.

Nghề xưa

.

Tha thẩn một vòng qua các không gian trưng bày ở Bảo tàng Đà Nẵng, tưởng như được quay về những thời khắc xa xưa bằng cỗ máy thời gian của Doraemon trong bộ truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng của Nhật Bản...

Ông Briu Prăm, một trong những già làng “sống chết” với văn hóa làng nghề dân tộc mình (ảnh trái) và một mô hình giới thiệu nghề dệt vải của người Cơtu ở Bảo tàng Đà Nẵng.Ảnh: V.T.L
Ông Briu Prăm, một trong những già làng “sống chết” với văn hóa làng nghề dân tộc mình (ảnh trái) và một mô hình giới thiệu nghề dệt vải của người Cơtu ở Bảo tàng Đà Nẵng.Ảnh: V.T.L

Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hồ Đắc Trai lật vội sổ ghi chép của mình rồi bảo tôi: Anh đã từng nghe qua chiếc khố chì của người Cơtu chưa? Tôi chưa kịp trả lời thì anh tiếp: Độc đáo lắm. Nhưng, muốn hiểu biết về nó, phải xem qua khu trưng bày hiện vật đan lát và dệt vải của người Cơtu đã.

Nghề cổ truyền thời… rớt giá

Có được nguồn nguyên liệu tại chỗ rất phong phú, nên đan lát là nghề rất phổ biến trong đồng bào Cơtu, do đàn ông đảm nhận từ chặt, chẻ, vót nguyên liệu cho đến đan. Nghe giới thiệu thế, tôi mới hiểu vì sao mà trong một lần lên thăm Làng văn hóa du lịch Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, chỉ thấy toàn đàn ông ngồi đan mà tịnh không một phụ nữ nào.

Làng văn hóa du lịch Bhờ Hôồng có nghề đan lát, chủ công là các già làng Briu Prăm và Bhnươch Bao. Già Briu Prăm trước là cán bộ Ban Miền núi tỉnh Quảng Đà, rồi Bí thư Huyện ủy Hiên (bao gồm 2 huyện Đông Giang và Tây Giang hiện nay) thời chưa tách tỉnh. Năm 1996, ông nghỉ hưu, trở về Bhờ Hôồng sinh sống và đứng ra thành lập tổ đan lát, khôi phục nghề cổ truyền của đồng bào mình. Từ những sản phẩm đơn giản ban đầu như nia, giần, sàng, về sau đã có nhiều sản phẩm tinh xảo, khéo tay hơn ra đời như dong (gùi nữ), prôm (gùi nam to như cái ché, có nắp đậy), apâ càdơ (mâm khay nhà sàn)...

Đặc sắc hơn cả là tà lét dành cho đàn ông và khách tà mòi dành cho phụ nữ, các vật dụng mang đậm nét văn hóa của người Cơtu. Chúng được đan rất công phu và mất nhiều thời gian, nếu đan bằng các loại mây chắc bền có thể sử dụng đến nửa đời người, khoảng 30 năm. Dành hết tâm lực và tài năng vào đó, nên hai sản phẩm độc đáo này chỉ dùng làm quà biếu cho khách quý, tặng sui gia và đôi khi làm sính lễ. Già Briu Prăm giải thích: Tà lét (hay tléc) là gùi có 3 ngăn, dùng đựng các vật dụng khi đi rừng, đi rẫy như cơm, gạo, dụng cụ lấy lửa… Khách tà mòi (hay zoọng khách tà mòi) là một loại gùi nhỏ rất độc đáo, có trang trí hoa văn truyền thống của người Cơtu, chuyên dùng cho phụ nữ trong việc mang quà đi biếu người thân hay sui gia, hoặc làm duyên cho các sơn nữ Cơtu trong múa điệu ya yá đặc trưng dân tộc mình…

Người Cơtu dùng prôm để gùi tuôc (thổ cẩm Cơtu) hoặc mật ong xuống đồng bằng để trao đổi với người Kinh. Mỗi prôm có thể xếp được 4 tấm tuôc, mỗi tấm dài 3 sải tay, không chỉ đổi được một con trâu mà còn được “khuyến mãi” thêm một gùi muối mang về. Kể đến đây, già Briu Prăm bật cười: “Đó là chuyện từ thời Pháp thuộc trở về trước, chứ chừ một tấm tuôc giá chưa tới một triệu đồng thì ai đổi cho con trâu!”.

Nhìn những vật dụng của đồng bào Cơtu trưng bày ở bảo tàng, chợt nhớ giọng trầm buồn của già Briu Prăm hôm nào: Lớp già gần về núi hết, lớp trẻ chừ chỉ lo đi rừng cho mau có tiền chứ không chịu học nghề cha ông, hỏi răng nghề không mai một...

