.

Người khắc khoải với vốn văn hóa Cơtu

.

Dưới những tán rừng nhiệt đới, hàng vạn đồng bào Cơtu ở tỉnh Quảng Nam  còn gìn giữ được một kho tàng văn hóa khá đồ sộ. Và tất nhiên, những nghệ nhân, những già làng luôn là người nắm giữ kho tàng văn hóa ấy.

Ở xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam, có một nghệ nhân mà người Cơtu Quảng Nam luôn xem ông như là kho sách về văn hóa Cơtu. Sau nhiều năm chiến đấu và xây dựng vùng cao Quảng Nam, bây giờ ông dành tất cả tâm huyết để gìn giữ gia sản văn hóa Cơtu.

Y Công thổi tù và. Ảnh: Đ.V
Y Công thổi tù và. Ảnh: Đ.V

Xã Ba - nơi mà nghệ nhân Y Công sinh sống được xem là làng Cơtu vùng thấp.  Không còn đi rẫy, hằng ngày, ông thường chạm trỗ các tượng nhà mồ. Người Cơtu là những nghệ nhân rất tài hoa trong nghệ thuật tạo hình. Tiếc rằng, các kiểu kiến trúc truyền thống đã bị mai một khi các nghệ nhân lần lượt qua đời. Khi tạc những bức tượng, nghệ nhân Y Công như ngược dòng thời gian trở về ký ức xa xưa…

Nghệ nhân Y Công tên thật là Nguyễn Văn Dư, tham gia cách mạng khi còn thiếu niên. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc sau đó ông bí mật trở về hoạt động ở miền tây Quảng-Đà. Ông ngược lên Tây Nguyên hoạt động nên mới có bí danh Y Công. Đất nước thống nhất, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ, trong đó chức vụ Chủ tịch UBND huyện Hiên cho đến năm 1986. Về hưu nhưng ông tiếp tục đảm nhiệm chức vụ chủ tịch xã Ba thêm 2 nhiệm kỳ. Người Cơtu ở đây bảo, già Y Công là người không bao giờ để đôi chân nghỉ ngơi. Rừng bây giờ cũng đã mất dần, cấu trúc làng Cơtu cũng dần thay đổi. Ông lo sợ một ngày không xa, những ngôi nhà moon truyền thống sẽ xa lạ trong mắt mọi người. Ông đã mang tất cả số tiền dành dụm cả đời để dựng ngôi nhà moon truyền thống ở vườn mình. Đó chính là không gian sống, không gian sinh hoạt của vợ chồng ông.

Mỗi khi tiếng đàn vang lên, vợ chồng nghệ nhân Y Công thật sự được sống trong mái ấm của gia đình đích thực người Cơtu xưa. Nếp nhà truyền thống của người Cơtu đang bị chuyển hóa theo thời gian. Ngôi nhà này bây giờ trở thành một bảo tàng đúng nghĩa của gia đình và của dân làng. Mọi thứ trong ngôi nhà này đều do ông chế tác nên. Tâm nguyện của người nghệ nhân ngoài 80 này là làm sao bảo tồn được vốn văn hóa dân tộc Cơtu.

Già Y Công không chỉ là nghệ nhân sáng tạo, truyền dạy mà ông còn là chủ nhân của bộ sưu tập về nhạc cụ Cơtu. Tất nhiên là ông sử dụng rất thành thạo nhiều nhạc cụ. Ai cần, ông sẵn lòng dành thời gian để chế tác cho mọi người.

Thời bùng nổ công nghệ giải trí, người dân dành thời gian trước màn hình ti-vi nhiều hơn. Nhưng ở đây, tối tối, người Cơtu thôn Tống Cói lại đến nhà nghệ nhân. Họ đến để nghe ông nói chuyện làng, nghe ông đánh đàn. Mỗi câu chuyện là một thông điệp mà ông muốn gửi đến con cháu người Cơtu. Điều thú vị là trong những người tìm đến với ngôi nhà moon có cả những người ở dưới xuôi lên.  Những cuộc nói chuyện cứ kéo dài, lửa sắp tàn nhưng chẳng ai muốn ra về. Tiếng sáo của già làng Y Công vẫn còn  đủ sức níu chân mọi người.

Ngoài tuổi 80, những cơn đau của người lớn tuổi tưởng chừng như quật ngã nghệ nhân Y Công. Nhưng thêm một lần nữa ông chiến thắng bệnh tật. Sức mạnh và niềm tin là nguồn năng lượng lớn để lời ca tiếng hát ông còn vang xa.

Những năm qua, núi rừng Trường Sơn trở thành địa chỉ du lịch với du khách quốc tế. Họ khám  phá đại ngàn, khám phá những ngôi làng Cơtu và bỗng nhiên, ngôi nhà của nghệ nhân Y Công trở thành địa chỉ mà du khách thường đến. Không có trên bản đồ du lịch, vậy mà như du khách không bỏ qua điểm tham quan hấp dẫn này. Họ đến đây để gặp gỡ một con người là chủ nhân của kho tàng văn hóa rừng Trường Sơn. Ông rất hạnh phúc vì đây là cơ hội để ông giới thiệu vốn văn hóa Cơtu với du khách quốc tế. Ngôn ngữ bất đồng song qua hiện vật và nét tài hoa của nghệ nhân, du khách như bị cuốn hút. Không chỉ được tham quan thưởng lãm, những người đến từ  Phương Tây xa xôi còn muốn thưởng thức những món ăn Cơtu do ông bà Y Công làm đãi khách.

Dưới góc nhìn của ngành du lịch, văn hóa là đối tượng quan trọng để khai thác du lịch. Nếu giữ gìn vốn văn hóa truyền thống, miền núi Quảng Nam là địa chỉ du lịch hấp dẫn để khám phá Trường Sơn. Nghệ nhân Y Công không những bận tâm với cuộc sống, những năm qua, ông chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của mình đó là về với mẹ rừng. Ông tự tay làm chiếc quan tài độc mộc. Tất cả những hoa văn, họa tiết được chạm trỗ trên quan tài phản ánh sinh động đời sống văn hóa Cơtu. Ông bảo rằng, đây là tác phẩm nghệ thuật cuối ông dành riêng cho mình…

ĐỖ VINH

;
.
.
.
.
.