.

Những bí ẩn dưới lòng tháp Chăm

.

Vào đầu thế kỷ 20, khi các di tích Chăm được các nhà khảo cổ học người Pháp chú ý, các kiến trúc Chăm tại khu vực Đà Nẵng hầu như bị hủy hoại hoàn toàn. Một tài liệu thống kê năm 1909 ghi nhận 4 di tích Chăm tại khu vực Đà Nẵng ngày nay với nền móng tháp, các pho tượng, phù điêu và văn bia, đó là các di tích Hóa Quê, Ngũ Hành Sơn, Quá Giáng và Phong Lệ.

Lúc bấy giờ, các đền tháp Chăm đồ sộ ở các địa phương khác thu hút sự chú ý của nhiều người và ít có sự quan tâm đến các phế tích Chăm tại Đà Nẵng. Các cuộc chiến tranh và quá trình đô thị hóa nhanh chóng làm mất đi những vết tích ít ỏi còn lại trên mặt đất.

Khai quật nền móng tháp cổng Phong Lệ. Ảnh: V.V.T
Khai quật nền móng tháp cổng Phong Lệ. Ảnh: V.V.T

Từ năm 2008, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng khởi động một chương trình khảo cổ với nỗ lực chuyển bất lợi thành ưu thế. Bởi vì hầu như không còn gì trên mặt đất để bảo tồn, bảo tàng có cơ hội để khảo sát các nền móng tháp. Và quả thật, những cuộc khai quật tại Phong Lệ và Cấm Mít đưa đến những khám phá mới mẻ, góp phần nghiên cứu những bí ẩn dưới lòng tháp Chăm.

Khai quật di tích  Phong Lệ

Tài liệu khảo sát vào đầu thế kỷ 20 ghi nhận: “Di tích này thuộc làng Phong Lệ, tổng Bình Thái Hạ, huyện Hòa Vang (lãnh địa cũ của ông Paris), cách Tourane 9km về phía tây, ngang với núi Non Nước. Ngôi tháp chỉ còn lại một ụ đất bị cỏ bao phủ trên một đồi thấp. Có thể nhìn thấy dấu vết của bức tường trải dài theo hướng bắc – nam. Theo những thông tin thu thập được thì dường như đã có nhiều kiến trúc tập trung tại địa điểm này trên ngọn đồi. Các mảnh vỡ của các trụ song (balustres) cho thấy đã có những công trình có cửa sổ. Người ta đã lấy gạch ở đây để xây ngôi villa của lãnh địa cùng công trình phụ và nhiều tảng gạch được lấy lát đường dẫn ra bờ sông, và còn thấy những mảnh vỡ của các hiện vật điêu khắc”. Hiện nay Phong Lệ thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Cuộc khai quật từ ngày 29-4 đến 30-6-2011 tại Phong Lệ phát lộ một nửa phần móng một kiến trúc Chăm cùng với các trụ đá, bậc cấp, mảnh vỡ các pho tượng và một số mảnh gốm và ngói. Một nửa nền móng chưa thể khảo sát được vì nằm dưới căn nhà ở của một hộ dân địa phương. Căn cứ vào diện tích móng và các di vật, đoàn công tác khảo cổ nhận định đây là nền móng của tháp cổng (gopura) thuộc một quần thể tháp Chăm. Và từ vị trí của móng tháp cổng, đoàn khảo cổ đã xác định một khu đồi cao tiếp theo phía sau ắt phải là nền móng của ngôi tháp chính. Một hố thám sát 1 mét vuông đã được đào đến độ sâu 2,2m và đã khám phá một cấu trúc gồm nhiều lớp đá cuội xen kẽ với các lớp cát trắng và đất sét màu đỏ nện chặt.

Từ ngày 1-7 đến 30-8-2012, việc khai quật được tiếp tục với diện tích 500 mét vuông ở khu vực nền móng tháp chính. Sau khi bóc dỡ phần đất xáo trộn đến độ sâu 1m thì phát hiện một nền gạch Chăm. Đặc biệt, ở diện tích chừng 1 mét vuông ở giữa nền, các viên gạch đã bị tháo gỡ từ trước để lại dấu vết gạch vỡ lẫn với đất được lấp lại. Một hố khai quật đã được bắt đầu tại vị trí này và mở rộng ra xung quanh, gặp các lớp sỏi và cát trắng nén chặt. Khoảng 30 mét khối sỏi và cát đã được đưa lên làm xuất lộ một hố vuông có tường xây bằng gạch, đoàn khảo cổ gọi tên là “hố thiêng”.

