.

Về nơi rốn lũ

.

Chúng tôi về Quảng Bình, nơi mà chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua đã phải chịu cảnh bão, lũ, lốc xoáy chồng chất lên nhau. Mất mát, tang thương nhưng người dân nơi đây vẫn luôn đoàn kết giúp đỡ, động viên nhau kiên cường bám trụ.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trao quà cho người dân bị thiệt hại do bão lũ gây ra trên địa bàn xã Quảng Thủy (Quảng Trạch-Quảng Bình).
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trao quà cho người dân bị thiệt hại do bão lũ gây ra trên địa bàn xã Quảng Thủy (Quảng Trạch-Quảng Bình).

Đoàn cứu trợ của chúng tôi có mặt tại xã Quảng Thủy (Quảng Trạch-Quảng Bình) chậm hơn 2 tiếng đồng hồ so với dự kiến do đường đi trơn trượt, mưa trắng trời. Đây là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do bão lũ vừa qua gây ra.

Trời mưa nặng hạt. Những con người - như những cánh cò ướt sũng - mang tơi đội nón đứng lặng yên. Bàn tay của họ đang cố giấu đi cái rét vì đã dầm mưa lâu ngày. Nét mặt của họ bớt đi vẻ khắc khổ thật nhiều khi đón những món quà cứu trợ nặng tình nặng nghĩa. Trong mảnh áo mưa đang khoác trên người, mệ Nguyễn Thị Lan, nói trong dòng nước mắt: “Bão qua, nhà sập, con cái thì đi làm ăn xa xứ, một mình tui không biết làm răng? May sau khi bão tan đã có bà con đến giúp lợp lại mái nhà, không còn cảnh “màn trời chiếu đất nữa”. “Nhà chỉ còn 2 vợ chồng già, sống nhờ vào mấy sào ruộng mà giờ nước ngập trắng trời..”, chị  Hoàng Thị Liên, ngậm ngùi.

Hai xã nghèo khác của Lệ Thủy là Sơn Thủy và Hoa Thủy. Nơi đây được ví như là vựa lúa lớn của tỉnh, nhưng sau trận lũ, những cánh đồng ấy đã chìm ngập trong nước lũ mênh mông. Từ trục đường Hồ Chí Minh đi theo con đường làng liên thôn ngập nước, chúng tôi đến được thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy). Trong căn nhà chống lũ, bác Trần Thị Khuyên (50 tuổi), nói: “Năm nào quê tui cũng có lụt, có đợt mất cả tháng trời sống trong lụt. Cực khổ trăm bề, nhất là nhà nào có người đi đẻ hoặc đau ốm đột xuất…”. “Ở đây nhà nào cũng có 1 con đò nhỏ để hễ có lụt là lên đò di chuyển đến những nhà cao hơn để tránh lụt. Trong những ngày lụt, đến nước uống còn thiếu chứ nói chi đến từng bữa ăn. Bà con nơi đây sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng mà lụt như ri thì mất mùa, thóc lúa dự trữ trong nhà cũng ướt hết không biết tính răng?”, bà Trần Thị Thời (63 tuổi) nói thêm.

Quảng Thủy, Sơn Thủy, Hoa Thủy là những xã nghèo thuộc các huyện Quảng Trạch và Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Trong gần một tháng qua, Quảng Bình đã chịu một cơn bão lớn, một đợt lũ và một cơn lốc xoáy dồn dập tràn về đã khiến người mất, người bị thương, nhà cửa tan hoang, hoa màu cây cối đổ ngã la liệt. Khúc ruột miền Trung thân yêu ấy vốn nghèo nay lại càng nghèo hơn. Sau nhiều ngày, những mái nhà vẫn còn ngập sâu trong nước, những cánh đồng  trắng xóa, mênh mông.

Ngay sau khi bão dứt, cùng với các hội, đoàn thể, đơn vị khác, Đoàn Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng đã phát động phong trào quyên góp, ủng hộ đồng bào Quảng Bình bị bão lụt. Chỉ sau một thời gian ngắn, hơn 120 triệu đồng cùng gần 3.000 đôi dép, 200 chiếc áo ấm, chăn ấm và hơn 300 bộ áo quần đã được các thành viên trong hiệp hội quyên góp, đóng gói cẩn thận trao đến tận tay bà con vùng lũ.

Xúc động và chia sẻ trước cảnh có những vùng hơn nửa tháng trời bà con vùng lũ phải sống cô lập, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói: “Mặc dù Đà Nẵng của chúng tôi cũng vừa trải qua cơn bão tàn khốc số 11. Nhưng với mảnh đất Quảng Bình càng khó khăn hơn khi bão lũ chồng chất liên miên. Với gần 200 triệu các thành viên trong Hiệp hội chúng tôi quyên góp được tuy chưa thấm gì so với những vất vả bà con nơi đây đang gánh chịu nhưng đó là tấm lòng của chúng tôi. Và chúng tôi hứa sau chuyến đi này sẽ vận động thêm sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để chia sẻ nhiều hơn cho Quảng Bình”.

Rời khỏi Quảng Bình, chúng tôi như vẫn thấy trước mắt những ánh mắt của người dân vùng lũ đau đáu, lo âu, những cụ ông, cụ bà bế những đứa trẻ nhìn ra sân mênh mông biển nước.

THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.