Hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Hữu Hồng Minh đều mang tựa đề ấn tượng và khá lạ, gây tò mò cho những ai tiếp cận, như Những giọng nói mơ hồ, Tháo đáy, Ổ thiên đường… Và giờ đây, Người ăn bóng!
Bìa tác phẩm Người ăn bóng - NXB Hội Nhà văn & Công ty Phương Đông - Hà Nội 9-2013.Ảnh: N.K.G |
Đan xen, pha trộn giữa các thể loại truyện ngắn, tùy bút, tản văn… độ đậm nhạt trong các tương quan hư và thực, văn và đời, cuộc sống và khát vọng trong trang viết thấm đẫm chất thơ. Một phong cách độc đáo hoàn toàn khác khi viết văn của một nhà thơ.
Hầu như ở mỗi chuyện, ta có thể bắt gặp những câu rất thơ, như mũi tên bật bay ra từ dây cung căng bắn vào nơi sâu thẳm, lay động nhất của tâm hồn. Một thứ ngôn từ hột huyết mà trong truyện Huyệt thơ anh đã va động đến. Xin đơn cử một số: “Nhấp nhô những mái Tây Tạng - khuất mù trong mây xa xa…”/ “Em yêu! Chiều đã xuống rất đầy…”.
Có “những chuyện nhỏ” mà cả bài nếu gọi là bài thơ trọn vẹn thì cũng không có gì quá đáng. Nhiều nữa là khác. Như các chuyện Dòng thác trong chân tóc, Tiếng lạ, Mưa đối thoại, Dấu nước, Lửa bí ẩn… Hay độc đáo như truyện Lữ hành trong đêm với những hình tượng: “Anh bắt đầu ra đi từ nhà cùng ngọn gió lữ. Một ngôi sao dẫn đường! Và bây giờ trở về trên vai gió đẫm. Ngôi sao bơ vơ cuối trời”. Chuyến lữ ấy đẹp và xao động!
Người ăn bóng chứa đựng những chiêm nghiệm sâu sắc về kiếp nhân sinh, những suy nghiệm máu huyết về nghề, và những suy tư ăm ắp về đời sống gia đình - một tế bào, thành tố của xã hội. Những truyện Hạt nhân và hạt cơm, Cỏ lãng quên, Gương soi, Một chuyện huyền hồ… pha trộn, đan xen các yếu tố hư và thực; sự hoán đổi khái niệm; vệt cắt nối bất thình lình giữa các yếu tố chồng lấn không gian và thời gian… đã tạo nên màu sắc dân gian như một lớp sương hư ảo. Như trong Sen Tây tạng với bàn tay cô gái bị chặt đứt ngâm trong hũ rượu rắn hay Sự sống xộc xệch, một người trong giấc ngủ thấy mình tỉnh thức và khi đang làm việc vẫn ngỡ mình đang ngủ (!). Với Dị truyện Akutagawa đã đạt đến thủ pháp hậu hiện đại khi tác giả tái hiện lại không khí huyền sử từ truyện ngắn Trong rừng trúc nổi tiếng của nhà văn Nhật Bản. Có những điều ngỡ là giá trị hôm nay bỗng vô nghĩa trong ngày mai. Đôi lúc ngỡ cầm nắm vàng ròng trong tay hóa ra là đá cuội. Nguyễn Hữu Hồng Minh đã thủ đắc được một nghệ thuật viết đầy bất ngờ khi xóa vết hiện đại và truyền thống, đưa xa về gần, cái phi lý mấp mé với cái có lý, sự thật xa vời đến hoang đường.
Một thế mạnh khác của Người ăn bóng là tác giả đã thành công khi phơi bày những góc khuất bí ẩn nơi tâm hồn con người vẫn hằng ngày khó hiển lộ. Vẫn đơn độc đi tìm một ý nghĩa cho dù tận cùng sự sâu thẳm, đã bật tung chất hài hước như anh viết trong truyện Tên muối. Hãy theo chân anh vào tìm muối sau khi hóa thân và còn lại là một nhúm muối mặn nhỏ nhoi: “Thật khó tưởng tượng lọt thỏm trong gói kia là thể phách, là xác thân một thời trụ sinh, hoan lạc. Sau lửa, tro cốt cho vào bình và chỉ còn một ít bột trắng li ti cho vào gói. Trắng như muối. Và mặn như muối. Có thể muối vẫn khóc. Nhưng không ai biết! Như đã từng có. Như chưa hề có. Một vũ trụ xanh biếc... Bởi lâu quá từng gói nhỏ nằm im. Có ai nhớ mà gọi tên muối đâu?...”. Muối khóc hay hồn reo? Không chỉ phơi bày. Theo tôi, đó còn là những câu văn chất chứa nỗi niềm, ứa ra từ nỗi suy nghiệm sâu sắc như mật. Và thật độc đáo một cách nhìn khác lạ, nhân bản về cõi người nghiệt ngã, nhưng kỳ quặc vẫn đầy đắm say, mê hoặc.
Những suy nghiệm về nghề viết lách của anh cũng đầy hình ảnh. Anh gọi thẳng tên không ẩn dụ mà bất ngờ Con bò nhà văn. Nhiều truyện cũng hay và bất ngờ nổ tung như thế Mây trắng thổi qua trời phù du, Độc trủy cầm, Hỗn độn và trừu tượng, Tiếng Việt, Châu ngọc, Nhà văn và nhà sách, Chiều văn, Lậu chữ… Thế giới văn-nghệ sĩ bày ra trong văn anh những góc khuất, những mảng tối, trần trụi. Đẹp và Buồn. Như một truyện ngắn anh đề tặng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Thế giới mộng du. “Làm chữ nghĩa cần nhất phải có Tâm Văn, kẻ không có Tâm Văn có luyện chữ hai ngàn không trăm mười ba hiệp vẫn không thoát phận cầy cáo!”, “…Để đạt đạo không những công mà còn phải dưỡng...”.
Hoa sen đã nở trong truyện Quán Thế Âm: “Đá im lìm. Khô khốc. Ai biết bên trong rỗng rảng hay có một trái tim vẫn đập nhịp thình lình… Chạm khắc trên mặt đá một hình nhân đã khó nhưng càng khó vô cùng khi chạm một đức tin…”. Khó chứ! Nhưng hãy chạm trên đá một đức tin!
NGUYỄN KIÊN GIANG