.

Tình cảm sâu nặng của Đại tướng dành cho quê hương

.

Cùng với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đau buồn, tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của thế kỷ XX, người con ưu tú hết lòng với quê hương, đất nước đã về cõi vĩnh hằng. Trong nỗi đau thương mất mát, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình nguyện đoàn kết bên nhau tiếp tục thực hiện những điều Đại tướng đã từng căn dặn, xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đảo Yến nhìn từ Vũng Chùa (tỉnh Quảng Bình). Ảnh: dantri.com.vn
Đảo Yến nhìn từ Vũng Chùa (tỉnh Quảng Bình). Ảnh: dantri.com.vn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng tài ba lỗi lạc, đức độ, văn võ song toàn của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, là niềm tự hào của quê hương Quảng Bình sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chính vùng đất chiêm trũng của Quảng Bình với hạt lúa, củ khoai đã nuôi lớn một con người bình dị nhưng chất chứa khí phách đọ Trường Sơn và lòng yêu nước thương dân vô bờ bến. Khí phách đó được ánh sáng cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh chắp cánh tung bay trên bầu trời cao rộng mà đích đến là độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Với đức độ và tài năng văn, võ song toàn, Đại tướng đã làm rạng danh đất nước và đặc biệt là quê hương - nơi eo thắt của khúc ruột miền Trung, vùng đất gió Lào, cát trắng Quảng Bình.

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình luôn dõi theo những bước đi và những cống hiến của người con ưu tú: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hướng về quê hương, gần gũi, thân thiết với mảnh đất Quảng Bình và luôn dành cho tỉnh nhà tình cảm sâu nặng. Bao nhiêu sự kiện lớn, nhỏ diễn ra trên mảnh đất Quảng Bình, Đại tướng đều dõi theo và đã có nhiều thư, lời căn dặn, chỉ bảo quý giá.

Rất cảm động khi trong chuyến về thăm quê hương lần cuối cùng vào tháng 11-2004, Đại tướng đã nói với các đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh: “Dù ở xa nhưng tôi vẫn ngóng về quê hương, có khá đầy đủ thông tin về Quảng Bình. Tỉnh nhà có việc làm tốt, tôi vui, nhưng cũng buồn khi tỉnh nhà có những chuyện chưa hay”. Cũng trong chuyến về thăm quê lần này, khi biết cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, làm cạn dòng chảy, Đại tướng đã nhắc nhở lãnh đạo tỉnh nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục để ngư dân ra vào cửa biển an toàn. Đại tướng tỏ lòng băn khoăn khi biết có hiện tượng khai thác đá làm ảnh hưởng đến Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và đề nghị tỉnh cần sớm có quy hoạch tổng thể khu vực này.

Đại tướng đặc biệt quan tâm đến những vấn đề chiến lược lâu dài của tỉnh. Trăn trở lớn nhất của Đại tướng là Quảng Bình vẫn còn là tỉnh nghèo so với cả nước và người dân Quảng Bình phần lớn đang còn nghèo. Làm gì để thoát nghèo, vươn lên hoà vào sự phát triển chung của cả nước là vấn đề luôn được Đại tướng nhắc nhở nhiều lần, nhiều góc độ trong những chuyến về thăm quê.

Trong chuyến về thăm quê sau khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, năm 1992, Đại tướng đã có buổi nói chuyện với lãnh đạo tỉnh với những lời tâm sự thân thiết: Tỉnh mới lập lại, được Trung ương ưu ái và hết sức giúp đỡ đó là thuận lợi lớn. Muốn ổn định tình hình trước hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hết sức chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn; yêu cầu mỗi huyện, mỗi xã phải kiểm tra lại mức sống của mỗi gia đình để có biện pháp giúp đỡ cần thiết. Về kinh tế, muốn đi lên thì phải phát triển kinh tế hàng hóa, nông nghiệp phải toàn diện, độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi. Phải tăng cường kinh tế đối ngoại... Đại tướng nhắc tỉnh nhiều về phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ, chăm lo nguồn lực để phát triển bền vững lâu dài. Về công tác xây dựng Đảng, Đại tướng chỉ rõ: Phải chăm lo công tác tư tưởng, lãnh đạo phải đảm bảo niềm tin cho nhân dân. Niềm tin bị xói mòn là điều rất không tốt cho lãnh đạo. Cán bộ phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu...

