.

Đến với bài thơ hay: Năm người đàn bà

Năm người đàn bà

Suốt đời tôi đi bên những người đàn bà...

Người đàn bà đầu tiên
tóc lẫn mây trời mắt nhòa sương rơi.
Chỉ một tấm lưng cong nhịp cầu sát đất, bắc qua năm tháng gập ghềnh. Từ người đàn bà ấy tôi bước ra, ngậm câu hát, cầm giọt sữa,
chân bước xuống đời...

Người đàn bà thứ hai
tóc xanh trời cao mắt hai vì sao.
Người ấy trong tôi mà có, tôi trong người ấy mà thành.
Mẹ hát ru tôi lớn lên, người ấy hát ru tôi hóa trẻ thơ...

Người đàn bà thứ ba sẽ là người đàn bà thứ hai,
khi người đàn bà thứ hai hóa thành người đàn bà thứ nhất.
Này con gái yêu ơi,
hãy lớn ngoan xinh đẹp một đàn bà!...

Người đàn bà thứ tư...
Hạnh phúc sẽ cài then từ ngoài ngõ,
còn trống vắng sẽ đưa tay mở cửa đón người vào.
Người còn có đem theo niềm khao khát?!
Thật lòng tôi không mong cuộc gặp gỡ ấy bao giờ...

Người đàn bà thứ năm ư?!
Ở kiếp sau, nếu thôi không làm đàn ông con trai nữa,
tôi xin được hóa thành một người đàn bà
như mẹ,
như em...

NGUYỄN MINH HÙNG

Lời bình của Bùi Văn Tiếng

1. Henrik Ibsen - nhà viết kịch lừng danh của Na Uy và thế giới - từng đặt câu hỏi: Trở thành một nhà thơ nghĩa là gì? rồi tự trả lời: Trở thành một nhà thơ chủ yếu là nhìn thấy, nói rõ hơn, đó là nhìn theo cách giống như nhà thơ vậy (*). Trong Năm người đàn bà, Nguyễn Minh Hùng đã nhìn những người đàn bà đi bên đời mình bằng cách nhìn, bằng cái nhìn giống như nhà thơ, và nhờ đó anh thực sự trở thành... một nhà thơ. Người đàn bà thứ nhất trong con mắt thơ của anh là người mẹ già lưng còng theo năm tháng. Ở đời ai cũng có người đàn bà thứ nhất của mình, ai cũng có mẹ, ai cũng một lần từ người đàn bà ấy bước ra, ngậm câu hát, cầm giọt sữa, chân bước xuống đời.

Nhưng không phải ai cũng có thể nhìn thấy mẹ mình tóc lẫn mây trời mắt nhòa sương rơi và tấm lưng cong nhịp cầu sát đất. Người không may sớm mồ côi mẹ không nhìn thấy đã đành, người vô tâm cũng có thể không nhìn thấy, và người có khả năng nhìn thấy mà không có cách nhìn giống như nhà thơ thì bất quá cũng chỉ có thể cảm nhận rằng mẹ mình đang ngày càng già đi. Thật ra Nguyễn Minh Hùng đã nhìn người đàn bà thứ nhất của đời mình không chỉ bằng con mắt thơ mà còn bằng con mắt của lòng hiếu thảo và sự tri ân. Không hề có một chữ ơn chữ nghĩa nào hiện lên trong mấy câu thơ hết sức kiệm lời này, song ở đây người đọc vẫn có thể cảm nhận rõ lòng hiếu thảo và sự tri ân ấy.

