Đó là những bài viết của những đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp dành cho một nhà giáo, được tập hợp thành một tập sách dày hơn 400 trang. Đó là những hồi ức về một trong những “lãnh tụ thanh niên” ở miền Trung Việt Nam vào thập niên 1960, trong phong trào tuổi trẻ các đô thị miền Nam Việt Nam.
Con người đã lưu cái bóng của chính mình khá sâu đậm lên suy cảm của tác giả các bài viết là một nhà giáo chỉ có bốn năm lên lớp, sau đó bị đứt khỏi ngành vì nhiệm vụ cách mạng; mãi đến 26 năm sau mới trở lại với lĩnh vực giáo dục… Mà trở lại theo cách khác: mở trường dạy học, tiếp tục thể hiện cái quan niệm sống xuyên suốt cuộc đời mình: Muốn làm cách mạng, phải học giỏi; học giỏi mới làm cách mạng tốt được.
Tên gọi của tập sách là Những chân trời khát vọng (*), có nghĩa là: đây không phải chỉ là những hồi ức, những kỷ niệm đối với một cá nhân, mà là sự thể hiện ước mơ hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, trong những năm tháng của phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam Việt Nam trước cái dấu mốc lịch sử 1975. Phong trào nhân dân yêu nước ấy là một hiện tượng đặc biệt và có lẽ là duy nhất trên toàn thế giới, trong lịch sử đấu tranh cho công cuộc thống nhất Tổ quốc: cuộc chiến kéo dài suốt 21 năm (1954-1975) giữa những người tay không tấc sắt chống lại kẻ thù có những vũ khí hiện đại nhất.
Tập sách gồm 33 bài viết; ở đây chỉ đơn cử một - hai ví dụ. Đó là sự dũng cảm và tinh thần bất khuất của Vũ Kỳ Nam, một thiếu niên mới 15 tuổi dù bị kẻ địch tra tấn dã man vẫn kiên quyết không khai báo với kẻ địch về “anh Hai” và đồng đội của mình. Đó là tâm tình của Tiến sĩ Sử học Phan Văn Hoàng, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh, khi nhớ lại 50 năm trước, lúc tham gia cách mạng: “Tục ngữ có câu: Bước đi đầu tiên thật quan trọng (It’s the first step that counts). May mắn cho tôi có anh Lê Phương Thảo trong những bước đi chập chững ấy”.
Ngoài những “chuyện cũ” (chỉ “lướt qua” một tí), thì chuyện mới - và - đang - là, có lẽ đáng nói hơn. Đó là những nhận xét và đánh giá của nhiều “tên tuổi”: các GS Trần Hồng Quân, Nguyễn Đại Hưng, Văn Đình Ưng, Nguyễn Minh Thuyết, Bửu Nam; các nhà giáo, nhà văn Trần Đại Vinh, Hoàng Phủ Ngọc Phan… Nhiều lắm, chỉ xin lược trích suy nghĩ của “ông già” Đỗ Đình Thọ, nguyên Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp: “Người viết bài này năm nay đã ở tuổi 83, với hơn 60 tuổi Đảng. Danh lợi không ham, phú quý không màng… Cũng chẳng viết để “tâng bốc” ai, hoặc “cầu cạnh” ai! Mà viết để trải lòng mình trước một con người thật, một tấm gương thật! Viết để sinh viên và thanh niên các thế hệ hôm nay và mai sau biết là: trong nhân dân ta, trong Đảng ta vẫn còn nhiều người có Tâm - có Tài và có Tình như anh Lê Công Cơ” và để “trong xã hội không còn “một bộ phận không nhỏ” vì cái thói ham tiền, háo danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ nghĩa đồng bào”…
Còn trong Lời tựa viết cho tập sách, nhà phê bình văn học Trần Hữu Tá đã bày tỏ: “Đọc xong, vẫn có một mong muốn: giá mà sớm có nhiều tập sách như thế - những tập sách rất cần cho thế hệ trẻ để khỏi lạt lòng với quá khứ oanh liệt của cha ông, để những ham muốn vật chất quá đà khỏi ám ảnh tư tưởng, lũng đoạn hành động. Nói gọn lại, để tuổi trẻ hôm nay và ngày mai không trở thành những người vị kỷ và phản bội truyền thống. Nếu chậm nữa sẽ quá muộn, vì lớp người trong cuộc ấy đang lần lượt ra đi”.
Không hẹn, mà tất cả suy nghĩ có trách nhiệm của lớp người đi trước đều giống nhau, khi nghĩ về thế hệ trẻ hôm nay: ưu tư và lo lắng.
Riêng người viết bài… điểm sách này, thì sau khi đọc xong tập sách, cả một chuỗi những năm tháng tươi - đẹp - bi - kịch ấy hiện ra. Để thấy, đằng sau những lời lẽ chân thành của những bằng hữu đồng đội năm nào, là chân dung của một lớp người đã hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc. Để muốn được nhắc nhở một điều: Lịch sử là một vở tuồng có nhiều hồi, nhiều cảnh, với tất cả những… đậm nhạt đắng cay. Điều quan trọng là, dù ở đâu và vào lúc nào, cũng phải cố gắng chống lại những tiếng - vật - chất luôn muốn kéo con người xuống bùn nhơ.
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
(*) Những chân trời khát vọng, NXB Hội nhà văn, tháng 11-2013