Khi truyền nhân… tuyệt tự

Sau ngày thống nhất đất nước, vào năm 1986, lần đầu tiên tỉnh QN-ĐN (cũ) tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc toàn tỉnh tại huyện Hiên. Trong số những hiện vật đẹp nhất, tinh túy nhất được trưng bày tại ngày hội theo chủ trương của Bí thư Huyện ủy lúc đó là Briu Prăm, người ta chú ý đến hai chiếc khố chì của làng nghề dệt vải ở xã Bhallê. Anh Hồ Đắc Trai nhớ lại: Khi giao hai sản phẩm thủ công độc đáo, quý hiếm của mình cho ban tổ chức, dân làng giao ước: Nếu hai khố mà mất thì phải đền mỗi khố 17 con trâu hết lớn. Hai chiếc khố “dữ dằn” này sau đó được triển lãm ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, gây được chú ý của giới nghiên cứu.

Anh Trai đưa tôi xuống kho để tận mắt thấy hai chiếc khố chì rồi bảo: Biết được giá trị của khố chì, tỉnh đã nhờ huyện Hiên trực tiếp vận động và hỗ trợ kinh phí tương đương với giá 17 con trâu lúc đó để nhận về một chiếc, chiếc kia thì bồi dưỡng tiền bạc cho bà con.

Khố là trang phục cổ truyền của đàn ông Cơtu, rộng 35 - 40cm, dài 1,5 - 8m. Theo tài liệu của Bảo tàng Đà Nẵng, khoảng nửa thế kỷ trước, khố - áo đàn ông Cơtu được dệt bằng vải bông và đính các vòng hay hạt nhỏ bằng chì (nên gọi là khố chì) thành các loại hoa văn; phụ nữ Cơtu, với khung dệt và kiểu dệt thủ công thô sơ, phải mất từ 6 đến 12 con trăng mới dệt xong một chiếc. Nay, khố - áo được trang trí hoa văn bằng hạt cườm nhựa màu trắng hoặc đá nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản.

Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện nhận định: “Khố chì là trang phục cổ truyền đặc trưng của người Cơtu mà không một dân tộc nào ở Việt Nam có được, chúng xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng của người Cơtu như một lời cầu nguyện tâm linh bởi họ quan niệm chì là một vật phẩm phong thủy có thể trừ bệnh tật. Rất tiếc, việc “chế tác” ra khố chì đã dừng lại từ hơn nửa thế kỷ nay”.

Vừa qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã xây dựng Dự án Khôi phục và Tư liệu hóa kỹ thuật dệt vải của người Cơtu ở miền Trung Việt Nam, trong đó chú trọng đến kỹ thuật làm các hạt chì để đính trên khố - áo. Tuy nhiên, theo anh Thiện, khi đoàn công tác đến khảo sát thì mới hay người nắm kỹ thuật chế tác hạt chì đã qua đời từ lâu và không còn truyền nhân. Mày mò đi tìm “bí mật” của người xưa, một người thử nấu chì rồi nhỏ từng giọt vào nước thì chỉ được những hạt chì đặc ruột. Người khác cán lá chì thật mỏng, cuốn lại thành hình trụ tròn có đường kính tiết diện bằng đường kính hạt chì rồi cắt ra thành từng hạt nhỏ; tuy nhiên những “hạt chì” này vẫn còn mí nối và gây vướng víu khi kéo sợi chỉ qua để đính lên khố.  
Người Cơtu có tục chia của cho người chết. Vì thế, khố, gùi cứ lần lượt “đội nón” theo về nhà mồ cùng với người chết. Gùi các loại thì còn có thể khôi phục được, chứ khố như khố chì thì bí mật làm hạt chì đã “bị” nghệ nhân mang xuống đáy mộ. Đây là một mất mát lớn về di sản văn hóa dân tộc khi người Cơtu ở Việt Nam hiện có khoảng 55 nghìn người, tập trung ở miền núi phía Tây Quảng Nam và Tây Đà Nẵng.

Dạo quanh một vòng qua khu trưng bày các làng nghề xứ Quảng ở bảo tàng, không khỏi chạnh lòng khi thấy một số nghề xưa có nguy cơ mai một, một số đã thất truyền. Nhìn mô hình một phụ nữ Cơtu ngồi lặng lẽ bên khung cửi dệt, bất giác nhớ đến hình bóng ông đồ già ngồi cho chữ trong câu thơ của Vũ Đình Liên: Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?...

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.