2. Chịu ơn và tạ ơn người đàn bà thứ nhất - người mang nặng đẻ đau sinh thành ra mình suy cho cùng cũng là lẽ thường tình, chịu ơn và tạ ơn người đàn bà thứ hai mới thật sự thể hiện cái nhìn, cách nhìn giống như nhà thơ. Từ người đàn bà thứ nhất bước ra là sự sinh-thành-tự-nhiên của một đời người, thế nhân đều như vậy, nhưng với người đàn bà thứ hai không phải ai cũng dễ dàng cảm nhận rằng: người ấy trong tôi mà có, tôi trong người ấy mà thành, bởi đây chính là sự sinh-thành-văn-hóa cũng thiêng liêng và nhân bản không kém sự sinh-thành-tự-nhiên kia. Cái cảm nhận người ấy trong tôi mà có, tôi trong người ấy mà thành đó chỉ có thể là sản phẩm của những cuộc hôn nhân có tình yêu. Trong con mắt thơ của Nguyễn Minh Hùng, sự sinh-thành-văn-hóa chính là đỉnh cao của tình yêu và hôn nhân mà cũng chính là hóa thân của sự sinh-thành-tự-nhiên. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà trong thế giới thơ Nguyễn Minh Hùng, người đàn bà thứ nhất và người đàn bà thứ hai của đời anh thường hay ở cạnh nhau theo con đường liên tưởng, chẳng hạn trong bài Tìm hương: Mẹ gần chín mươi, y nguyên thói quen nhai trầu trong dáng ngồi tĩnh vật giữa hoàng hôn buông hững hờ khung cửa hẹp. Thử úp mặt vào lòng bà, vẫn còn mùi trầu cau ấy - mùi mẹ đó, không khác... Có một lần - hình như sự lặp lại duy nhất - khi gần người yêu, tôi buột miệng: “Giống mùi mẹ quá!...”. Cô ấy đùa: “Vậy là em già rồi!...”; hay ngay trong bài này: Mẹ hát ru tôi lớn lên, người ấy hát ru tôi hóa trẻ thơ...

3. Không phải ai cũng có được người đàn bà thứ hai, kể cả những người từng lập gia đình - hiểu theo nghĩa là có được một cuộc sinh-thành-văn-hóa: người ấy trong tôi mà có, tôi trong người ấy mà thành, và tiếp tục hiểu theo nghĩa đó thì không phải ai cũng có được người đàn bà thứ ba, để mà nựng nịu: này con gái yêu ơi, hãy lớn ngoan xinh đẹp một đàn bà. Và lại tiếp tục hiểu theo nghĩa đó nữa thì nếu không có được cuộc sinh-thành-văn-hóa ấy, người đàn bà thứ tư sẽ không còn là ám ảnh mà thực sự là nỗi lo đang tới, bởi một khi hạnh phúc không thể cài then từ ngoài ngõ thì trống vắng lập tức đưa tay mở cửa đón người đàn bà đó vào nhà. Cho nên khi Nguyễn Minh Hùng nói: thật lòng tôi không mong cuộc gặp gỡ ấy bao giờ cũng có nghĩa là thật lòng anh không mong trống vắng thay chân hạnh phúc, là thật lòng anh không chờ niềm khao khát - cũng hấp dẫn lắm chứ - mới phát sinh, và cũng có nghĩa là anh thấy cần tự mình cảnh giác bởi hạnh phúc không phải là cái gì nhất thành bất biến, dẫu đó là hạnh phúc của hai con người từng trải qua cuộc sinh-thành-văn-hóa: người ấy trong tôi mà có, tôi trong người ấy mà thành.

4. Nhưng chỗ thơ nhất và độc đáo nhất trong Năm người đàn bà là ở hình ảnh người đàn bà thứ năm. Nguyễn Minh Hùng từng tâm sự rằng anh viết Năm người đàn bà như một lời tạ ơn, cao hơn nữa như là sự gắn bó số phận mình vào số phận những đàn bà ấy. Nguyễn Minh Hùng đã đẩy sự gắn bó này lên cao độ khi anh kết thúc bài thơ bằng một dự phóng tương lai có phần siêu hình mà cực kỳ sáng tỏ: ở kiếp sau nếu thôi không làm đàn ông con trai nữa, tôi xin được hóa thành một người đàn bà như mẹ, như em… Không ít người làm thơ từng nêu dự phóng của mình ở kiếp sau, chẳng hạn như Nguyễn Công Trứ: Kiếp sau xin chớ làm người - Làm cây thông đứng giữa trời mà reo, hay như Xuân Diệu: Tôi sẽ yêu khi đã hết tuổi rồi - Không xương vóc chỉ huyền hồ bóng dáng… Với Nguyễn Minh Hùng, dự phóng ấy chính là lời thề hứa không dễ tỏ bày: anh chỉ muốn hóa thành một trong những người đàn bà từng đi bên đời anh với bao nhiêu là kham khổ nhọc nhằn, với hạnh phúc nhiều lúc nhỏ nhoi mỏng mảnh và thậm chí với nỗi bất hạnh lắm khi chát đắng của kiếp người trong cõi nhân gian bé tí (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Khải)…


(*) Theo bản dịch của Ngân Xuyên - Báo Thể thao và văn hóa số 106, tháng 9-2006.

 

;
.
.
.
.
.