Cách đây hơn 5 năm, có lần đến nhà anh bạn là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Nhơn, Hòa Vang, tôi thấy một cây lạ mọc um tùm bên giếng nước. Chủ nhà cho biết đây là “vị cứu tinh” chữa bệnh đau dạ dày (do uống nhiều rượu) trong những năm dạy học ở miền núi Tây Giang, nên “cây thuốc của đồng bào dân tộc đã theo thầy giáo về xuôi”. Chỉ cần rửa sạch và nhai sống vài ba lá tươi với một hạt muối là cắt cơn đau liền.
Cây Xăng-sê (Sanchezia speciosa). Ảnh: P.C.T |
Một lần khác, tại một buổi tiệc cuối năm, tôi gặp cậu em ruột của ông anh cột chèo với tôi, cho biết anh bị viêm loét dạ dày, bệnh viện xét nghiệm nhiều lần, xác định là do vi khuẩn Helicobacter Pylory, nhưng “uống thuốc mấy năm trời tốn hàng đống tiền” vẫn không khỏi, sau nhờ ông bố vợ đi buôn ở miền núi đem về một cây thuốc của đồng bào dân tộc (tôi được cho xem mẫu đúng là cây thuốc nói ở trên), chỉ cần lấy vài lá tươi rửa sạch ăn với chút muối, dùng một thời gian, thế là khỏi hẳn. Kinh nghiệm này đã được một cán bộ ở Chi cục Thuế Hòa Vang có mặt trong buổi tiệc xác nhận là đúng và cho biết đã mách miệng nhiều người dùng, phần lớn đều khỏi bệnh.
Tôi đã gửi mẫu cây thuốc đó cho TS.Võ Văn Chi - tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam để định danh. Thầy Chi trả lời: “Vì cây chưa có hoa nên khó xác định chính xác. Nhưng căn cứ vào màu lá, gân trắng ở giữa và ở cả 2 bên, có thể là Sanchezia speciosa (tạm phiên âm là cây Xăng-sê) thuộc họ Ô rô - Acanthaceae. Hiện chưa có tài liệu về việc sử dụng các loài Sanchezia làm thuốc”.
Rất may, trong đợt đi tìm thuốc nam vào đầu năm 2011, khi đến Thoại Nam Phật đường ở Duy Xuyên, tôi gặp lại cây này trong vườn chùa đang trổ hoa. Một cô ở chùa cho biết nhờ cây này mà có người em đau dạ dày và đại tràng triền miên, chữa đông tây nam bắc đủ thứ không khỏi, nay đã đỡ hẳn mấy năm nay. Hỏi cách dùng, ngoài việc ăn sống còn có thể sắc lá khô thay nước chè uống hằng ngày.
Tấm ảnh cây thuốc đang ra hoa đã thành “căn cước” để tôi kết luận chính xác là cây Sanchezia speciosa mà thầy Chi đã nghi ngờ. Và đúng như thầy Chi nói, chúng tôi tra cứu trên mạng tiếng Anh, tiếng Hoa đều thấy cây này trong danh mục cây cảnh, nhưng chưa thấy ở đâu nói đến làm thuốc.
Tình cờ khi đang viết dở bài này, một thạc sĩ ở Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, đến nhà tôi cho biết từng được một người mách và cho cây thuốc về trồng lấy lá ăn sống chữa hết chứng viêm đại tràng mạn tính. Tôi liền lấy ảnh cây Xăng-sê cho xem và được vị giảng viên vốn là bác sĩ ngoại khoa nhưng rất đam mê thuốc nam này xác định đúng cây thuốc đã dùng.
Thiết nghĩ, rất có thể cây Xăng-sê là cây thuốc mới chữa bệnh đường ruột khá hiệu quả, mong các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu kết luận về tính năng chữa bệnh của cây này để bổ sung kho tàng tri thức về cây thuốc của loài người.
PHAN CÔNG TUẤN