Du học là giấc mơ của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Để hiện thực giấc mơ đó, người học phải vượt qua cửa ải ban đầu là có chứng chỉ IELTS tầm “6 chấm”, “7 chấm”.“Món” này thường khó “nuốt”, nhưng đã muốn du học thì không thể không “xơi”.
Kha từng đạt 8.5 IELTS (thứ hai từ phải sang) bên bạn bè trong ngày tốt nghiệp đại học. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
“Nghiến răng” học
Các thầy cô dạy tiếng Anh và cả người học IELTS thường diễn tả như vậy khi nói về quá trình nỗ lực học tập để đạt điểm số tốt trong kỳ kiểm tra IELTS.
IELTS hay International English Language Testing System là hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế nhằm đánh giá độ thông thạo sử dụng tiếng Anh của thí sinh trên toàn cầu, phục vụ cho mục đích làm việc, học tập và di cư phổ biến nhất trên thế giới. Hơn 8.000 tổ chức trên toàn cầu chấp nhận chứng chỉ IELTS, bao gồm các tổ chức chính phủ, học thuật và nghề nghiệp. Càng ngày, số bạn trẻ học IELTS càng nhiều, và việc đạt kết quả khá trở lên trong kỳ thi IELTS chẳng khác nào họ có được chiếc “passport” để sang nhiều quốc gia khác thỏa ước mơ học tập.
Bài kiểm tra IELTS thường diễn ra trong vài giờ đồng hồ và đòi hỏi thí sinh thông thạo tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Để hoàn thành tương đối bài thi trong khoảng thời gian ngắn ngủi, trước đó nhiều bạn phải bảo lưu chương trình học đại học trong nước, có bạn “chay tịnh” mấy tháng trời chỉ để nghĩ, ăn, ngủ với IELTS.
Vân, 19 tuổi, một học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được chuyển thẳng ĐH Sư phạm Đà Nẵng (năm học 2013-2014). Ngồi ở giảng đường chưa được bao ngày thì Vân đã xin bảo lưu chương trình sư phạm để dành toàn bộ thời gian học IELTS chuẩn bị đi du học. Qua 2 tháng đầu bỡ ngỡ với tiếng Anh, Vân đã dần quen và tỏ rõ sự tiến bộ. Không tiến bộ sao được khi Vân không còn quan tâm tới bất kỳ điều gì quanh mình, trừ ngoại ngữ.
T.M là một trường hợp khác cũng “nghiến răng” học. Đang tung tăng du học tại Úc, T.M nhớ lại cách đây hơn một năm bản thân đã “cày” như thế nào: “Đúng 3 tháng mình không nhìn thấy mặt trời và học quên ngày quên đêm”. Bù đắp cho nỗ lực của T.M là cô thi… một phát đạt liền 6.5.
Nói về những bạn dồn hết năng lượng cho kỳ kiểm tra IELTS, một cô giáo chuyên dạy kèm tiếng Anh cho biết, học như vậy là… thường và người học thường “rụng” vào tháng đầu tiên làm quen với IELTS vì cảm thấy không theo nổi khối lượng bài vở. Theo cô, ai cũng có thể học, kể cả người chưa từng biết tiếng Anh, nhưng với một điều kiện là phải luôn nỗ lực. Ngược lại, có người rất giỏi ở lĩnh vực chuyên môn nào đó nhưng vẫn không thể “nuốt” được bài IELTS nên phải bỏ dở giấc mơ du học.
Khó khăn là vậy, nhưng cứ nghĩ đến lúc được bước chân vào những ngôi trường top 50 thế giới, gặp gỡ những giáo sư vô cùng giỏi là nhiều bạn trẻ lại tràn trề động lực chinh phục IELTS.
