.

Ký ức trong căn phòng cổ với Tướng Giáp

.

Nhà báo, sử gia Stanley Karnow là người Mỹ đã từng phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1990, tờ New York Times đã đăng bài của Stanley Karnow tựa đề “Ký ức của Tướng Giáp”.

Bức ảnh chụp Tướng Giáp tại nhà riêng ở Hà Nội ngày 25-8-2008, dịp sinh nhật lần thứ 98 của ông. Ảnh: AP
Bức ảnh chụp Tướng Giáp tại nhà riêng ở Hà Nội ngày 25-8-2008, dịp sinh nhật lần thứ 98 của ông. Ảnh: AP

Stanley Karnow viết: Tôi được gặp Đại tướng lần đầu tiên tại nơi mà trước đây thực dân Pháp đã đóng chiếm. Đó là một căn biệt thự cổ lộng lẫy nằm trong khu vườn rộng rãi, tràn ngập những sắc hoa dâm bụt và hoa giấy. Khi Đại tướng xuất hiện, đó là một người đàn ông đậm thước với làn da mịn màng và mái tóc bạc trắng.

Dáng đi của ông nhanh nhẹn, ông mặc một bộ quân phục màu ô liu đơn giản, và 4 ngôi sao trên cổ áo là dấu hiệu duy nhất cho thấy cấp bậc của mình. Ông tiến gần đến phía tôi ngồi, nở một nụ cười hiền hậu và ôm chặt tôi với đôi tay mềm mại. Tôi chưa hết ngạc nhiên, thì Đại tướng đã hôn nhẹ lên má tôi theo đúng phong cách truyền thống của Pháp.

"Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình"

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

Nếu không có những đặc điểm dễ nhận biết của một người châu Á, tôi sẽ rất dễ nhầm, người đàn ông đứng trước mặt tôi đây là một người Pháp cổ điển. Nhưng đây là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng tài ba sánh ngang với các vị thiên tướng khác như Grant, Lee, Rommel và MacArthur trong ngôi đền vinh danh các lãnh đạo quân sự thế giới... Người Pháp đã từng gọi Tướng Giáp là “ngọn núi lửa dưới lớp tuyết trắng”, dáng vẻ bình dị, mềm mại bên ngoài của ông khác hẳn với tính cách quyết đoán, và sức mạnh trí tuệ tiềm ẩn bên trong.

Ông kể với tôi rằng, ông không học qua trường lớp đào tạo chính thức nào về quân sự. Ông cười hồn hậu và nói: “Tôi là một vị tướng tự học. Học viện quân sự của tôi chính là những bụi cây”.

Một ngày sau, tôi lái xe đến nhà riêng của Tướng Giáp. Ông tiếp tôi trong một căn phòng cổ với rất nhiều tượng và chân dung của lãnh tụ Việt Nam và thế giới được treo ở những vị trí trang trọng. Ông nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp một cách thuần thục. Trời phú cho ông một trí nhớ phi thường.

Trong câu chuyện với tôi, Tướng Giáp nhớ hết những tên của các đồng chí cũ hoặc các sự kiện và các cuộc gặp gỡ trong nhiều thập kỷ trở lại đây... Ông thừa nhận: “Có những khoảnh khắc khó khăn khi chúng tôi tự hỏi làm thế nào để tiến lên. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ bi quan. Không bao giờ! Không bao giờ!”.

Khi Tướng Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, có một số cố vấn người nước ngoài luôn kề bên ông. Họ chỉ dẫn ông phải làm cái này, cái kia, phải điều khiển chiến dịch thế này, thế khác... Tướng Giáp bảo ông luôn lắng nghe những gì mà các cố vấn ấy nói, để rồi ông không ngủ được suốt cả đêm dài, phải quyết định cái gì là điều đúng đắn thật sự cần làm. Sáng hôm sau ông tự quyết định bài bố lại chiến dịch theo ý mình.

Người Pháp không bao giờ tưởng tượng Tướng Giáp có thể đưa đại bác lên các đỉnh đồi, sau đó chiến thắng với ít tổn thất nhất, và đó là một trong những chiến thắng đặc biệt nhất của cuộc đời Tướng Giáp, tên của ông đã được cả thế giới biết đến như một vị tướng huyền thoại của Việt Nam…

Stanley Karnow là tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 87 vào tháng 1-2013. Với tư cách trưởng đại diện của tạp chí Time, phụ trách khu vực Đông Nam Á, ông là người đưa tin về cái chết của hai lính Mỹ đầu tiên tại Việt Nam năm 1959, và sau đó đưa tin về chiến tranh trong những năm 1970 cho Time, Washington Post và các hãng tin khác.

Nhà báo Stanley Karnow, tác giả cuốn “Việt Nam: một lịch sử”. Ảnh: AP
Nhà báo Stanley Karnow, tác giả cuốn “Việt Nam: một lịch sử”. Ảnh: AP

Kết quả của quãng thời gian ông ở Việt Nam là sự ra đời của cuốn sách dày 750 trang “Việt Nam: một lịch sử” được xuất bản năm 1983 và bộ phim tài liệu đồng hành với nó, “Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình”. Không giống như những cuốn sách, phim ảnh và bản tin thời sự hằng tối về Việt Nam những năm 1960 và 1970, chỉ tập trung vào vai trò của Mỹ và hệ quả của nó ở Mỹ và nước ngoài, ông Karnow chú ý phân tích về các bên trong cuộc chiến và lần theo lịch sử, văn hóa Việt Nam. Cuốn sách của Karnow trở thành một trong những sách bán chạy nhất và được khen ngợi, còn bộ phim tài liệu giành được 6 giải Emmy và là một trong những bộ phim được xem nhiều nhất vào thời điểm đó.

Stanley Karnow thường được mời phát biểu, xuất hiện trên truyền hình và tham khảo ý kiến về các sự kiện thời sự. Theo USA Today, Karnow hồi năm 2009 từng trao đổi với tướng Stanley McChrystal, Tư lệnh quân Mỹ tại Afghanistan về điểm giống nhau giữa chiến tranh Việt Nam và Afghanistan. “Chúng ta học được gì từ Việt Nam ư?”, AP dẫn lời Karnow sau đó nói. “Chúng ta học được rằng ta không nên ở đó ngay từ đầu”.

“Khi chia tay tôi, ông nói: Tôi là vị tướng của hòa bình. Chúng tôi khao khát hòa bình và lòng yêu nước của chúng tôi đã chiến thắng mọi cuộc xâm lược”.

Nhà báo, sử gia Stanley Karnow

(Nguồn: VnExpress.net)

 

(Nguồn: Danviet.vn)

;
.
.
.
.
.