.

Văn hóa đọc thời hiện đại

.

Trong nhiều diễn đàn văn hóa gần đây, các nhà nghiên cứu bày tỏ quan ngại về văn hóa đọc truyền thống sẽ không còn nữa mà thay vào đó là văn hóa đọc hiện đại. Sự xuất hiện công nghệ số đã cho phép người đọc tiếp cận thông tin, tri thức một cách dễ dàng.

Tại Hội thảo “Quản lý chất lượng sản phẩm văn hóa qua công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật” do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11 vừa qua,  một đại biểu là Tổng biên tập một tờ báo điện tử (xin được giấu tên) cho rằng: “Bản thân tôi không còn hứng thú với đọc sách, báo bằng văn bản giấy nữa; bởi tất cả những gì ông cần thì chỉ dùng một “click” chuột máy tính, “giáo sư Google” sẽ đưa ra hàng vạn thông tin để người tìm kiếm lựa chọn và đọc. Tôi nghĩ, sự tồn tại của hệ thống các thư viện cũng phải tính đến có cần thiết phải mở rộng hay thu hẹp”.

Tác giả bài viết tại thư viện Đại học Marshall Hoa Kỳ.
Tác giả bài viết tại thư viện Đại học Marshall Hoa Kỳ.

Mới nghe qua, quan điểm này có vẻ hợp lý nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng thì chưa thể thuyết phục. Ở các quốc gia công nghệ số và công nghệ điện tử hiện đại bậc nhất thế giới như Mỹ, Nhật, Singapore, chúng ta vẫn thấy có các hệ thống thư viện đồ sộ tồn tại và phát triển. Các thư viện được chính phủ yêu cầu làm việc gần như liên tục 24/7 để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của tất cả các đối tượng.

Thư viện không chỉ là nơi cho mượn sách tham khảo mà cả sách giáo khoa. Người đến thư viện cũng hiểu rằng, không gian  nơi đây thuận lợi cho việc lĩnh hội tri thức và sáng tạo. Hệ thống băng thông rộng trang bị cho thư viện được ưu tiên ngang hàng với các dịch vụ công của Chính phủ và bệnh viện. Hệ thống các thư viện trong nước được kết nối điện tử với nhau và người đọc có quyền lựa chọn mượn trong hệ thống các thư viện có liên kết.

Thế giới hiện đại đang báo hiệu sự chuyển đổi của báo in sang báo kỹ thuật số cũng làm cho nhận thức về văn hóa đọc của nhiều nước thay đổi. Đây là cuộc cạnh tranh không chỉ về kinh tế mà còn làm thay đổi nét văn hóa, thói quen đọc sách của cả nhân loại. Tuy nhiên, trước nguy cơ mai một văn hóa đọc, các thư viện chỉ khuyến khích đọc báo và tạp chí trên phương tiện điện tử để thu thập và cập nhật thông tin; còn việc nâng cao tri thức, bồi dưỡng chuyên ngành hoặc nghiên cứu vẫn không thể thoát khỏi việc đọc văn bản giấy. Trên giao diện kỹ thuật số, các thư viện chỉ giới thiệu tóm lược các tài liệu, còn nếu người đọc quan tâm đến tài liệu đó thì vẫn phải chọn mượn văn bản giấy.

Văn hóa đọc ở các nước phát triển còn được rất nhiều người đọc ý thức phổ biến trong cộng đồng. Hầu hết các sách cũ đều được bán lại trên mạng hoặc ở nhà sách với giá chỉ bằng 1/10 giá sách mới, để ai cũng có cơ hội được đọc sách. Các nhà sách cũng có khu vực đọc sách và khu vực giới thiệu sách mới để định hướng, giới thiệu và phục vụ công chúng. Trên các chuyến xe buýt hay tàu điện, chúng ta vẫn bắt gặp rất nhiều bạn trẻ đọc tiểu thuyết, đọc sách mặc dù cũng có nhiều người đọc trên các phương tiện điện tử như điện thoại di động, Ipad, hay sách điện tử Kindle.

Bậc tiểu học ở Mỹ, văn hóa đọc hình thành bắt đầu từ việc khơi dậy sở thích đến phát triển kỹ năng đọc. Thư viện của các trường khuyến khích các em đọc sách theo các giờ rèn luyện kỹ năng đọc hằng tuần. Các em được lựa chọn lĩnh vực và tác giả mình yêu thích để đọc. Sau khi hoàn thành đọc sách in, các em được vào hệ thống thư viện điện tử để làm bài kiểm tra đọc hiểu đánh giá khả năng lĩnh hội và nêu lên cảm nhận của mình. Số điểm được tích lũy tùy theo khả năng lĩnh hội, tùy theo cuốn sách trình độ cao hay thấp và phụ thuộc vào số đầu sách các em đã đọc trong 1 học kỳ. Những em có số điểm cao sẽ được thưởng bằng những chuyến tham quan rất bổ ích và giá trị cùng với gia đình. Vậy là em nào cũng hứng thú với việc đọc sách và từ đó thói quen đọc sách hình thành.

Chúng ta không nên đổ lỗi vì thời đại kỹ thuật số đã làm hỏng đi văn hóa đọc truyền thống mà phải xét lại các khía cạnh của văn hóa đọc chúng ta đã làm tốt hay chưa.  Trong đó bao gồm ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước thể hiện ở những chính sách, đường lối nhằm tạo ra hành lang pháp lý phát triển các tài liệu đọc (bao gồm phát triển nền công nghiệp sách) có chất lượng, phù hợp với túi tiền của người dân. Ứng xử của cộng đồng xã hội là các hội nghề nghiệp phát huy truyền thống tôn vinh người viết sách, người truyền thụ kiến thức, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng đọc. Và sau cùng là ứng xử của mỗi cá nhân trong  việc hình thành thói quen đọc sách ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Văn hóa đọc chính là nền tảng của một xã hội học tập và cũng là yêu cầu, thách thức của xã hội hiện đại. Chúng ta không thể xây dựng và phát triển một nền kinh tế tri thức nếu không xây dựng một xã hội ham học. Một cuộc điều tra xã hội học về văn hóa đọc trên địa bàn thành phố hiện nay là rất cần thiết để làm cơ sở cho việc phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng khẳng định: “Tôi có một niềm tin vào văn hóa đọc ở nước ta, cầm tờ báo in để đọc vẫn có những thú vị riêng của nó. Đà Nẵng tự hào vì trong điều kiện khó khăn vẫn nỗ lực để đầu tư xây dựng một thư viện nhằm tạo nên không chỉ đơn thuần là một kho sách lớn mà còn là một không gian đọc để đời vừa sôi động vừa tĩnh lặng...”.

THU PHƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.