.

Nhà văn Thái Bá Lợi: Sự viết trước hết là để cho mình

.

Trao đổi với Đà Nẵng Cuối tuần, nhà văn Thái Bá Lợi - tác giả cuốn tiểu thuyết Minh sư vừa nhận Giải thưởng văn học Đông Nam Á (S.E.A. Write Award) năm 2013 - nói rằng, việc được nhận giải thưởng dù lớn hay nhỏ đều khiến ông vui và tự hào. Bởi mọi sự đánh giá cần được trân trọng.

Chân dung nhà văn Thái Bá Lợi  và bìa tiểu thuyết Minh sư. Ảnh: T.T
Chân dung nhà văn Thái Bá Lợi và bìa tiểu thuyết Minh sư. Ảnh: T.T

Về cuốn tiểu thuyết vừa được vinh danh, Thái Bá Lợi cho biết, Minh sư được viết hơn bốn năm, trong đó ông dành ngót ba năm cho việc tìm kiếm tư liệu. Hơn 400 trang tiểu thuyết ghi lại hành trình mở cõi bi tráng và đầy trắc ẩn của chúa Nguyễn Hoàng - người để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong suy tư của tác giả. Tuy nhiên, Minh sư không dừng lại ở câu chuyện mở cõi. Điều quan trọng, cuốn tiểu thuyết cho người ta sự nhận biết - nhận biết Minh sư trong đời: “Trong đường đời tôi từng gặp những người thầy, những bậc cha chú anh chị, những người bạn, những người đáng tuổi em út cháu chắt mình mà ở họ tôi học được nhiều điều thì tôi coi đó là minh sư”, nhà văn Thái Bá Lợi nói. Cũng như phát ngôn của chính nhân vật Nguyễn Hoàng trong Minh sư: “Các anh đã nhắc ta một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta. Không phải chỉ có người gần gũi ta, những người nói điều hợp với lòng ta, mà ngay cả người nói điều trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều”...

Nhà văn Thái Bá Lợi sinh năm 1945 tại Nghệ An, thuộc thế hệ nhà văn xuất hiện vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tên tuổi của ông gắn với những tác phẩm chân thực về chiến tranh và sau chiến tranh. Thái Bá Lợi sáng tác không nhiều nhưng mỗi khi đứa con tinh thần của ông ra đời thì đều gây được tiếng vang và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả như các truyện ngắn, truyện vừa: Vùng chân Hòn Tàu (1978), Đội hành quyết (1994), Hai người trở lại trung đoàn (1978); các tiểu thuyết: Họ cùng thời với những ai  (1978-1980), Thung lũng thử thách (1981), Bán đảo (1983), Trùng tu (2003), Kheemama (2004)... Mới nhất là tiểu thuyết Minh sư (2010).

Theo nhiều đánh giá, Minh sư là tiểu thuyết khó đọc, vì cách viết mở về bút pháp, nhưng rất kín đáo về tư tưởng. Những diễn biến cuộc đời của một nhân vật lịch sử vẫn còn để lại nhiều cách nhìn khác nhau như một bài toán còn nhiều lời giải. Ngoài việc tìm về nguồn gốc sâu xa của lịch sử, văn hóa cuộc di dân sớm của người Việt (thông qua minh sư Nguyễn Hoàng), tiểu thuyết còn bày tỏ khát vọng hòa giải, hòa hợp và cả sự tri ân với các dân tộc (như Chăm), nơi người Việt đi qua. Mà theo quan niệm của tác giả, đi, ở, hòa nhập, hủy diệt, phục sinh… đều là minh sư của từng con người, tộc người cụ thể.

* Ông nghĩ gì về giải thưởng Văn học Đông Nam Á và các giải thưởng đã được nhận?

