.

Tìm thấy 1.500 kiệt tác nghệ thuật

.

1.500 tác phẩm nghệ thuật - bao gồm những kiệt tác của các danh họa thế giới như Paul Klee, Picasso, Matisse, Chagall… bị tịch thu bởi Đức quốc xã và được xem như “mất tích” hơn 70 năm qua đã được cảnh sát Đức tìm thấy.

Schubert đang đánh đàn Piano - Tranh của Gustav Klimt  và Họa sĩ trên đường đi vẽ - Van Gogh tự họa.
Schubert đang đánh đàn Piano - Tranh của Gustav Klimt và Họa sĩ trên đường đi vẽ - Van Gogh tự họa.

Đó là một mẻ lưới cực kỳ lớn về tác phẩm nghệ thuật ước tính trị giá hơn 1 tỷ đô-la được phát hiện trong một căn hộ ở Munich vào mùa xuân năm 2011 trong một cuộc đột kích của cơ quan thuế ở Bavaria, nhưng lai lịch cũng như sự tồn tại của số tác phẩm đó chỉ mới đưa ra ánh sáng qua một bài báo trên tạp chí Focus, đồng thời nhà chức trách cùng cơ quan chuyên môn ở Đức vừa mới chính thức công bố vào đầu tháng 11 năm nay.

Những hình ảnh đã được tìm thấy khi cảnh sát hải quan bố ráp một căn hộ xuống cấp ở quận Schwabing Munich trong một cuộc điều tra đối tượng bị nghi ngờ trốn thuế. Căn hộ của Cornelius Gurlitt, người bị phát hiện lưu giữ tác phẩm bị đánh cắp, trông bẩn thỉu và ngột ngạt, với tất cả những cửa sổ đóng bít, cách ly với thế giới bên ngoài.

Khi cảnh sát đến, họ chỉ thấy một người đàn ông già, tóc bạc trắng, sống trong phòng tối giữa các loại rác thải như hộp nước ép trái cây, hộp xúc xích và gói bánh khô. Trong sự bừa bộn đó, áp dựa vào bức tường, xếp chồng lên nhau trên sàn nhà hay chĩa thòi ra từ những ngăn kéo, hộc tủ, hàng trăm bản phác thảo cũ, tranh vẽ và tranh khắc bản in. Tất cả được lộ rõ dần ra những tác phẩm mà người ta cứ nghĩ rằng đã bị hư hại vì chiến tranh từ 70 năm trước. 1.500 tác phẩm bao gồm của các họa sĩ nổi tiếng như Picasso, Chagall, Matisse, Renoir và Munich hay các tác phẩm hiện đại của các tác giả trong nước Đức như Otto Dix, Franz Marc và Ernst Ludwig Kirchner. Nhà “bảo vệ” các tác phẩm bị đánh cắp đó, ông Cornelius Gurlitt, bấy giờ 79 tuổi, ngồi bình thản trong phòng ngủ của mình và im lặng.

Thanh trừng “Nghệ thuật hoái hóa”của chủ nghĩa hiện đại, ấn tượng và lập thể - do Adolf Hitler và Bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels (bên trái) thực hiện tại Berlin vào năm 1939. (Ảnh: Bettmann/ Corbis)
Thanh trừng “Nghệ thuật hoái hóa”của chủ nghĩa hiện đại, ấn tượng và lập thể - do Adolf Hitler và Bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels (bên trái) thực hiện tại Berlin vào năm 1939. (Ảnh: Bettmann/ Corbis)

Việc phát hiện ra trong một căn hộ ở Munich với 1.500 tác phẩm nghệ thuật đặt ra câu hỏi mới về thái độ của Đức quốc xã đối với nghệ thuật hiện đại mà họ căm ghét. Nơi đây, Adolf Hitler đã gặp Bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels ăn trưa để thảo luận về một cuộc triển lãm nghệ thuật hiện đại mang tên “Nghệ thuật thoái hóa-lạc hậu” để chế giễu châu Âu.

Số tác phẩm này xuất xứ từ hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật bị Đức quốc xã cho là “thoái hóa-lạc hậu” rồi họ tước đoạt từ các bộ sưu tập tư nhân hoặc tịch thu từ các phòng trưng bày trong giai đoạn 1930 đến 1940. Và còn nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị khác nữa cũng bị gọi là “thoái hóa” thu hồi từ các gia đình người Do Thái hoặc chủ sở hữu đã cố gắng chia nhỏ giá trị tác phẩm nguyên gốc ra rồi  sang tay bán chác trước khi chạy trốn đất nước. Do đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật vẫn còn mất tích nhiều thập kỷ sau đó.

Hiện nay, thân nhân của rất nhiều những gia đình có bộ sưu tập nghệ thuật đã bị Đức quốc xã tịch thu đang chờ đợi để tìm hiểu xem tài sản của họ trong số tác phẩm phát hiện kho tàng nghệ thuật ở Munich lần này - và đòi hỏi liệu họ có thể lấy lại được không. Một số nhà chuyên môn cho rằng những tác phẩm nên bàn giao lại cho chủ sở hữu ban đầu của họ - là cách xử lý tốt trong trường hợp này, một cách xử lý đạo đức đối với “hàng hóa bị đánh cắp”. Tuy nhiên, ông Julian Radcliffe, người điều hành công việc ghi chép, kiểm kê và lưu giữ tác phẩm vừa được tìm thấy cho rằng sự phát hiện này “rất đáng khích lệ nhưng có hàng chục ngàn tác phẩm nghệ thuật ở đây vẫn đang còn tranh cãi về nguồn gốc, giá trị hay quyền sở hữu của từng tác phẩm, vì vậy, đây thực sự chỉ là công việc đi tìm một giọt nước trong đại dương”.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.