Hố thiêng được xây theo bình đồ hình vuông; sâu 1,8m; đáy hố  3,9m  x 3,9m; miệng hố 4,2m  x  4,2m. Mặt đáy hố là nền đất sét màu đỏ, nện chặt. Ở giữa đáy hố, nơi mà các lớp cuội và cát phía trên đã bị đào xới và lấp lại bằng gạch vỡ, có một số viên thạch anh nằm trong một vành đai tròn được xếp bằng những viên đá cuội hình trứng. Vị trí này ắt hẳn đã có đặt những đồ vật quý và đã bị những người săn lùng kho báu lấy đi. Trong bốn bức tường của hố thiêng, ở sát đáy hố, có 8 hốc lõm ở vào vị trí tương ứng với tám hướng đông, tây, nam, bắc, đông nam, đông bắc, tây nam, tây bắc. Các hốc lõm được lấp đầy với cát trắng. Sau khi lấy hết cát, phát lộ một viên gạch vuông đặt ngang, dưới viên gạch là một viên đá cuội hình trứng đặt theo chiều đứng. Và dưới viên đá cuội là một mẩu nhỏ (1cm x 2cm) kim loại. Phía trước miệng hốc có một vài viên thạch anh với chiều nhọn của tinh thể quay lên trên. Tất cả tám hốc lõm đều có cùng cấu trúc và các hiện vật giống nhau, ngoại trừ hốc ở hướng đông bắc có thêm một viên cuội đặt bên cạnh viên thạch anh ở miệng hốc.

Phong cách điêu khắc của các hiện vật tìm thấy tại Phong Lệ cho phép đưa ra giả thuyết về niên đại của tháp Chăm tại đây vào khoảng thế kỷ 10 đến 12.

Khai quật di tích Cấm Mít

Cấm Mít thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Mãi đến năm 2000 di tích này lần đầu tiên được ghi nhận trong một báo cáo khảo sát di tích. Trước đó khá lâu, nhân dân địa phương đã đến đây khai thác gạch và chuyển các bệ thờ bằng đá của di tích này về để ở đình miếu các làng lân cận. Những di vật còn lại nằm rải rác trong vườn của các hộ dân địa phương, gồm một bệ yoni, hai tấm tympan và một số trụ đá.  

Cuộc khai quật ở Cấm Mít, tiến hành từ ngày 15-9 đến 20-12-2012, đã phát lộ nền móng của một quần thể tháp Chăm, đặc biệt là nền móng của ba ngôi tháp liền kề theo trục bắc – nam, cửa tháp quay về hướng đông. Với kinh nghiệm khai quật Phong Lệ, đoàn khảo cổ đã nhanh chóng xác định và làm xuất lộ ba hố thiêng trong lòng nền móng ba ngôi tháp. Một điều đáng lưu ý là cả ba hố thiêng này cũng có dấu hiệu đã bị đào và lấp lại với diện tích chừng 1 mét vuông ở khu vực trung tâm.

Bốn bờ tường của các hố thiêng ở Cấm Mít không xây bằng gạch như ở Phong Lệ, mà chỉ bằng một loại “bê-tông” cấu tạo bởi gạch vụn trộn đất sét đỏ nện chặt. Ở sát mặt đáy, mỗi hố thiêng Cấm Mít đều có tám hốc lõm với phương vị và các thành phần bên trong tương tự như ở hố thiêng Phong Lệ gồm gạch vuông, đá cuội hình trứng, thạch anh và các mẩu kim loại. Ngoài ra, còn phát hiện ở hố thiêng Cấm Mít năm viên thủy tinh tròn (hai viên có lỗ xuyên thủng) và sáu miếng nhỏ kim loại cắt hình voi.

Căn cứ vào cấu trúc nền móng, phong cách điêu khắc và các mảnh vỡ gốm tìm thấy tại các hố khai quật, có thể xác định niên đại của di tích Cấm Mít vào khoảng thế kỷ 11 đến 14.

