.

Giới nữ chống đói nghèo

.

Cuộc sống sẽ không quay lưng lại với ai có sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm vượt lên chính mình. Đó là điều chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với những người phụ nữ luôn biết cách chọn cho mình một lối đi và không bao giờ dừng bước, dù lối đi ấy không phải lúc nào cũng bằng phẳng.

Chị Trần Thị Hà ở Phú Sơn 2 vui bên giàn nấm linh chi trong mùa thu hoạch.
Chị Trần Thị Hà ở Phú Sơn 2 vui bên giàn nấm linh chi trong mùa thu hoạch.

Vượt lên chính mình

“Cuộc đời có nhiều ngã rẽ mà mình không bao giờ ngờ tới”, chị Nguyễn Thị Hà ở phường An Khê, quận Thanh Khê đã mở đầu câu chuyện của mình bằng một câu như thế. Từng có 5 năm làm văn thư (từ 1988 đến 1992) cho một công ty lương thực của Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chị cứ ngỡ cuộc đời của mình sẽ bình yên bên người chồng lúc bấy giờ cũng đang là công an viên. Nhưng, trước chủ trương tinh giãn biên chế, từ công chức ăn lương Nhà nước, vợ chồng chị rơi vào hoàn cảnh túng thiếu. Nhìn thấy đàn con nheo nhóc bữa đói, bữa no, chị gửi con cho ông bà, vay nóng 2 triệu đồng cùng chồng đạp xe qua từng con phố thu mua đồng nát.

Bây giờ, khi đã là chủ của một cơ sở sản xuất bánh in nhỏ có tên Hà Châu, phân phối cho 60 bạn hàng ở hầu hết các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chị vẫn không biết được vì sao mình lại có động lực ghê gớm đến nhường ấy. Chuyện rằng, năm 2003, trong  chuyến vào Bình Định bán ve chai, chị Hà tình cờ gặp người quen sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của chị đã nhiệt tình giúp đỡ bằng cách bày chị công thức làm bánh in. Về Đà Nẵng, chị Hà tìm đến Hội LHPN phường vay tín chấp 20 triệu đồng để mua sắm nguyên liệu, vật dụng phục vụ cho việc làm bánh.

Ngày đầu khởi nghiệp, chị gặp không ít khó khăn khi thắng nước đường thường xuyên bị hư, bánh bể do bột không được trộn đúng kỹ thuật. Không chấp nhận thất bại bởi số nợ 20 triệu đang treo lơ lửng trên đầu, chị không ngừng mày mò cải tiến chất lượng, tạo thêm nhiều mẫu mới rồi một mình lóc xóc lên chiếc xe đạp đến tận các chợ lớn, nhỏ trong thành phố để chào hàng. Nhờ bánh chị cung cấp vừa ngon, giá cả vừa phải, bạn hàng tìm đến ngày một đông, đặt thêm các loại bánh cúng. Nhận thấy đây là mặt hàng dễ làm và dễ tiêu thụ, chị mạnh dạn kêu thêm thợ về mở rộng sản xuất. Hiện nay, bình quân mỗi tháng cơ sở của chị làm 600 ký bột, 400 ký đường (chưa tính các ngày lễ, Tết). Ngoài 4 thợ chính được trả 3 triệu đồng/tháng, chị còn tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.

Nói về tấm gương vượt khó để phát triển kinh tế gia đình tại quận Cẩm Lệ, không ai không biết chị Nguyễn Thị Thu Tâm, chủ cơ sở sản xuất hương Tịnh Quang ở phường Hòa An. Từng là hộ nghèo, cuộc sống càng thêm túng bấn khi chồng chị mất sau cơn bạo bệnh vào năm 2004. Trước khó khăn của người đàn bà một nách nuôi đàn con nheo nhóc, Hội LHPN phường Hòa An giúp đỡ cho vay vốn. Sau nhiều đêm trăn trở, chị quyết định học nghề làm hương và tự mang đi tiêu thụ.

Công việc cực nhọc, song nhờ tằn tiện chi tiêu, chị cũng dôi dư mỗi ngày ít tiền. Cầm những đồng tiền do mình làm ra, chị càng phấn khởi đầu tư thêm máy móc, chất lượng ngày càng bảo đảm, tạo được thương hiệu “Hương Tịnh Quang” được thị trường ưa chuộng. Hiện cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 20 lao động thu nhập từ 3 triệu/tháng. Chị Tâm nói, nghề hương khá vất vả, để ra sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn từ đơn giản đến phức tạp. Khó nhất là khâu pha trộn bột mùn hương (mùn cưa gỗ) với một số hương liệu như bột hồi, trầm, quế… Công việc này phải do người có tay nghề đảm nhiệm bởi nếu pha chế không cẩn thận hoặc không đúng liều lượng, hương sẽ không thơm.

