.

Chất "Văn" trong nghiệp "Võ"

.

Khi đánh giá sự nghiệp và phẩm chất của một võ tướng người ta hay dùng chữ trung, chữ trí, chữ dũng, chữ công. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người ta còn thường nói tới chữ văn, chữ đức, chữ nhân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện thân mật với các đại biểu Quốc hội dự khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa V, tại Hà Nội, ngày 4-6-1975. Ảnh: TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện thân mật với các đại biểu Quốc hội dự khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa V, tại Hà Nội, ngày 4-6-1975. Ảnh: TTXVN

Vị tướng vĩ đại của nhân dân

Các học giả thế giới đều nhất trí đánh giá về “tính nhân dân” rất đậm nét trong sự nghiệp của vị Tổng Tư lệnh lỗi lạc Võ Nguyên Giáp.

Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay trong cuốn “Chiến thắng bằng mọi giá” - viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy của vị Tổng tư lệnh nổi tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã nhận xét rằng: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đã tiến hành chiến đấu chống kẻ thù trong thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu không có quân, vậy mà liên tiếp đánh bại quân Nhật, quân đội Pháp, quân đội Mỹ… Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”.

Nhà sử học Pháp Georges Boudarel, trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Giáp” (đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam (2012) dưới tên Võ Nguyên Giáp), đưa ra câu trả lời chung: “Với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các bạn chiến đấu của mình, cụm từ “chiến tranh nhân dân” không ngừng trở thành khẩu hiệu động viên toàn thể dân tộc, được thực hiện hằng ngày” cho những câu hỏi cũng do ông đặt ra: Một người chưa từng ngồi trên ghế các nhà trường quân sự đã đối đầu thắng lợi với 15 sĩ quan cao cấp, có nhiều kinh nghiệm nhất, được đào tạo bài bản tại các trường quân sự nổi tiếng nhất phương Tây (Saint Cyr, West Point)? Một dân tộc nhỏ bé (về quy mô và tiềm lực) với những “người nhà quê” (về tính chất) lại đương đầu được với vũ khí hiện đại? Những người du kích không đủ vũ khí và cả quần áo mặc lại chiến thắng những “ông lớn” được trang bị “tận răng”, đi ủng cao và mặc quân phục dã chiến?...

Gần dân, am hiểu về nhân dân, tin tưởng ở nhân dân là yếu tố quan trọng hàng đầu để Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng vĩ đại của chiến tranh nhân dân. Ông là vị tướng đứng đầu quân đội, nhưng sống gần gũi, thân ái, đoàn kết, chân thành với đồng chí đồng đội, tôn trọng, thương yêu, dân chủ, bình đẳng rộng lượng đối với cấp dưới và gần gũi với nhân dân. Trên hết, “Anh Văn” luôn coi việc được đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước tin yêu, kính trọng và ủng hộ là phần thưởng cao quý nhất, là nguồn động viên to lớn nhất giúp Anh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ, nhân dân giao phó.

Đồng chí, đồng đội, nhân dân cũng dành cho ông những tình cảm sâu đậm. Theo Đại tá Nguyễn Huyên - Phụ trách Văn phòng của Đại tướng: “Từ ngày Anh về nghỉ hơn 20 năm nay, trong những ngày lễ, ngày Tết, ngày sinh nhật, hằng năm có đến trên dưới 200 đoàn (20 - 30 đoàn quốc tế), trên dưới 2.000 người trong cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm hỏi, chúc mừng. Hiếm có người lãnh đạo đã về nghỉ mà nhân dân lại đến thăm hỏi đông đảo và có tình cảm sâu nặng như vậy. Đồng bào, đồng chí đến thăm Anh vì tình cảm yêu mến, quý trọng Anh tự đáy lòng, chứ không vì mục đích gì khác”.

