Chỉ mới 5 năm đi vào hoạt động, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, xây dựng được 69 công trình tại 68 địa phương khác nhau trên suốt dọc dài dải đất miền Trung, trong đó 3 công trình xây dựng trên các đảo. Mỗi nơi mỗi hoàn cảnh phòng tránh thiên tai, nhưng tất cả đều có điểm chung đó là đem lại sự bình yên cho người dân trong mùa mưa bão.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung trao hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ tỉnh Quảng Bình (ảnh trái) và vợ chồng ông Phan Diễn tặng quà cho các cháu mẫu giáo nhân ngày đưa trường vào sử dụng. Ảnh: N.C |
An toàn trong bão lũ
Ngày 23-9 vừa qua, khi ở phía Bắc bão số 9 đang hoành hành, lãnh đạo, nhân viên Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung lên tàu vượt biển đến với bà con huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, khánh thành công trình phòng tránh thiên tai, do quỹ đầu tư xây dựng. Trở về từ chuyến đi khó quên này, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Giám đốc Quỹ, cho biết nổi bật giữa hàng trăm ngôi nhà không được vững chãi cho lắm ở xã đảo Long Hải, công trình phòng tránh thiên tai - Trường Mẫu giáo Long Hải vững chãi như một pháo đài.
Đây là công trình thứ 67 đưa vào sử dụng, trong tổng số 69 công trình Quỹ triển khai kể từ ngày thành lập (28-9-2008) đến nay, với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng, gồm 6 phòng học xây dựng kiên cố, tổng diện tích sử dụng hơn 600m2. “Từng đưa nhiều công trình tương tự tại 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung vào sử dụng, ít nơi nào để lại ấn tượng sâu đậm như công trình trên đảo Phú Quý. Nơi thường xuyên bị bão tàn phá, công trình là món quà đặc biệt đối với người dân trên đảo. Tại lễ khánh thành, cả người trao tặng và người nhận đều nghẹn ngào xúc động. Lúc chia tay, ai nấy bịn rịn không muốn rời xa, nhiều người đưa tiễn cán bộ nhân viên quỹ tận bến tàu, mới chịu quay trở lại. Từ nay, bà con xã đảo Long Hải sẽ bình yên hơn trước bão tố, con em họ có nơi học hành chu đáo”, bà Vân tâm sự.
Từng ngược xuôi muôn nẻo sau những trận bão lũ tàn khốc ở khu vực miền Trung, chúng tôi hiểu hơn ai hết, tầm quan trọng của những công trình phòng tránh thiên tai do Quỹ đầu tư xây dựng. Lúc bình thường, nhiều công trình là trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng. Khi bão lũ ập đến, những ngôi nhà 2 tầng kiên cố ấy sẽ là điểm đến bình yên của người dân địa phương.
Thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã bao lần ngập chìm trong lũ. Có đợt, lũ về quá nhanh, bà con nơi đây không kịp trở tay. Giữa đêm tối mịt mùng, ai nấy hoảng loạn khi lũ dâng vùn vụt. Năm 2011, Quỹ quyết định đầu tư xây dựng tại đây Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai. Trưởng thôn Đinh Văn Sắt chân tình: Có chứng kiến lũ ở đây mới thấy những công trình như thế này cần thiết biết chừng nào. Lũ về Trường Định bị chia cắt hoàn toàn. Người can trường đến mấy cũng không thể bình tĩnh trước tình huống nguy hiểm đến tính mạng khi lũ về. Công trình phòng tránh thiên tai mọc lên giữa bốn bề là những ngôi nhà cấp 4, ai nấy đều cảm thấy cuộc sống an toàn hơn. Thực tế đã chứng minh, mấy trận lũ vừa qua, hễ nước tràn vào nhà, mọi người chủ động kéo nhau đến nhà sinh hoạt cộng đồng tránh trú.
Từ trước đến nay, Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng không ít lần bị bão tố dập vùi. Hàng trăm ngôi nhà vùng này bị san bằng trong bão Xangsane năm 2006. Ông Nguyễn Đăng Lâm, Giám đốc Quỹ, tâm sự: Hôm đi khảo sát tại khu vực này, nhìn những ngôi nhà không mấy kiên cố san sát ven biển, ai nấy đều quyết tâm bằng mọi giá phải xây dựng tại Kim Liên công trình phòng tránh thiên tai, để người dân có nơi tránh bão an toàn. Và quyết tâm đó trở thành hiện thực chỉ trong vòng 6 tháng kể từ ngày khảo sát. Nay, công trình không chỉ là nơi tránh bão mà còn là điểm sinh hoạt cộng đồng lý tưởng của khu dân cư văn hóa biển với 400 hộ dân và là trạm quân dân y kết hợp. Ông Nguyễn Ba, Bí thư chi bộ khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, tỏ vẻ hài lòng: Trước đây, mỗi khi bão đến, hầu hết bà con khăn gói đi sơ tán rất vất vả. Người bám trụ ở nhà thì nơm nớp lo sợ. Nay, hễ có bão là ai nấy có chỗ tránh trú. Phải nói rằng, không có công trình dân sinh nào thiết thực và quan trọng như công trình phòng tránh thiên tai này, bởi nhờ công trình mọi nhà được bình yên.
