Cho dù ít được nhắc tới, nhưng nhà văn Thanh Châu là một gương mặt độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại. Chỉ riêng việc khơi mào cho huyền thoại T.T.Kh (*) dệt nên những bài thơ tình bất tử từ cảm hứng truyện ngắn Hoa ti gôn nổi tiếng của ông, sự nghiệp văn chương đầy thăng trầm của Thanh Châu cũng tồn tại theo thời gian.
Gia nhập đội ngũ Tiểu thuyết thứ bảy
Nhà văn Thanh Châu |
Nhà văn Thanh Châu tên thật Ngô Hoan quê gốc Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhưng ông lại chào đời ngày 17-9-1912 tại thị xã Thanh Hóa và phần lớn cuộc đời gắn bó đất Hà thành. Tỉnh Thanh Hóa là quê ngoại của ông, đồng thời cũng là địa chỉ liên quan đến “người con gái tỉnh Thanh” trong thơ tình T.T.Kh.
Say mê văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đến những năm 1930 ông ra Hà Nội sinh sống và bắt đầu “nhập” vào làng bút. Rất sung sức, tác phẩm của Thanh Châu xuất hiện thường xuyên trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy, Đông Tây, Trung Bắc tân văn, Ngọ báo, Nam Cường, Tao đàn, Phổ thông,... Trong đó, ông cộng tác Tiểu thuyết thứ bảy lâu nhất. Mười năm. Tuần báo này đã tập hợp được nhiều cây bút có tiếng, về sau đều tham gia hoạt động cách mạng cứu nước.
Trong một lần trò chuyện với tôi, nhà văn Thanh Châu cho biết: “Trước Cách mạng Tháng Tám, người viết hình như ít chú ý đến chính trị, cho nên mới bạo tay thích gì viết nấy, theo sự thôi thúc, theo cảm hứng riêng trước cuộc sống. Trừ những người đã được giác ngộ, đã ở trong các tổ chức cách mạng bí mật hay công khai. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp viết chuyện “đi chùa Hương” của một cô gái thời trước. Nhà thơ Phạm Huy Thông lấy tích “Hạng Võ thất bại trên sông Ô” làm nguồn cảm hứng. Vũ Bằng ghi lại chuyện cai thuốc phiện, sau khi thoát khỏi nạn ma túy.
Lan Khai thạo “chuyện đường rừng” nhờ lúc còn sinh sống ở vùng cao. Nói chung, mục đích viết của số đông thời ấy là vì “nợ cơm áo”, ngoài ra còn vì cái thú văn chương “thuần túy”. Cho mãi đến khi có cuộc tranh cãi về “Nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh” do ông Hải Triều phát động, mới làm cho mọi người để tâm suy nghĩ. Tiếp sau đó, đi vào kháng chiến, được học tập chính trị, được thực tế của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, sát cánh cùng nông dân, bộ đội trong gian lao thử thách hằng ngày, nhà văn mới thấy cần thay đổi cách sống, cách viết, cách nhìn khác”.
Thanh Châu với Nguyễn Công Hoan viết cho Tiểu thuyết thứ bảy từ những số đầu tiên vào năm 1934, kế đến là Nguyễn Tuân năm 1935, rồi tới Nam Cao, Bùi Hiển, Tô Hoài, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Kim Lân, Vũ Bằng,... Truyện ngắn đầu tay Bó hoa quá đẹp của ông đã đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy khi tuần báo này vừa ra đời, kế sau truyện ngắn Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Ông thổ lộ: “Nhà thơ Huy Cận đọc truyện này từ khi còn là học sinh Quốc học Huế. Về sau gặp nhau ở Hội Nhà văn Việt Nam, anh vẫn hay gọi đùa tôi bằng cái tên truyện Bó hoa quá đẹp. Cũng ngay trong năm 1934 đáng nhớ ấy, Bó hoa quá đẹp cùng một số truyện ngắn khác được tập hợp in thành tập Trong bóng tối, tác phẩm đầu tiên của tôi do Trung Bắc tân văn xuất bản”.
Thanh Châu “vẫn nguyên vẹn dư âm”
Miền Bắc giải phóng, nhà văn Thanh Châu về báo Văn Nghệ ngay từ số đầu, làm phóng viên, biên tập lẫn trình bày. Sau đó vì hệ lụy vụ Nhân văn giai phẩm, ông lui về nghỉ hưu non. Tuy vậy, cái nghiệp viết lách vẫn không rời ông. Thỉnh thoảng cái tên Thanh Châu lại xuất hiện, nhưng với tư cách nhà báo viết về phong trào xây dựng kinh tế miền núi, lâm nghiệp, thủ công nghiệp,... Thanh Châu - nhà văn dường như đã thuộc về quá khứ. Những bạn đọc yêu mến nhà văn Thanh Châu muốn “gặp” tác giả của mình trên trang viết phải chịu khó quay về những tác phẩm in từ trước năm 1945. Về tiểu thuyết, có thể kể: Cái ngõ tối, Cùng một ánh trăng, Tà áo lụa, Bóng hình người xưa,...
