai người nên duyên chồng vợ. Vì quá say mê nhau, cả hai suốt ngày rong chơi bỏ quên công việc hiện tại. Các vị thần bất bình và bắt phạt họ phải sống tận hai đầu của dòng sông Ngân và chỉ được phép gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 hằng năm… Ông Đoàn Đức Phước, công tác tại Trung tâm Nhật ngữ Sakura, cho biết hôm diễn ra lễ hội, nhiều cành tre tươi được các học viên tại trung tâm trang trí bằng những mảnh giấy nhiều màu sắc ghi lại điều nguyện ước của mọi người. Đây là một trong những lễ hội lớn được tổ chức hằng năm tại Nhật Bản. Vì thế, trung tâm luôn khuyến khích học viên tham gia lễ hội để có điều kiện tìm hiểu thêm về văn hóa, con người Nhật Bản.

Có một điều thú vị là hầu hết các bạn trẻ từng tham gia các khóa đào tạo tiếng Nhật đều có thêm tên Nhật. Ví dụ, bạn Quỳnh Hoa, thành viên CLB Sakura thuộc Trung tâm Nhật ngữ Sakura Đà Nẵng được bạn bè gọi thân mật là Hana Shinharry KaitoKawa. Hoa chia sẻ: “Mình rất yêu văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là văn hóa truyện tranh. Có truyện nào mới ra lò mình đều tìm mua hoặc tải trực tuyến trên mạng về xem. Mình rất vui khi CLB có nhiều bạn cùng sở thích nên dễ dàng chia sẻ và trao đổi”. CLB Sakura hiện có gần 100 thành viên, được chia làm nhiều nhóm hoạt động về chiều sâu như nhóm trà đạo, truyện tranh, xếp giấy, ẩm thực, lắp ráp robot…

Có thể nói, nét văn hóa truyền thống Nhật Bản không chỉ có thế. Những người từng du học tại Nhật về cho hay, yếu tố chính làm nên thành công của nước Nhật là tài nguyên con người. Sau 8 năm vừa học vừa làm tại Nhật, anh Đinh Thanh Tùng cho rằng, nền giáo dục của Nhật Bản thật tuyệt vời. Vai trò lãnh đạo được đề cao. Việc người quản lý có thể làm là chia sẻ thông tin, tức là phân quyền và giao việc để nhân viên được thể hiện sự sáng tạo và cống hiến một cách cao nhất. “Tất nhiên, không thể áp dụng mọi nguyên tắc cũng như lối sống, lối sinh hoạt của người Nhật vào môi trường sống ở Việt Nam nhưng tôi phải thừa nhận rằng, văn hóa Nhật Bản là văn hóa theo tinh thần võ sĩ đạo, đề cao đạo nghĩa, luôn luôn vui vẻ và đoàn kết nội bộ, tôn trọng những quy tắc của xã hội như mua đồ phải xếp hàng, rác phải bỏ vào thùng”, anh Tùng nói.

Bên cạnh những lễ hội về văn hóa, người ưa thích các món ăn Nhật Bản cũng dễ dàng tìm thấy một quán ăn Nhật trên các đường phố Đà Nẵng như nhà hàng Kita Kuni, Kachou Fugetsu,  Irohanihaheto (Furusato cũ) nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Umi ở Phan Bội Châu, Sumo ở đường 2 tháng 9… Đó không chỉ là nơi chia sẻ khẩu vị, mà còn là địa chỉ để người Nhật sinh sống tại Đà Nẵng tìm đến mỗi khi nhớ nhà, thể hiện sự yêu mến của người Đà Nẵng đối với những nét văn hóa truyền thống tại xứ sở mặt trời mọc.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.