Là một thiên tài về quân sự, trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của đế quốc Mỹ xâm lược, vào đêm 11, rạng sáng ngày 12-2-1965, khi giặc Mỹ chuẩn bị đánh phá thị xã Đồng Hới, Đại tướng đã chỉ thị cho Quảng Bình phải tổ chức đánh và phòng tránh tốt, ở nội thị Đồng Hới, ngoài lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lực lượng an ninh, tất cả cán bộ, công nhân và nhân dân nội thị phải được sơ tán ra khỏi thị xã trước 5 giờ sáng để tránh thương vong. 12 giờ trưa ngày 12-2-1965, thị xã Đồng Hới đã bị đánh phá dữ dội, khu vực nội thị hầu như bị san phẳng hoàn toàn...

Những kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại tướng đều có thư chúc mừng và những lời căn dặn chí tình. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2005 -2010), những lời căn dặn của Đại tướng cũng là những vấn đề mang tính chiến lược và thiết thực đặt ra cho Đại hội xem xét, quyết định. Đại tướng viết: Tôi mong Đại hội lần này hãy nhìn thẳng vào sự thật, nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, phát huy dân chủ, bàn bạc để thấy rõ những nguyên nhân, đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng.

Tỉnh Quảng Bình đã có truyền thống hết sức vẻ vang, trong kháng chiến đã được Bác Hồ khen: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Phát huy truyền thống đó, ngày nay chúng ta phải quyết tâm chiến đấu thắng bằng được nghèo nàn lạc hậu, vươn lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu mạnh, văn minh. Muốn vậy, tôi thấy vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với tỉnh là phải không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, trước hết là trong cấp uỷ. Phải coi trọng công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng đào tạo thế hệ trẻ; sử dụng những cán bộ thực sự có đức, có tài...

Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, trong những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết gắn bó, thống nhất ý chí, đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một đi lên, phấn đấu sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo như mong mỏi của Đại tướng. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 -2015), tình hình kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ và hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng; phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê vùng nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa; tình hình chính trị - xã hội được ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững...

Dẫu đã có những nỗ lực vượt bậc trên bước đường xây dựng quê hương ngày càng đổi mới nhưng Quảng Bình hiện vẫn đang là một tỉnh nghèo. Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chưa thực sự vững chắc. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, chuyển dich cơ cấu kinh tế còn chậm. Đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung cả nước. Công tác xây dựng Đảng mặc dù đã đạt được những thành tựu nổi bật nhưng vẫn đang còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ và khắc phục...

Là vùng đất luôn bị thiên tai đe dọa, trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, cơn bão số 10 đã tàn phá Quảng Bình với mức độ khủng khiếp. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập, bị hư hại; hàng loạt cơ sở, công trình giao thông, thủy lợi, trường học bị hư hỏng nghiêm trọng; hàng chục nghìn ha cao su, rừng trồng bị san phẳng...,tuy chưa tổng hợp một cách đầy đủ nhưng ước tổng giá trị thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng.

Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình qua đời, nhân dân Quảng Bình vô cùng bàng hoàng, thương tiếc Đại tướng. Tại nhà Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, bà con nhân dân trong huyện, trong tỉnh đã tấp nập đến thắp hương tưởng niệm Đại tướng. Đại tướng ra đi về cõi vĩnh hằng là một tổn thất lớn không thể bù đắp nổi của cả đất nước, của cả quê hương Quảng Bình. Tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị đầy đủ các công việc quan trọng để tổ chức nghi lễ Quốc tang của Đại tướng tại quê hương. Lần này, Quảng Bình đón Đại tướng trở về mãi mãi trong nỗi đau quặn thắt!

Trong nỗi buồn đau, mất mát lớn lao này, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình nguyện xiết chặt đội ngũ, đoàn kết một lòng, thực hiện những điều căn dặn của Đại tướng, quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh như Đại tướng từng mong mỏi,  xứng đáng là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

LƯƠNG NGỌC BÍNH

 

;
.
.
.
.
.