Một số bình luận

Hầu hết các nghiên cứu về tháp Chăm cho đến nay đều nghiên cứu phần trên mặt đất như tường, mái, đài thờ và  tượng thờ. Chưa có nhiều nghiên cứu về phần bên dưới mặt đất của một ngôi tháp Chăm. Phần nền móng đã được thiết kế, xây dựng như thế nào để giúp các tháp gạch đồ sộ đứng vững qua ngàn năm mưa gió nhiệt đới khắc nghiệt vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp; cũng bí ẩn không kém là vấn đề kho báu trong lòng tháp Chăm. Các cuộc khai quật ở Phong Lệ và Cấm Mít cung cấp chứng cứ khảo cổ học góp phần trả lời các câu hỏi trên.

Các “kho báu” hay các “hố thiêng” ở các tháp Chăm đã được phát hiện và ghi nhận ở một số tài liệu, như các trường hợp ở di tích Đại Hữu, Trà Kiệu, Mỹ Sơn và Pô Nagar. Các cuộc khai quật mới tại Phong Lệ và Cấm Mít đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về cấu trúc của một “gian phòng dưới lòng đất” ở trung tâm của một ngôi tháp Chăm (hố thiêng); đó là nơi người Chăm đã đặt các vật “ký cúng” (dâng cúng và ký thác). Điều này mở ra một bối cảnh rộng hơn cho việc nghiên cứu kiến trúc Chăm.

Nghi thức xây dựng một ngôi đền Hindu giáo có ghi chép ở các văn bản Ấn Độ cổ. Một phần quan trọng của nghi lễ “đặt viên gạch đầu tiên” là việc đặt những đồ vật “ký cúng” cho thần linh để được bảo hộ và ban phúc. Các đồ vật thuộc loại này đã được tìm thấy trong vài di tích ở Campuchia, ở Indonesia và ở Thái Lan. Các hiện vật tương tự đã được tìm thấy trong hố thiêng ở Phong Lệ và Cấm Mít giúp nghiên cứu những tương đồng và khác biệt trong kiến trúc tôn giáo ở các nước Đông Nam Á.

Một số tài liệu khảo cổ học có ghi chép về các dấu vết đào bới và xáo trộn trong lòng các tháp Chăm. Liệu đó là hậu quả đào bới của những kẻ “săn lùng báu vật” hay sự dời chuyển bởi những người “trong cuộc” biết rõ nơi đặt những vật thiêng? Cuộc khai quật các hố thiêng ở Phong Lệ và Cấm Mít hé lộ những góc cạnh khác nhau để lý giải về sự biến mất của các đồ vật “ký cúng” tại các tháp Chăm.

Khảo cổ học Chămpa tại khu vực Đà Nẵng tái khởi động khá muộn màng kể từ khi những nhà khảo cổ học tiên phong người Pháp rời khỏi Việt Nam. Tuy vậy, trong lòng đất Đà Nẵng vẫn ẩn chứa những bất ngờ thú vị dành cho khảo cổ học, kể cả những triển vọng về sự đóng góp mới mẻ cho nghiên cứu Chămpa; đặc biệt là nghiên cứu nền móng tháp. Bên cạnh Phong Lệ và Cấm Mít, cuộc khảo sát mới đây cho thấy còn nhiều tiềm năng cho khám phá khảo cổ học Chămpa tại các nơi như An Sơn, Quá Giáng, Khuê Trung của thành phố Đà Nẵng.

Tài liệu trích dẫn:

Anna A. Slaczka, Temple consecration rituals in ancient India: text and archaeology , Leiden, Brill, 2007; L. Aurousseau, Nouvelles fouilles de Đại-hữu, BEFEO1926; Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật tại Cấm Mít, Phong Lệ của Nguyễn Ngọc Chất, Nguyễn Chiều và đồng nghiệp; Báo cáo điều tra khảo sát di sản văn hóa khảo cổ học trên địa bàn Đà Nẵng năm 2012 của Lê Đình Phụng và đồng nghiệp; Báo cáo khảo sát khảo cổ ở thành phố Đà Nẵng tháng 5-2000 của Trần Quốc Vượng, Nguyễn Hồng Kiên, Hà Phước Mai;  Henri Parmentier, Descouverte de Bijoux anciens de Mi-Sơn, BEFEO 1903; Patriza Zolese, Results of the Archaeological Investigations at Mỹ Sơn G Group (1997 – 2007) và nhiều tài liệu khác…

VÕ VĂN THẮNG

;
.
.
.
.
.