Nhà giàu, nhà nghèo đi học
Ngoài sự cố gắng, kinh tế cũng là điều đáng bàn khi học IELTS. Học phí của môn này khá đắt đỏ và đôi khi rất vô chừng. Có trung tâm bao trọn gói toàn khóa học và thi tổng cộng 29 triệu đồng, kèm cam kết kết quả tối thiểu “6 chấm”, nếu không đạt sẽ trả tiền lui. Nhiều trung tâm khác đưa ra mức giá linh động theo từng khóa 3 tháng từ 7-8 triệu đồng. Tùy năng lực của mỗi người sẽ học một hoặc nhiều khóa mới đủ sức thi. Người học cũng có thể chọn giải pháp kèm 1 thầy 1 trò hay 1 thầy nhiều trò. Học kiểu này, dĩ nhiên học phí sẽ không thể rẻ hơn đại trà.
Từng có nhiều bạn trẻ được bố mẹ mời thầy giỏi kèm cặp với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. Không ít bạn thong thả học hết năm này qua năm khác với mục tiêu củng cố trình độ mà không màng chuyện tiền bạc mỗi tháng vài triệu đồng.
Học đã vậy, thi IELTS với “nhà giàu” đôi khi chỉ là cuộc thử sức để học hỏi kinh nghiệm chứ không hẳn là một đợt quyết thắng. Lệ phí thi hơn 3 triệu đồng/lần, nhưng có nhiều bạn thi đến… 8 lần hoặc 10 lần. Thi Đà Nẵng đến quen mặt, họ lại vào Sài Gòn, ra Hà Nội để thi khi nào đạt mới thôi.
Ngược lại, với người kinh tế eo hẹp, học và thi có khác. Các bạn này thường đặt mục tiêu sẽ học trong bao nhiêu tháng để lượng sức… tiền. Vì thế, họ học như nuốt từng chữ cô dạy và hoàn thành bài về nhà thường vượt số bài quy định. Trước khi quyết định thi, vì tiếc mấy triệu đồng lệ phí nên “nhà nghèo” quyết tâm làm một cú chắc thắng. Họ không cho mình cơ hội học kinh nghiệm từ hết lần thi thật này đến lần thi thật khác. Bù lại, hiện có nhiều bài thi thử trên mạng hay trong sách để thí sinh hình dung trước mức độ hoàn thành bài kiểm tra.
Một số khác không tốn một đồng học phí dù họ không nghèo nhưng có khả năng tự học cao. Làm thầy của chính mình, các bạn trẻ này vẫn vượt qua sự khốc liệt của bài thi IELTS một cách ngon lành.
“Mẹo” Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm của những bạn đã vượt qua kỳ kiểm tra IELTS và đang thực hiện giấc mơ du học tại Úc: Trần Hoàng Hạnh, chuyên ngành Kinh tế, Trường đại học New South Wales: Tìm đọc truyện, tiểu thuyết bằng tiếng Anh sẽ giúp tăng vốn từ vựng. Các đoạn đối thoại trong sách giúp ích trong phần thi nói. Đoạn tả cảnh hay lối viết logic theo văn phong phương Tây cho chúng ta hoàn thiện phần thi viết. Đọc sách là cách học ngoại ngữ nhẹ nhàng và thấm sâu. Trần Anh Tùng, chuyên ngành Tin học, Trường đại học New South Wales: Xem các kênh thông tin quốc tế như BBC, CNN, ABC… Giai đoạn đầu cảm thấy rất nản vì các phát thanh viên nói quá nhanh, nhưng chỉ sau một thời gian kiên trì, tập trung sẽ cảm thấy thú vị. Bên cạnh đó, nghe nhạc ngoại cho đến khi thông suốt được các đoạn rap nhanh thì đủ tự tin đi thi. Mình còn rèn luyện thói quen nghe và ghi lại chi tiết, cụ thể tất cả các bài nghe. Phạm Phương Kha (22 tuổi), học thạc sĩ tại Đại học Monash: Khi luyện tập bài viết với nói cần có người giỏi hơn mình kiểm tra lại. Trước khi thi chừng 2 tháng, nên tập trung học, canh thời gian đọc với viết như trong một kỳ thi thật. |
HƯỚNG DƯƠNG