Vị tướng mang phẩm chất của một trí thức lớn

Với Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một thiên tài quân sự, một anh hùng mà còn là một nhà văn hóa lớn. Ông đã cùng nhân dân Việt Nam viết nên những trang sử oanh liệt của dân tộc và cũng là người chép lại chính những trang sử đó. Ông ở trong số hiếm hoi những tướng lĩnh không những chỉ huy chiến đấu thắng lợi mà còn tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và nghệ thuật quân sự, để lại nhiều tác phẩm có giá trị như “binh thư” thời hiện đại. Trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là nhà sử học. Theo bộc bạch của ông: Tư duy sử học đã giúp ông rất nhiều trong khi chỉ huy cuộc kháng chiến. Sự gặp nhau giữa sử học và quân sự là phải tôn trọng sự thật - cho dù đó là sự thật đau đớn - và phải xem xét sự vật trên quan điểm lịch sử trong quá trình vận động biện chứng của nó. Sự am tường sử học cũng cung cấp cho nhà cầm quân tài ba nhiều tri thức quý báu từ truyền thống đánh giặc của cha ông, những bài học kinh nghiệm của sự nghiệp giữ nước. Ông đã vận dụng nhuần nhuyễn những kinh nghiệm đó trong suốt sự nghiệp chỉ huy xây dựng quân đội và tác chiến của mình.

Từ ngày đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển khoa học và giáo dục. Những năm cuối đời, ông tích cực tham gia công tác nghiên cứu lý luận, có cống hiến quan trọng về nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn hết lòng đóng góp với đất nước nhiều vấn đề quan trọng.

Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng mang đầy đủ phẩm chất của một nhà khoa học lớn. Ông luôn gắn lý luận với thực tiễn, rất coi trọng thực tiễn, nghiên cứu tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm, tìm ra quy luật chỉ đạo công tác, luôn gợi mở sự tìm tòi sáng tạo, đổi mới, tìm ra phương sách phù hợp với thực tiễn, không bảo thủ, giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Ông luôn coi trọng việc tự học tập, nghiên cứu, tập hợp trí tuệ của tập thể, của chuyên gia, của các nhà khoa học và những kinh nghiệm trong thực tiễn của nhân dân ở trong nước cũng như trên thế giới để làm giàu cho trí tuệ của mình. Ông là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược xa và rộng, phát hiện và chỉ đạo những vấn đề chiến lược, không chỉ trong quân sự mà cả trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục, đối ngoại.

Năm 1996, GS Vũ Khiêu mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp câu đối: “Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm” nhân dịp Đại tướng tròn 85 tuổi. Ngẫm lại ý tứ của câu đối, thấy sự đánh giá tổng quát đó sâu sắc nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ độ bao quát. “Võ công” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vượt ngoài phạm vi quốc gia. “Văn đức” của ông không chỉ chinh phục nhân tâm của nhân dân Việt Nam mà đã chinh phục nhân tâm cả nhân loại. Ông là người chỉ huy văn võ song toàn, là một Tổng Tư lệnh đức tài trọn vẹn.

Vị Tướng của nhân dân

Thu này ông trên tuổi một trăm
Một trăm lẻ hai năm đi qua hai thế kỷ
Mọi người vẫn gọi ông giản dị
- Anh Văn!
Cái tên dịu hiền như mảnh đất quê hương
Như dòng Kiến Giang ru một thời thơ trẻ
Như Hạc Hải, Mâu Sơn, Nhật Lệ
Nghe thân thương như tiếng mẹ thuở nào

Ông đã qua bao năm tháng gian lao
Đường Bác chọn, ông trọn đời gìn giữ
Tên ông đã đi vào lịch sử
Từ Phay Khắt, Nà Ngần đến Điện Biên Phủ lừng danh.

Ông đã đi qua hai cuộc chiến tranh
Tình thương lớn ông dành cho lính
Trăn trở thâu đêm tính từng phương án
Bớt thương vong, đỡ tổn thất máu xương
Ông thấy vui khi chiến sĩ bình an...

Biết bao người trìu mến gọi Anh Văn
Bạn bè năm châu quen gọi ông Tướng Giáp.
Dù vật đổi sao dời nhưng lòng người không thể khác
Kính trọng gọi ông thật giản dị dịu hiền
Tên ông sẽ sống mãi trong triệu triệu trái tim
Anh Văn - Vị tướng của nhân dân nước Việt.

ĐỖ QUÝ DOÃN

(Nguồn: VietnamNet)

 

(Nguồn: baotintuc.vn)
 

;
.
.
.
.
.