.

Biểu tượng Haumkar của người Chăm

.

Người Chăm gọi biểu tượng này là HAUMKAR. Haum = Aum, đọc là OM, một âm linh thánh. Aumkar là chữ viết tắt tiếng Phạn Aumkara. Có thể hiểu là Haumkar là ký hiệu, vật thể biểu tượng cho tiếng OM linh thánh.

 Biểu tượng AUM nguyên bản Ấn Độ (ảnh trái) và  Haumkar “chết” ở một góc “Chim Hang” trong Nhà táng Đám tang Chăm Bà-la-môn. Ảnh: I.
Biểu tượng AUM nguyên bản Ấn Độ (ảnh trái) và Haumkar “chết” ở một góc “Chim Hang” trong Nhà táng Đám tang Chăm Bà-la-môn. Ảnh: I.

AUM là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa nhất trong truyền thống Ấn Độ. AUM là âm nguyên bản, âm sáng thế, là lời Thượng đế, là cái bất diệt, cái vô tận, cái vô thỉ vô chung... AUM chia làm ba phần tử: ba pho kinh Vệ Đà; ba trạng thái của con người: thức, mơ và ngủ say; ba giấc: sáng, trưa và chiều; ba thế giới: đất, trời và khí quyển; ba nguyên tố: lửa, mặt trời và gió... Nghĩa là bao trùm tất cả vật thể và ý nghĩa trong thế giới và vũ trụ.

Theo triết học Ấn Độ, chữ cái A biểu tượng cho sự sáng tạo, khi tất cả các tồn tại xuất phát từ hạt nhân vàng là Brahma; chữ cái U liên quan đến Vishnu là Thần Bảo dưỡng và lưu trì, và chữ cái M tượng trưng cho phần cuối cùng của chu kỳ tồn tại, khi Brahma ngủ thiếp đi và Shiva xuất hiện như kẻ phá hủy. Nói rộng hơn, AUM là âm thanh nguyên thủy đã có mặt nơi vũ trụ được sáng tạo. Nó là âm thanh nguyên ủy hàm chứa mọi âm thanh khác, bao trùm tất cả các từ, tất cả các ngôn ngữ và tất cả các câu thần chú.

Các khu vực văn hóa Ấn Độ và các nền văn minh ảnh hưởng triết học Ấn Độ tiếp nhận và biến thái AUM bằng nhiều dạng thức khác nhau. Từ Kannada, Bengali cho đến Tamil, hay chữ cái Grantha... lối thể hiện AUM có sự khác biệt nhất định. Nhưng chung quy tất cả đều nhất thống ở huyền nghĩa của tiếng AUM. Đó là tên tối thượng và thích hợp nhất dành cho Thượng đế.

Qua đến Champa, âm AUM đã biến thái và được lý giải khác đi rất nhiều.

Số 6 ở trên cùng - tượng trưng cho ĐỰC (likei - dương), nói lên sức công phá mãnh liệt của sự sống và thăng tiến. Tận dưới đáy là con số 3 - tượng trưng cho CÁI (kamei - âm): vừa nâng đỡ vừa chịu đựng mang ý nghĩa thu phối và bao dung. 6 + 3 = 9, là con số tiếp cận con số 10 toàn bích. Gọi con số 9, bởi không có gì được cho là toàn bích dưới ánh mặt trời. Khoảng giữa của biểu tượng, MẶT TRỜI (dương) nằm bên trên, phía dưới là MẶT TRĂNG (âm). Một đường thẳng kéo dài từ trên xuống như sợi chỉ xuyên suốt, xâu chuỗi tất cả. Như CÁI (âm) - ĐỰC (dương) kết hợp tạo thành thể thống nhất, để bật ra tiếng AUM linh thánh. Đạo trời đất và con người nằm tất cả ở đó.

Giữa cõi sống và chết, người Chăm cũng có sự phân biệt hình tượng AUM bằng cách biểu hiện khác nhau. Trong cõi sống, khi vẽ trên nhà cửa, sách vở, lễ lạc... nghệ nhân hoặc thầy cúng vẽ hình số 6 xoắn ốc và hướng thẳng lên. Người Chăm gọi là “Haumkar sống”. Ngược lại, để dành cho thế giới chết thuộc cõi âm như: Kut nghĩa trang tộc mẫu, các dạng đám tang... hình số 6 được vẽ cong xuống, gọi là “Haumkar chết”.

INRASARA

;
.
.
.
.
.