.

Chống tội phạm bằng điện thoại và mạng xã hội

.

Tỷ lệ tội phạm tăng cao nhưng người dân không tin vào khả năng kiểm soát tội phạm vì thế họ sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ, tăng cường an ninh.

Lực lượng an ninh đầy đường ở Mexico nhưng tội phạm vẫn hoành hành.
Lực lượng an ninh đầy đường ở Mexico nhưng tội phạm vẫn hoành hành.

Báo cáo của Chương trình phát triển LHQ năm 2013 cho biết tội phạm tăng mạnh trong thập niên vừa qua với tỷ lệ giết người ở Nam và Trung Mỹ cao gấp bốn lần so với tỷ lệ trung bình của thế giới năm 2011, tức vào khoảng 29/100.000 người. Ở châu Mỹ Latinh, tỷ lệ tội phạm tăng gấp sáu lần so với những nơi khác. Đây cũng là nơi mà phần lớn người dân không tin rằng chính quyền đủ sức ngăn chặn tội phạm. Một số cộng đồng đã sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ tăng cường an ninh cho nhau.

Cũng trong báo cáo này, tốc độ phát triển Internet ở châu Mỹ Latinh tăng gấp 13 lần trong thập niên vừa qua, giúp cho các cộng đồng có sự thay đổi về cách truyền tải thông tin tội phạm bằng cách nặc danh (nhằm tránh khả năng bị trả thù), chia sẻ thông tin về các điểm đen tội phạm, thúc đẩy các cộng đồng đưa ra chính sách và tổ chức phản đối đòi hỏi chính quyền phải có kế hoạch bảo vệ an ninh tốt hơn.

Chính phủ của nhiều nước như Brazil, Mexico và Argentina có rất nhiều nỗ lực trong những năm qua để tăng cường sức mạnh của các biện pháp chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, nhưng vẫn không tạo đủ niềm tin cho người dân. Trong năm 2010, Argentina đầu tư 250 triệu USD cho cảnh sát, thiết lập 5 trạm nhận cuộc gọi khẩn cấp với cam kết trả lời điện thoại trong vòng 15 giây và lắp đặt 1.200 camera giám sát ở thủ đô Buenos Aires. Tới cuối năm 2011, cảnh sát được yêu cầu đóng chốt 24/24giờ ở những điểm nóng. Tuy nhiên, người dân vẫn không tin. Florestano, 32 tuổi cho biết anh đã bị cướp 4 lần trong 10 năm qua, em rể của anh sống sót sau một vụ tấn công bằng súng, đã nói một cách bất mãn: người dân rất khó yên tâm bởi phần lớn đều từng bị cướp. Một báo cáo tội phạm ở Mexico năm 2012 cho thấy có tới 92% tội phạm không được báo cáo. Trong vài năm gần đây, đã có 4 blogger bị giết chết vì thông tin chi tiết về tội phạm.

Chính vì thế, người dân đã cùng nhau liên kết sử dụng điện thoại thông minh và các mạng xã hội để bảo vệ tính mạng. Mạng truyền thông xã hội Basta de Inseguridad thường xuyên phản đối chính sách nghèo nàn của chính phủ Argentina. Trong khi ở Ciudad Juárez, Mexico, một trong những thành phố tội phạm hàng đầu thế giới, mọi người thông tin về các tổ chức tội phạm bằng điện thoại thông minh. Họ nhắn tin hay gọi điện cho nhau để cảnh báo về tội phạm. Các trang blog cá nhân, trang mạng xã hội như Twitter, Facebook đã giúp phá vỡ sự im lặng. Chẳng hạn như có một blog thu hút 1.400 lượt người truy cập và 4.000 lượt xem mỗi ngày khi tiết lộ những thông tin về buôn bán ma túy ở Mexico. Nhiều người dân còn đưa ra đề xuất gom tiền để cho các chủ nhân blog, trang mạng xã hội chuyên tâm vào công việc truyền tải thông tin tội phạm lên mạng Internet để người dân nắm bắt ngày một rộng rãi hơn.

ANH THƯ (Theo Guardian)
 

;
.
.
.
.
.