Chuẩn bị cho năm học mới 2013-2014, Trường Cao đẳng Đức Trí (Đà Nẵng) đưa ra một tiêu chí “lạ” trong tuyển dụng giảng viên, đó là bắt buộc ứng viên phải qua thực tiễn làm công nhân, nhân viên phục vụ ở các doanh nghiệp trong chuyên ngành mà mình giảng dạy tại trường.
Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo nhà trường cho biết, có bám sát thực tiễn thì mới biết môi trường hoạt động của sinh viên, học sinh sau khi đào tạo; như vậy sẽ gắn lý thuyết với thực tiễn chặt chẽ hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Cách làm đó sẽ góp phần cho thị trường định giá được chất lượng đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng. Vấn đề còn lại, chính là chất lượng đào tạo từ những giảng viên được cho là trải nghiệm thực tiễn có thực sự đáp ứng được mong đợi từ những nhà lãnh đạo, quản lý hay không.
Từ câu chuyện trên, cùng với việc hàng nghìn kỹ sư, cử nhân sau khi ra trường phải giấu bằng đại học để được tuyển dụng vào làm công nhân trong các doanh nghiệp, chủ yếu là lao động phổ thông, lại dấy lên dư luận về việc cần để cho thị trường định giá chất lượng đào tạo từ các trường cao đẳng, đại học hiện nay. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức từ các cơ quan chức năng, nhưng “làn sóng” các kỹ sư, cử nhân (kể cả thạc sĩ) ra trường đi làm công nhân với phần việc lao động phổ thông là chính hoặc chấp nhận thất nghiệp, tạo nên sự lãng phí xã hội rất lớn; đồng thời ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng; từ đó dẫn đến sự dè dặt của thị trường trước tấm bằng tốt nghiệp từ các trường.
Bàn về vấn đề này, đã có nhiều ý kiến đưa ra chung quanh xu hướng phát triển một xã hội trọng bằng cấp; việc mở trường đại học, cao đẳng không theo quy hoạch và quá dễ dãi; quản lý đào tạo đang có nhiều bất cập cần giải quyết…
Ở đây, chỉ bàn đến vấn đề định giá chất lượng đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng ở nước ta dường như chưa được chú trọng một cách bài bản, vì vậy vị thế của người được đào tạo cũng chưa được xã hội thừa nhận và coi trọng. Nhiều trường chỉ mới dừng lại ở việc coi trọng tỷ lệ tốt nghiệp mà chưa thực sự tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu để nâng cao vị thế của người được đào tạo. Có tình trạng đó chính là xuất phát từ tâm lý coi trọng bằng cấp qua tỷ lệ xếp hạng của người được đào tạo, chạy theo thành tích dưới áp lực của xã hội. Một số trường bảo vệ uy tín chất lượng đào tạo của mình qua việc đánh giá sinh viên theo đúng thực chất một cách nghiêm khắc và nghiêm túc, nhưng phần đông các trường khác không được như vậy.
Đơn cử, qua so sánh kết quả tốt nghiệp ở 2 trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa qua, trường có điểm tuyển sinh đầu vào cao hơn thì tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc là 0,6% và giỏi là 7,5%; trong khi đó, trường có điểm chuẩn đầu vào thấp hơn thì tỷ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi lần lượt là 1,3% và 16,39%. Liệu có phải trường có điểm tuyển sinh thấp hơn đã đào tạo tốt hơn, hay là tâm lý chạy theo bằng cấp và thành tích từ xã hội đã tạo nên áp lực để “biến” những người được đào tạo thành những sinh viên giỏi một cách bất đắc dĩ. Từ đó, tạo nên một hệ lụy là thị trường lao động không được tiếp nhận những con người được đào tạo theo cách đánh giá đúng thực chất; nên phải tiến hành chọn lọc lại một lần nữa, kể cả chọn lọc để đào tạo lại theo nhu cầu.
Vì vậy, trong quá trình đổi mới giáo dục bậc đại học ở nước ta, cần phải tìm ra một chuẩn đánh giá thực sự hiệu quả; từ đó góp phần làm cho thị trường thuận lợi hơn trong tiếp nhận những con người đã qua đào tạo; chứ không nên gây tâm lý e ngại, băn khoăn cho thị trường lao động khi chọn lựa. Trong chuẩn đánh giá đó, bên cạnh những vấn đề liên quan đến kiến thức, thì cần phải xem xét đến kỹ năng vận dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn, những “kỹ năng mềm” ứng xử với xã hội sau quá trình đào tạo trong nhà trường…, để họ có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường. Chuẩn định giá đó phải thực sự hiệu quả, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, không chịu áp lực bằng cấp của xã hội mà ngược lại, phải tạo tâm lý cho xã hội chấp nhận và thừa nhận uy tín qua đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường.
ANH QUÂN