Năm 1991, Cái ngõ tối được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho tái bản. Đọc lại tác phẩm này, nhà văn Bùi Hiển - bạn văn cùng thời với Thanh Châu, đã viết: “Mặc dù viết đã nửa thế kỷ, đến nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn dư âm”. Và không chỉ Cái ngõ tối mà nhiều tác phẩm khác của Thanh Châu, theo tôi, dù trải qua bao thăng trầm như chính cuộc đời tác giả, nhưng nó vẫn “giữ được nguyên vẹn dư âm”. Như nhà văn Tô Hoài đã viết trong Thay lời nói đầu ở tác phẩm văn học thiếu nhi Cún số 5 của Thanh Châu do Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản năm 1993: “Đọc lại những sáng tác trên của anh, tôi bỗng thấy được một thú vị riêng mà ngày trước không có. Ấy là tuổi người đọc thì cứ việc đổi lớp, nhưng cái gì nhà văn viết ra đã sống được theo năm tháng thì lại không có tuổi. Một sáng tác dẫu chỉ có ý định cho một lứa tuổi nào đó, nhưng khi đã thực sự có giá trị thì nhất định ai và bao giờ cũng phải thấy là hay”.
Về truyện ngắn, Thanh Châu thật sự là cây bút tài năng với nhiều truyện đặc sắc, giàu chất trữ tình, lãng mạn. Đặc biệt, truyện ngắn Hoa ti gôn đăng năm 1937 của ông đã trở thành một sự kiện, khi nó khơi mào cho một huyền thoại văn chương xung quanh cái tên T.T.Kh cùng những bài thơ bất tử, mà gần đây vẫn còn là đề tài sống động trên văn đàn. Và nếu như Hoa ti gôn là truyện ngắn “mở” thì Những cánh hoa tím (1939) là truyện ngắn “khép” nguồn cảm hứng cho những bài thơ tình T.T.Kh.
Nhìn lại đời văn gần một thế kỷ của mình, Thanh Châu chiêm nghiệm: “Nguyễn Tuân đời văn thành đạt, cuối đời vẫn hối tiếc đã tiêu phí mất nhiều ngày tháng cho các cuộc du hí chơi bời phù phiếm. Nhưng chính những cái tưởng là “phù phiếm” đó lại là kinh nghiệm sống, là vốn tích trữ của người cầm bút. Lưu Trọng Lư cuối đời viết Nửa đêm sực tỉnh cũng là ôn lại một mối diễm tình có thể duy nhất đời ông. Riêng tôi, tôi vẫn ước gì được “làm lại” cuộc đời, với những bài học tưởng khôn ngoan, với những kinh nghiệm ngọt ngào hay chua chát đã giúp mình vượt khó”.
Trong hai tác phẩm Thương nhớ mười hai và Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng đều nói về nhà văn Thanh Châu với những kỷ niệm văn chương thời tiền chiến. Nhớ về bạn văn quá cố, ông tâm sự: “Vũ Bằng vào quãng cuối của tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy mới về cộng tác như một cố vấn tin cậy của ông Vũ Đình Long chủ báo. Về nghề, đó là một thư ký tòa soạn giỏi, viết thầu cho nhiều tờ khác. Chúng tôi thường trao đổi việc đọc sách với nhau, theo dõi nhận xét những sáng tác có triển vọng của bạn viết gửi cho tờ báo mỗi ngày. Do đó thành thân hữu. Vũ Bằng là người ưa vật chất, sống như một trưởng giả, không tham gia kháng chiến, gần trọn đời viết trong vùng địch tạm chiếm. Vậy mà chả ai ngờ: ông là một chiến sĩ cách mạng nằm vùng. Cho nên hiểu rõ được một con người phải đâu là việc giản đơn”!
Những năm cuối đời nhà văn Thanh Châu rời Hà Nội vào sống với con trai ở TP. Hồ Chí Minh, lặng lẽ tìm gom bản thảo, tài liệu để làm tuyển tập và viết hồi ký. Tôi may mắn là một trong những bạn văn nhỏ gần gũi với ông, đưa ông đi thăm thú bạn bè, trước khi tiễn ông đến với “cái ngõ tối” cát bụi hư vô vào một chiều mưa tháng 5-2007. Nhà văn Thanh Châu ra đi mang theo cả bí mật về huyền thoại T.T.Kh mà ông đã góp phần dựng nên và cả đời không bao giờ chịu tiết lộ.
PHAN HOÀNG
(*) Tháng 7 năm 1937, tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy ở Hà Nội đăng truyện ngắn “Hoa ti gôn” của nhà văn Thanh Châu. Khoảng 2 tháng sau, thì tòa soạn nhận được một phong bì dán kín do một thiếu phụ trạc 20 tuổi, dáng bé nhỏ, thùy mị, nét mặt u buồn mang đến gửi cho chủ bút tờ báo trên, trong ấy chỉ vỏn vẹn có bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” (ký tên T.T.Kh): …Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/Trời ơi!Người ấy có buồn không/Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ/Tựa trái tim phai tựa máu hồng?...”. Sau khi bài thơ được đăng, vài nhà thơ đương thời đã sáng tác các bài thơ hưởng ứng như Cô gái vườn Thanh của Nguyễn Bính, Màu máu ti gôn của Thâm Tâm… Kể từ khi ấy, những lời đồn đại về T.T.Kh càng nhiều, và càng có thêm nhiều dị bản.