Tuyển Việt Nam vừa chơi trận đấu với Uzbekistan trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2015 nhưng “đắng lòng” là chẳng mấy ai quan tâm! Có lẽ mọi người đã quá chán với thì hiện tại của bóng đá Việt Nam từ cấp độ đội tuyển cho tới U23 chuẩn bị cho SEA Games 2013. Chính vì thế, người ta vẫn tiếp tục nói về U19 của bầu Đức như tia hy vọng lớn cho bóng đá nước nhà.
Các cầu thủ U19 kiểm soát tốt cảm xúc trong và ngoài sân. (Ảnh Internet) |
Báo chí, người hâm mộ khen U19 Việt Nam lên tận mây xanh. Nhiều người tỏ ra thận trọng nhắc nhở mọi người đừng làm thế có thể hỏng lứa cầu thủ tài năng này. Rõ ràng lời nhắc nhở đó là không thừa bởi vì có quá nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam đã thành “sao hôm” ngay chỉ sau vài lời khen ngợi của báo chí và dư luận. Tuy nhiên, chúng ta thấy được rằng không phải cái gì sính ngoại đều không hay! Khen hay chê cầu thủ là chuyện bình thường ở bóng đá châu Âu. Owen trước đây, Rooney hiện tại từng được báo chí Anh “thổi” là “thần đồng”. Cả hai chưa đạt tới mức thần đồng nhưng họ đã là ngôi sao thực thụ chứ không để sự nghiệp chết yểu vì những lời khen tụng ấy. Những Ronaldo, Messi… được báo giới và người hâm mộ bám theo từng bước chân nhưng không hề lung lạc tinh thần vì những lời khen chê.
U19 được khen từ VCK U19 Đông Nam Á cho tới hết vòng loại U19 châu Á nhưng tất thảy đều thấy các em không có bất cứ biểu hiện sao nào. Hơi quá sớm để nói điều đó? Có thể. Nhưng chúng ta tin ở chỗ phần lớn các em được đào tạo bởi các chuyên gia người ngoài thuộc lò Arsenal. Những tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam trước đây bị lụi tàn khi chưa kịp nở là vì họ thiếu sự đào tạo căn bản không chỉ kỹ năng chơi bóng mà cả khả năng ứng xử, làm đúng quy chế của lò đào tạo. Chẳng hạn, cấm các cầu thủ xăm hình, nhuộm tóc… Các em còn được học cách giao tiếp với báo chí để không bị lỡ lời.
Thứ mà ngay cả những người lớn cũng cần phải học các em là khả năng kiểm soát cảm xúc. Cho tới nay chưa thấy bất cứ cầu thủ U19 vừa trở về từ vòng loại U19 châu Á có biểu hiện “sao” dù được khen ngợi nào là “tương lai của bóng đá Việt Nam”… Tức là các em kiểm soát được cảm xúc lâng lâng để tiếp tục tập luyện như thể chưa thi đấu ở VCK Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á. Khả năng kiểm soát cảm xúc đáng khen khác là ngay trên sân đấu các em không hề có thái độ cay cú với đối phương dù liên tục bị chơi xấu. Nghĩa là các em đã biết lấy nhu thắng cương.
Có một quan chức VFF bảo rằng chúng ta có thể “sao chép và dán” mô hình đào tạo trẻ của bầu Đức. Xin thưa, không dễ chút nào bởi vì VFF từng được đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, nước bạn Đức còn đưa cả chuyên gia sang hỗ trợ cũng thất bại thê thảm. VFF thất bại đơn giản vì họ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Không ít lần các quan chức VFF “nộ khí xung thiên” chỉ vì một câu nói thẳng dù chẳng sai chút nào.
TỊNH BẢO