.

Biến tấu tài hoa của Kiên bút chì

.

Giới khắc bút chì trong cả nước khi tận mắt chứng kiến những tác phẩm điêu khắc trên bút chì đầy tài hoa của anh chàng giáo viên dạy toán Dương Văn Kiên (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) đều tỏ ra ngưỡng mộ, khâm phục tài năng của anh.

Dương Văn Kiên đang chạm khắc trên bút chì (ảnh trái) và  tác phẩm khắc sợi xích bằng ruột bút chì của Kiên.Ảnh: L.N
Dương Văn Kiên đang chạm khắc trên bút chì (ảnh trái) và tác phẩm khắc sợi xích bằng ruột bút chì của Kiên.Ảnh: L.N

Những tác phẩm có một không hai

Điêu khắc trên bút chì xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước, tập trung ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và về Đà Nẵng cuối năm 2009. Lúc ấy, thú chơi điêu khắc trên bút chì chỉ dừng lại ở việc điêu khắc chữ, hình ảnh trên thân bút chì. Và chỉ mới làm quen với thú chơi điêu khắc trên bút chì hơn 2 năm, nhưng những gì mà Dương Văn Kiên làm được khiến giới chơi bút chì bậc “tiền bối” phải ngã mũ kính cẩn. Bởi, mỗi tác phẩm Kiên làm ra là một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp và đầy tính sáng tạo. Kiên đã mày mò nghiên cứu, không chỉ tạo hình trên thân gỗ của bút chì, mà cả trên ruột bút chì. Từ những “khúc” ruột bút chì, khi viết lách, vốn chỉ cần đè nhẹ tay đã gãy, Kiên đã điêu khắc thành những tác phẩm nhỏ li ti không thể tưởng tượng nổi.  

Chỉ bằng mũi dao nhọn và những thao tác nhanh gọn, dưới bàn tay khéo léo của Kiên, hơn 1.000 tác phẩm siêu nhỏ, nhưng rõ đến từng chi tiết xuất hiện. Đó là những ngôi nhà chìm trong bão tuyết, những dòng chữ nhỏ khắc trên ruột bút chì, 12 con giáp được khắc trên thân những cây bút chì, những khẩu súng trường với những chi tiết nhỏ xíu mà mắt thường cũng khó nhìn hết được… đã thành hình. Đáng ngưỡng mộ nhất trong những tác phẩm của Dương Văn Kiên, là tác phẩm sợi xích được khắc từ ruột bút chì, Kiên phải dùng cả tuần để khắc, trong khi những tác phẩm tỉ mỉ khác chỉ cần 1-2 ngày.

Cùng với việc nghiên cứu tạo nên những tác phẩm từ ruột bút chì, Kiên còn dùng bút chì nhập từ các nước châu Âu (thường dùng gỗ nhân tạo làm bút chì), để sáng tạo nên những tác phẩm có độ uốn lượn từ thân bút chì. Và những tác phẩm bút chì lần đầu tiên xuất hiện, đó là những chú chim phụng, rồng, rắn... với độ uốn lượn, chạm khắc cực kỳ công phu. Và mỗi khi tác phẩm của Kiên trình làng trên facebook, là những chia sẻ, ngưỡng mộ với hàng ngàn lượt “like” từ bạn bè khắp nơi trên cả nước xuất hiện, và hàng trăm lượt chia sẻ tác phẩm của Kiên.\

Đam mê với nghệ thuật khắc chì

Là giáo viên dạy toán, cũng tự tìm cho mình nhiều thú chơi, nhưng từ khi “gặp” được thú chơi khắc chì, thầy Kiên bị hút hồn bởi thú chơi này. Cùng với Huỳnh Song Toàn (sinh viên một trường Nghệ thuật ở Đà Nẵng, vốn là người đầu tiên mang thú chơi khắc chì về Đà Nẵng, nhưng không duy trì mà cắt ngang giữa chừng cho đến khi gặp Kiên chơi thì phục hồi lại-PV), hai thầy trò cùng nhau tạo nên những bộ sản phẩm từ bút chì không chê vào đâu được. “Trước khi gặp thầy Kiên, em chỉ chơi mà không có sự cạnh tranh nào, và không có hứng thú để khoe các tác phẩm, nên dần dần nản. Đến khi thầy Kiên bắt đầu chơi, em và thầy gặp nhau ở sự đồng điệp, hợp cả về quan điểm sống, lẫn nghệ thuật chơi, nên em tìm lại được sự say mê”, Toàn chia sẻ.

“Khi ngồi chạm khắc những tác phẩm bút chì, mình cảm thấy rất thư thái, nhẹ nhàng, mọi điều phiền nhiễu trong cuộc sống đều được tháo bỏ. Nên với mình, mỗi tác phẩm là một niềm hạnh phúc!”, Kiên nói. Và với Kiên, dù thú chơi này khá tốn kém, nhưng với nghề dạy học, hiện tại Kiên thấy mình có thể cân đối thu nhập để duy trì niềm say mê của mình.

Nhiều người ngõ ý muốn mua những tác phẩm điêu khắc bút chì, song cả Kiên và Toàn đều không muốn bán những tác phẩm vốn là nguồn sống của mình. Mới đây, hai thầy trò mang tác phẩm đi triển lãm ở TP. Hội An (Quảng Nam) nhân sự kiện Lễ hội văn hóa Việt-Nhật. Nhiều du khách nước ngoài sau khi chiêm ngưỡng những tác phẩm của Kiên và Toàn, ngỏ ý muốn mua nhưng cả hai không bán, bởi họ đến với khắc bút chì xuất phát từ đam mê, chứ không phải với mục đích kinh doanh.

Kiên và Toàn đang cùng nhau xây dựng 1 dự án khắc những danh lam thắng cảnh của Việt Nam, làm nên bộ sưu tập Việt Nam quê hương tôi, với mục đích tạo dựng nên một sản phẩm du lịch mới. Hai thầy trò đã khắc được hơn chục địa danh và vận động các thành viên khắc bút chì trong cả nước cùng tham gia. Song song với dự án này, Kiên cũng có ý định đào tạo cho những em nhỏ ở các trung tâm xã hội, truyền nghề khắc trên bút chì, để xây dựng đội ngũ kế cận, tạo cho các em một nghề để có thể mưu sinh. “Rất nhiều học sinh của mình đã đến xin truyền nghề, và các em rất thích thú với thú chơi khắc chì này. Nhiều em đã đi khắc chữ, kiếm tiền từ thú chơi này và đầu tư tiếp để nâng tay nghề. Vì vậy mình nghĩ đây cũng có thể là một nghề để các em có hoàn cảnh khó khăn mưu sinh” - Kiên nói về kế hoạch của mình. Bên cạnh đó, để tạo sân chơi cho hàng trăm bạn trẻ có cơ hội tiếp cận, giao lưu với thú chơi khắc chì, Kiên và Toàn dự định sẽ mở một quán cà-phê Khắc chì, trưng bày những tác phẩm của mình và làm điểm đến cho các bạn.

LÊ NGUYỄN

 

;
.
.
.
.
.