.

Sống là cho...

1. Vì túng quẫn, một người mẹ ở Định Hóa (Thái Nguyên) uống thuốc diệt cỏ và ép con uống cùng. Người mẹ ra đi, cháu bé 12 tháng tuổi được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp (có biến chứng tràn khí màng phổi), suy gan do ngộ độc thuốc diệt cỏ. Thông tin này được một nhà báo chia sẻ trên trang mạng xã hội facebook, chỉ sau vài ngày nhận được sự ủng hộ của 46 tấm lòng với số tiền hơn 21 triệu đồng. Hầu hết những người ủng hộ chưa từng gặp gỡ cháu bé, nhưng khó có thể thờ ơ trước câu chuyện quá đỗi thương tâm này.

Một cháu bé 11 tuổi ở xã Điện Hồng (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị xe tải tông, phải cưa một chân, chân còn lại bị gãy, phải bó vít. Em được đưa ra điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Thông tin này cũng được đăng tải trên facebook và nhiều tấm lòng đã đến với em. Nhiều người biết tin thì ngay lập tức đến bệnh viện, cũng có những người đóng góp kinh phí giúp em điều trị nhưng giấu tên. Tất cả chỉ hướng đến một mục đích: giúp em vơi đi nỗi đau về thể xác, để sớm bình phục và trở lại lớp học như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng có lẽ cậu bé ấy còn quá nhỏ để hiểu về sự mất mát. Em vẫn hồn nhiên tươi cười và nói rằng thích đọc truyện Doremon. Chứng kiến cảnh đó, những người vào thăm em đã ứa nước mắt.

Rất nhiều câu chuyện như thế được những người sử dụng các trang mạng xã hội chia sẻ với nhau và mọi sự đóng góp đều tự nguyện. Điều đáng trân quý là có những người ủng hộ không để lại tên hoặc đề nghị không nêu tên, chỉ mong sự chung tay của nhiều tấm lòng sẽ “góp gió thành bão”, giúp được mảnh đời hay hoàn cảnh kém may mắn nào đó. Bởi với họ, “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

2. Xung quanh câu chuyện thiện nguyện, có thể bàn đến chữ “duyên”. Đó là cái duyên được biết nhau, cái duyên giữa người “cho” và người “cần được nhận”. Trong cuộc sống, giữa hàng triệu triệu người, việc gặp gỡ, quen biết nhau được xem là do duyên, vậy thì cớ gì làm ngơ trước hoàn cảnh khó khăn nhưng lại có duyên với mình! Hay nói cách khác, cớ gì làm ngơ trước cái duyên ấy!

Nhiều người đã nghĩ như vậy và sự hỗ trợ thầm lặng của họ cũng vì chữ “duyên”. Âu đó cũng là một cách “cho”, một nghĩa cử đẹp.  

Trong đợt xây dựng phòng học ở điểm trường Nước Ui (Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) hồi tháng 6 vừa qua do CLB Bạn thương nhau (thành phố Đà Nẵng) phát động, có những nhà hảo tâm ủng hộ hàng chục triệu đồng nhưng đề nghị không nêu tên. Với họ, điều quan trọng không phải là chuyện lưu tên tuổi mà làm sao để năm học 2013-2014 sắp tới, các em học sinh không phải học trong cảnh tạm bợ nữa. Hai phòng học kiên cố được xây dựng, thay vì vài ba mảnh gỗ lắp ghép sơ sài như trước, đã chuyển tải biết bao tấm lòng. Đằng sau sự hiện diện của hai phòng học mới này là cả hành trình gian nan của CLB Bạn thương nhau, nhất là việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ miền xuôi lên miền ngược…

Từ đó, CLB Bạn thương nhau gắn bó với điểm trường Nước Ui. Thầy cô giáo và học sinh ở đây đón nhận những tấm lòng trong niềm vui khôn xiết. Còn với CLB, điều mà họ nhận lại là sự gắn kết giữa các thành viên, và hơn cả là niềm hạnh phúc khi được “cho đi”. Các thành viên trong CLB nói vui với nhau rằng, họ có duyên và nặng nợ với các em nhỏ ở Nam Trà My.

3. Có nhiều quan niệm về “cho” và “nhận”. Có ý kiến cho rằng, cho đi cũng có nghĩa là nhận lại, thậm chí còn nhận lại gấp nhiều lần. Có người cho đi mà không cần nhận lại, chỉ đơn thuần muốn sẻ chia với người khác. Cả hai trường hợp này đều đáng trân trọng, bởi giữa gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền, việc quan tâm, hỗ trợ nhau về vật chất lẫn tinh thần sẽ góp phần làm cuộc sống trở nên ấm áp hơn. Và cũng bởi lẽ, giữa cuộc sống bộn bề lo toan, chúng ta rất dễ “vô tình đã đi lướt qua nhau” nên rất cần có những tấm lòng với quan niệm “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.