.

Nhà trẻ nội trú ở Trung Quốc

.

Quan hệ gia đình luôn được đề cao ở Trung Quốc nhưng hàng nghìn phụ huynh đang gửi con cái của mình khi chúng chỉ mới lên 3 vào các nhà trẻ nội trú. Vì sao vậy?

Các em nhỏ đang chơi một mình trong nhà trẻ nội trú.
Các em nhỏ đang chơi một mình trong nhà trẻ nội trú.

Kelly Jiang chạy vụt vào lớp học của mình và chỉ ngoái đầu lại nói “Tạm biệt ba mẹ”. Khi ba mẹ Jiang chào đáp lại thì cô bé mới hơn 3 tuổi này đã sà vào chuyện trò với bạn bè và cô giáo. Không hề có nước mắt, không cần vỗ về và không lưu luyến chia tay, dù Jiang sẽ phải xa ba má tới 4 ngày nữa.

Jiang là một trong số 24 trẻ em 3-4 tuổi được gửi vào trường nội trú ở Thượng Hải từ sáng thứ hai cho tới chiều thứ sáu. Các em chơi, học, ăn và ngủ với nhau trong căn phòng rực rỡ màu sắc suốt cả tuần và chỉ về với ba má vào những ngày cuối tuần. Trường nội trú trẻ nhỏ đang phát triển rầm rộ ở Thượng Hải, Bắc Kinh và những thành phố lớn khác của Trung Quốc. Con số chính thức chưa được thống kê nhưng ước tính có tới hàng nghìn trẻ em 3-4 tuổi ở nhà trẻ nội trú trên toàn Trung Quốc.

Xi Jing đang quản lý nhà trẻ nội trú Kangqiao ở Thượng Hải cho biết có một vài lý do khiến phụ huynh gửi con vào đây. Thứ nhất, giúp cho trẻ em làm quen với sự độc lập. Thứ hai, các phụ huynh quá bận rộn với công ăn việc làm nên không có thời gian chăm sóc con cái. Thứ ba, nhiều gia đình có cả ông bà nội ngoại ở chung nên nhiều phụ huynh lo ông bà vất vả và chiều cháu quá có thể làm chúng hư hỏng.

Với bé Jiang, lý do thứ nhất đã đưa em vào nhà trẻ nội trú. Ba của em là nhà tư vấn đầu tư, má em chỉ ở nhà nội trợ. Họ thuộc tầng lớp khá giả nên đủ chi phí 1 nghìn USD mỗi tháng cho con ở nhà trẻ nội trú. Ba của bé Jiang tỏ ra thích thú khi cho biết con ông trở nên độc lập hơn và các kỹ năng sống ngày càng tốt hơn bởi trẻ em giờ đây cần học tính độc lập nhiều hơn để dễ thích nghi với cuộc sống bận rộn và di chuyển nhiều. Bé Jiang thậm chí còn thích ở trường nội trú hơn ở nhà với ba má.

Tuy nhiên, nhà tâm lý học Han Mei Ling chỉ trích hình thức nhà trẻ nội trú. Bà cho rằng trẻ em cảm thấy bị bỏ rơi quá sớm. Chúng còn quá nhỏ để tự xoay xở trong cuộc sống và chúng không được sống trong tình yêu thương của gia đình. Bà Han cho rằng trong xã hội mà niềm tự hào của một gia đình dựa vào sự thành công hay thất bại của một đứa trẻ đã trở thành sức ép khiến phụ huynh đẩy con cái vào nhà trẻ nội trú. Bà liên tục đưa ra lời khuyên phụ huynh hãy dành thời gian để chăm sóc tại nhà để nuôi dưỡng tình yêu gia đình và truyền thống văn hóa.

A.T (Theo BBC)

;
.
.
.
.
.