- Trước hết, nhận được giải thưởng nào đối với tôi đều là chuyện vui. Dù các giải thưởng chỉ là sự phản ánh một phần công việc của mình, chứ không thể là tất cả. Có những người hoàn cảnh nào đó, họ có sáng tác hay, giá trị nhưng họ không được nhận giải thưởng. Đó là chuyện không hiếm. Giải thưởng nào cũng đáng quý, nhưng khó toàn vẹn. Ngay đến Giải Nobel còn bỏ quên cả Lev Tolstoy kia mà. Thực tế cũng cho thấy, không mấy người từ chối giải thưởng, nhất là khi họ được nhận giải chính thức. Tóm lại, với một người viết văn như tôi, mọi giải thưởng đều đáng tự hào, dù đó là giải thưởng nhỏ nhất. Đó là sự đánh giá của người ta đối với mình. Mình cần tôn trọng sự đánh giá đó.

* Cách đây không lâu (2010), Minh sư đã được nhận Giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, bây giờ, một lần nữa tiểu thuyết này lại được vinh danh ở một văn đàn rộng lớn hơn. Đây có phải là tác phẩm tâm đắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, tính đến thời điểm hiện tại?

- Tác phẩm tâm đắc nhất đối với một nhà văn luôn là tác phẩm đang viết chứ không phải là những tác phẩm đã hoàn thành. Nhưng nhìn lại những gì đã sáng tác đến thời điểm hiện tại, thì thích nhất với tôi vẫn là Trùng tu.

* Trùng tu cũng là tiểu thuyết được ông viết xong từ năm 1982 nhưng phải đến 20 năm sau mới in. Vì sao ông để lâu như vậy?

- Giá trị tác phẩm cần được định đoạt bằng thời gian và người đọc. Với bất kỳ một tác phẩm nào, tôi cũng mong muốn có một độ lùi thời gian để nhìn lại. Như Minh sư, sau khi hoàn thành, tôi đã vào chùa ở hẳn một năm mới quay ra chỉnh sửa tác phẩm lần cuối trước khi in. Tác phẩm gây tiếng vang năm nay chắc gì còn lưu dấu mai sau và ngược lại. Sự viết trước hết là viết cho chính mình.

* Ông có thể bật mí về tác phẩm tâm đắc - đang viết?

- Tôi đang viết một tiểu thuyết mới về thành phố Đà Nẵng, viết về những người xung quanh mình. Bây giờ, tôi ngộ ra một điều là tại sao mình phải khó khăn để viết về ông Nguyễn Hoàng xa xôi, phải mất 3 năm đi tìm tài liệu, trong khi những người quanh mình nhiều chuyện hay chẳng kém. Có điều viết về những người mình quen phải rất thận trọng. Với tiểu thuyết này, dù không phải nhọc công đi tìm tài liệu nhưng để biến điều quen thuộc trở nên sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn, giàu giá trị nghệ thuật là chuyện không dễ.

* Sau cùng, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm vui trong chuyến đi Thái Lan nhận giải thưởng vừa qua?

- Tôi đã đến Thái Lan nhiều lần, có điều, lần đi nhận giải thưởng vừa rồi có ý nghĩa đặc biệt. Đáng nhớ nhất là các hoạt động sôi nổi tại Tuần nhà văn, trong khuôn khổ chương trình trao giải. Trong Tuần nhà văn, chúng tôi đã được đến nhiều nơi, biết thêm nhiều điều từ những chuyến đi đến vùng sâu vùng xa của đất nước này để vận động đọc sách; khai trương thư viện mang tên giải thưởng; chiêm ngưỡng những di sản độc đáo của đất nước Thái Lan…  

Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (SEA Writers Awards) do Hoàng gia Thái Lan thành lập năm 1979 và được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các nhà văn, nhà thơ có sáng tác tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á. Một số nhà văn và nhà thơ Việt Nam từng được vinh danh tại Giải thưởng văn học Đông Nam Á này như: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (năm 2000), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Nguyễn Nhật Ánh (2010)... Buổi lễ trao giải thưởng văn học Đông Nam Á 2013 diễn ra trang trọng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 14-10.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.