69 công trình tại 68 địa phương khác nhau trên suốt dọc dài dải đất miền Trung, trong đó 3 công trình xây dựng trên các đảo. Mỗi nơi mỗi hoàn cảnh phòng tránh thiên tai, nhưng tất cả đều có điểm chung đó là đem lại sự bình yên cho rất nhiều người. Trong số các địa phương được quỹ quan tâm đầu tư xây dựng công trình quan trọng này, duy nhất ở xã Đại Hòa huyện Đại Lộc, Quảng Nam có 2 công trình đó là 2 trường học gần nhau.
Nói về cơ duyên xây dựng 2 công trình phòng tránh thiên tai này, tại lễ khánh thành Trường Mầm non Đại Hòa, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nay là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, chia sẻ, ngay sau đợt lũ lớn năm 2010, lãnh đạo quỹ đến thăm Trường tiểu học Lê Thị Xuyến, công trình do quỹ đầu tư xây dựng, ai nấy rất phấn khởi vì công trình đã phát huy tác dụng như mục tiêu đề ra. Tuy vậy, khi lội qua trường mầm non gần đó, ông cảm thấy nhói đau khi bắt gặp cảnh tượng tan hoang do lũ. Hàng chục cô giáo, quần xắn quá gối đang nỗ lực cào vét bùn đất tấp đầy trong các lớp học. Bàn ghế, đồ dùng học tập, sách vở bị lũ cuốn trôi, ngổn ngang khắp nơi. Những đứa trẻ ngơ ngác như chim mất tổ. Sau chuyến đi ấy, nhiều đêm ông không chợp mắt nổi. Thế rồi, ông bàn với lãnh đạo Quỹ quyết định đầu tư xây dựng lại trường mầm non bị ngập chìm trong lũ ấy.
Tại kễ khánh thành Trường Mầm non Đại Hòa hôm ấy, lời phát biểu của cô hiệu trưởng phải bỏ giữa chừng. Cô nghẹn ngào, không nói nên lời vì niềm hạnh phúc mà cô trò nhà trường không dám mơ tới đã thành hiện thực.
|
Chung một tấm lòng
Từ sâu thẳm đáy lòng, những người như ông Phan Diễn, Nguyễn Đăng Lâm, bà Nguyễn Thị Hải Vân và tất cả các thành viên đang ngày đêm dốc lòng vì hoạt động của Quỹ luôn cảm thấy cần phải chia sẻ, giúp đỡ bà con vùng bị thiên tai tàn phá bớt đi nỗi đau mất mát. Trong số họ, có rất nhiều người dù đã ở tuổi xế chiều, họ vẫn làm việc hết mình, dành trọn tâm huyết cho bình yên của cộng đồng.
Những năm qua, người dân tại các vùng bị thiên tai tàn phá, vẫn thường bắt gặp hình ảnh những thành viên của Quỹ lúc thì xắn quần đi khảo sát tìm vị trí xây dựng công trình phòng chống thiên tai, lúc thì lội bùn đem hàng cứu trợ đến bà con vùng lũ, lúc thì lội trên vùng sình lầy ven biển tìm hiểu nguyên nhân cây trồng bị chết.
Để có 69 công trình bao gồm các trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt công đồng mọc lên trên các vùng rốn lũ, nơi thường xuyên bị bão tàn phá, không thể không nói đến sự đóng góp vô cùng quý báu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, và các nhà hảo tâm. Những hiệu quả đầy thuyết phục từ hoạt động của Quỹ đã dẫn dắt họ gặp nhau ở một tấm lòng đáng quý, vì sự bình yên của người dân ở vùng đất miền Trung luôn phải đối phó với thiên tai. Cảm động hơn, thông qua Quỹ, có nhiều cá nhân là cán bộ về hưu, là công chức Nhà nước, là người buôn bán... đã tận tình tham gia đóng góp như các ông Phan Diễn (130 triệu đồng), ông Trương Quang Nghĩa (100 triệu đồng), ông Trương Quang Thắng (100 triệu đồng), bà Trương Thị Tú (100 triệu), ông Nguyễn Bá Bình (100 triệu đồng)…
Thiên tai, cho dù có tàn khốc đến mấy, con người vẫn chiến thắng vượt qua. Trong cuộc sống bộn bề nỗi lo, vẫn luôn có rất nhiều những con người ngày nối ngày tận tuỵ với công việc đem lại nụ cười và niềm hạnh phúc cho cộng đồng. Hy vọng, từ việc làm vô cùng ý nghĩa đầy tính nhân văn, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung sẽ ngày càng lớn mạnh và đem đến nhiều hơn nữa những địa chỉ bình yên cho người dân trong mùa mưa lũ.
NGUYỄN CẦU