.

Hành trình yêu thương

.

Dự án “Hành trình yêu thương” đang triển khai tại một số trường THCS với một phương pháp dạy-học khoa học, hiện đại, tác động đến các em học sinh nam, nữ, nhằm ngăn ngừa bạo lực trước khi nó xảy ra. Cách tiếp cận này đã đưa lại cho các em cơ hội hiểu về giới, giới tính, những thay đổi cơ thể trong quá trình dậy thì, cách thức để bảo vệ mình… một cách bài bản, phù hợp với tâm lý độ tuổi.

Cô giáo hướng dẫn HS chơi trò chơi trong một tiết học Hành trình yêu thương tại Trường THCS Phạm Ngọc Thạch.  Ảnh: H.L
Cô giáo hướng dẫn HS chơi trò chơi trong một tiết học Hành trình yêu thương tại Trường THCS Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: H.L

Học cách chia sẻ yêu thương

Chương trình giáo dục Hành trình yêu thương giới thiệu cho học sinh (HS) những kiến thức liên quan đến giới, giới tính; chia sẻ bình đẳng giữa bạn nam và bạn nữ; giúp HS nam và nữ biết bảo vệ bản thân, vệ sinh cá nhân; hay vấn đề bạo lực giữa các HS ở trường học… Những bài học được thiết kế với rất nhiều trò chơi và bài hát. Vào đầu mỗi giờ học, giáo viên tổ chức một trò chơi khởi động vừa mang tính chất sinh hoạt vừa củng cố lại kiến thức cho các em.

Ngay như quyển nhật ký Hành trình yêu thương được phát cho mỗi HS cũng có nhiều trang dành cho những trò chơi như dò đường, vẽ tranh. Với chủ đề bạo lực, nhật ký dành riêng 3 trang, trong đó có hai trang để HS vẽ những gì gợi cho các em cảm giác yêu thương, gợi cảm giác tức giận, sau đó “xé hai trang yêu thương và tức giận, bỏ vào hai phong bì và gửi cho người bạn tin tưởng nhất và nghĩ về điều này mỗi ngày”. Trang còn lại là những đường thẳng song song và HS được yêu cầu xé theo đường gạch với gợi ý “thật kiên nhẫn nhé”, cũng là một cách giúp các em nghĩ đến tính kiên nhẫn, từ tốn, hóa giải sự bực bội nếu có trong người...

Triển khai từ hơn một năm nay, Hành trình yêu thương chủ yếu cung cấp kiến thức cho HS các khối lớp 6 và 7. Ông Lê Anh Đồng, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà), nhận xét: “HS của trường đa số là con em có cha mẹ làm nghề biển, chuyện tâm sự về giới tính vì thế cũng khá hạn chế, nếu có chuyện gì thì các em chỉ nói riêng với cô giáo. Nhưng sau khi học Hành trình yêu thương, các em có thể nói vấn đề của mình trước đám đông một cách tự nhiên. Ngoài ra, phương pháp giảng dạy của chương trình có một số điểm khác biệt: thầy cô giáo đóng vai trò là đạo diễn, học sinh làm việc chủ yếu thông qua thảo luận nhóm, đóng vai, tự tìm hiểu, chia sẻ… Đối với những nội dung tế nhị, kiến thức mới hoặc khó, thầy cô giáo sẽ định hướng giúp các em, chẳng hạn như trong thời kỳ kinh nguyệt tại sao phải vệ sinh sạch sẽ, cách vệ sinh như thế nào…”.

“Vẽ đường” thế nào?

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết có không ít sự quan ngại khi Hành trình yêu thương được triển khai thí điểm. Nhiều giáo viên cho rằng những bài học mà HS được tiếp cận liệu có quá trần trụi, quá táo bạo và có nên hay không, bởi đây là vấn đề rất “nhạy cảm” đối với quan niệm sống của người Việt Nam. Hoặc có ý kiến sợ sẽ có tác dụng ngược. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quản lý, giáo viên đều đồng tình về quan điểm giáo dục giới, giới tính cho HS THCS, một số ít phản đối vì chưa biết chương trình như thế nào, sợ quá đà sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”.

Sau một năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả rất khả quan về thay đổi nhận thức và hành vi của HS, giáo viên về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới trong nhà trường. Ông Lê Anh Đồng cho biết, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự tiếc nuối khi lên đến lớp 8, con em họ không còn học chương trình này. Ở Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà), nhiều HS lớp 8 có nguyện vọng được tham gia học Hành trình yêu thương cùng với các em HS lớp 6, 7.

Đến nay không còn ai phản đối vì thấy việc giáo dục giới tính cho HS bậc trung học là điều cần thiết. Ông Nguyễn Minh Hùng bày tỏ quan điểm: “Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mọi cái đều có thể vào mạng để truy cập. Việc thiếu hiểu biết, hoặc hiểu biết không đầy đủ sẽ rất nguy hiểm. Vậy thì tại sao chúng ta lại không trang bị cho các em kiến thức cơ bản để hiểu, để biết mà giữ gìn? Điều quan trọng là chương trình phải dạy và truyền đạt kiến thức như thế nào cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi”…

Ông Lê Anh Đồng nhận xét: “Qua triển khai thí điểm, chúng tôi nhận thấy chương trình rất phù hợp với lứa tuổi các em. HS tiếp thu kiến thức liên quan đến vấn đề về giới, giới tính rất hào hứng. Giáo trình dạy rất sinh động, rõ ràng, thu hút được HS tham gia học. Thái độ, nhận thức của HS về bình đẳng giới và bạo lực cũng có thay đổi rõ rệt”.

Tuy nhiên, sẽ có không ít thách thức khi chương trình được nhân rộng. Ông Lê Viết Sang - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ cho biết: Không phải trường nào cũng đủ điều kiện cơ sở vật chất để triển khai chương trình. Bởi để tổ chức dạy - học chương trình này, cần có phòng học rộng để các em chia nhóm trao đổi, thảo luận, tự đứng ra thuyết trình. Đó là chưa kể, nếu không được tập huấn một cách bài bản thì không phải giáo viên nào cũng biết áp dụng kỷ luật tích cực đối với HS và tiếp cận được phương pháp dạy học có sự tham gia nhóm.

Hành trình yêu thương do tổ chức Hòa bình và Phát triển của Tây Ban Nha tài trợ. Đà Nẵng được chọn thí điểm triển khai chương trình đầu tiên trong cả nước, ở 10 trường THCS trên địa bàn. Có 8.000 HS lớp 6, 7 được học và 170 GV được tập huấn về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới, kỷ luật tích cực, phương pháp dạy học có sự tham gia, kỹ năng tham vấn tâm lý cho HS về các vấn đề về giới và bạo lực giới. Trước khi triển khai thí điểm, theo kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, có 38% HS trong độ tuổi từ 12 - 13 tuổi tham gia khảo sát thừa nhận đã từng chứng kiến ba đánh mẹ trong gia đình; 67% đã từng bị giáo viên thực hiện các hình phạt thân thể, trong đó 34% bị đánh bằng tay và 33% bị đánh bằng đồ vật khác. Đồng thời, cũng theo kết quả khảo sát trên, hai phần ba các em nữ thừa nhận đã từng bị gây bạo lực thể chất trong học kỳ vừa qua. Tuy vậy, chỉ có 6% HS nam và 12% HS nữ có thái độ nhận thức cao về bình đẳng giới.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.