Nội lực từ bản thân    

Sức chịu đựng phi thường của những người phụ nữ đã giúp họ vượt lên rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Nhìn cơ ngơi theo mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng (VAC) của chị Hằng ở thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang có diện tích 7.000m2, gồm trang trại heo và ao nuôi cá mỗi năm cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng, ít ai biết rằng, chị lập nghiệp từ những đồng tiền lẻ chắt mót được. Cách đây gần 15 năm, chị Hằng từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng, cuộc sống mưu sinh nơi xứ người gặp rất nhiều khó khăn. Một lần, chị vét hết tiền trong túi hai vợ chồng được 60.000 đồng và bắt đầu cuộc sống mới bằng cách đi mua ve chai. Rồi chị thấy heo bán được giá nên dành dụm tiền mua hai con heo con về nuôi ngay tại mảnh đất hoang phía sau chỗ trọ, nguồn thức ăn được xin từ các hàng quán gần nhà. Từ 2 con heo, chị đã gầy được bầy heo 70 con vào năm 2000.

Chị Hằng bộc bạch, “để có đất cho heo ở, tôi về xã Hòa Liên thuê đất làm chuồng trại. Nhờ heo bán được giá, tôi cứ thế trích tiền mua thêm heo con, nâng đàn heo lên 400 con vào năm 2007 và đủ điều kiện mua lại mảnh đất đang thuê, rồi lấy sổ đỏ vay thêm tiền đầu tư xây chuồng trại, xây hầm biogas, lắp đặt hệ thống đường ống nối trang trại heo ra hồ nuôi cá trê tạo thành vòng tròn khép kín. Cực nhất là những khi địa phương xuất hiện dịch, vợ chồng tôi lo lắng đứng ngồi không yên, cả đêm thức trắng để chăm bầy heo”.

Cũng từ hai bàn tay trắng gầy dựng nên cơ ngơi hơn 2 tỷ đồng mà vợ chồng chị Trần Thị Hà (1950), Chi hội trưởng phụ nữ thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương được người dân ví von là những “chiến sĩ trên mặt trận chống đói, nghèo”.

Một lần đi ngang qua khu vực Hố Đế, chồng chị nhìn thấy những viên gạch nung bị cháy do một đơn vị công an làm kinh tế không thành công bỏ lại chất thành đống trên bãi đất hoang vì không tiêu thụ được. Qua tìm hiểu, vợ chồng chị biết được đất ở đây giàu chất cao lanh, muốn nung gạch không bị cháy phải trộn thêm các loại đất khác. Biết được nguyên nhân này, hai vợ chồng mạnh dạn đến xã xin khai thác lại mảnh đất này để sản xuất gạch thủ công.

Đầu những năm 90, đất nước đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, bộ mặt đời sống nông thôn có nhiều biến chuyển nên gạch gia đình chị làm ra được thị trường tiêu thụ mạnh. Nhìn thấy tình hình khả quan, chị cùng chồng vay vốn ngân hàng, người thân và bạn bè mua thêm máy nổ, máy cắt gạch, 1 xe ủi, 1 xe tải 2,6 tấn và 1 xe tải nhỏ với tài sản cố định hơn 1 tỷ đồng. Hằng năm sản xuất trên 2 triệu viên gạch, giải quyết việc làm cho 36 lao động, trong đó có 15 người là cựu quân nhân, thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng.

Không dừng lại ở đó, vợ chồng chị đào thêm 4 ao nuôi cá nước ngọt tổng diện tích 2.000m2, chủ yếu nuôi cá trê lai với thời gian nuôi 4 tháng/lứa, mỗi lần thu hoạch khoảng 1.500kg với giá bán tại chỗ từ 22.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, gia đình chị còn trồng 10ha rừng, trong 5 năm cho thu nhập 300 triệu đồng. Từ khi thành phố Đà Nẵng có chủ trương dừng hoạt động các lò gạch thủ công trên địa bàn, gia đình chị quay sang đầu tư vào việc nuôi heo, gà, vịt cũng như sản xuất thêm nấm linh chi, nấm sò, nầm bào ngư, tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương.

Với người dân nông thôn còn nhiều khó khăn như Hòa Khương, cơ ngơi của vợ chồng chị được xem là giàu nhưng nếu không đến thăm trang trại của chị, thì rất khó nhận ra điều đó vì hai vợ chồng làm việc quần quật suốt cả ngày ngoài trang trại như một lão nông thực thụ. Nói về sự nỗ lực không ngừng của mình để phát triển kinh tế gia đình, chị Hà cười bảo “làm chủ cực hơn công nhân nhiều, vì họ cứ hết giờ là về, còn mình lại lọ mọ với hàng trăm việc không tên tại trang trại, xong thì đêm cũng về khuya, người mệt rã rời”.

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng

Thời buổi suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay, làm kinh tế đã khó huống chi làm kinh tế giỏi. Chính vì thế những nỗ lực của các chị trong sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và giải quyết lao động là rất đáng trân trọng. Đặc biệt càng đáng ngưỡng mộ và khâm phục một số chị vốn xuất thân từ phụ nữ nghèo, chỉ với hai bàn tay trắng cộng với khát khao vươn lên đã đạt được những thành công trong cuộc sống. Các chị như những người lính trên mặt trận chống đói nghèo. Góp phần nâng cao vị thế phụ nữ Đà Nẵng trong quá trình cùng phụ nữ cả nước xây dựng hình ảnh phụ nữ Việt Nam “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.