Bước sang năm mới 2014 này, nhiều người dân khu vực quy hoạch nhà ga đường sắt mới trên diện tích 250ha ở 2 phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu lại tiếp tục mong chờ dự án được triển khai.
Bởi trong nhiều năm qua, họ hầu như không được hưởng các quyền lợi về sử dụng đất đai như không được xây dựng hoặc cơi nới nhà cửa, tách thửa chia đất cho con cái, đường giao thông, cống thoát nước không được đầu tư… Đây là một trong số các dự án kéo dài nhất, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tương tự dự án Làng đại học Đà Nẵng.
Tuy nhiên, người dân có quyền hy vọng, bởi trong Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) cho phép cơ chế mới để thành phố phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục thúc đẩy những dự án này đi vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển không chỉ của Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Trong chương trình hành động thực hiện Kết luận số 75-KL/TW, Thành ủy Đà Nẵng xây dựng 9 chương trình; trong đó chương trình thứ 9 nêu quyết tâm chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền quyết định những vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù theo Kết luận này. Theo đó, về các công trình, dự án đã được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng sẽ được tiếp tục duy trì và thúc đẩy tiến độ như: Làng đại học Đà Nẵng, Khu liên hợp thể thao, di dời ga đường sắt, mở rộng tuyến quốc lộ 14B giai đoạn 2 và mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14G; nghiên cứu triển khai Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2, cảng Liên Chiểu… Bên cạnh đó, thành phố sẽ tích cực làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để quyết định đầu tư đối với những dự án, chính sách mang tính động lực cho phát triển kinh tế-xã hội cả vùng như: Bệnh viện Phụ sản-Nhi giai đoạn 2, nâng cấp sân bay Đà Nẵng đạt trên 6 triệu lượt khách/năm; hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, thành lập các viện nghiên cứu chuyên ngành, trung tâm công nghệ sinh học, dự án Trường đại học quốc tế Việt – Anh…
Một tín hiệu vui là mới đây, nhân chuyến thăm Việt Nam của tàu Daring ghé Đà Nẵng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam Antony Stokes đề cập việc triển khai dự án Trường đại học quốc tế Việt – Anh tại Đà Nẵng trong năm 2014 này. Điều đó cho thấy cần có một sự đồng thuận nhất định trong việc triển khai các dự án liên quan mang tầm quốc gia và quốc tế tại Đà Nẵng, chứ không phải vì những vướng mắc từ một khâu nào đó mà những dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, mặc dù đã có nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ… Cũng cần có cơ chế phù hợp và linh hoạt để các dự án được triển khai nhanh chóng, mà bài học thành công từ dự án nút giao thông ngã ba Huế là một ví dụ.
Vấn đề quan trọng là, trong kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, thực hiện sứ mệnh của mình đối với sự phát triển chung của toàn vùng, của cả nước và về đích trước thời hạn 2020 trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó chính là thời cơ mới của Đà Nẵng. Việc còn lại là làm sao tận dụng được thời cơ đó, để những dự án, công trình được triển khai một cách nhanh chóng, đúng tiến độ, đem lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân và sự phát triển của thành phố, chứ không phải trở thành những “rào cản” trong đời sống như các dự án chậm triển khai vừa qua.
Để tận dụng thời cơ, không chỉ là việc xây dựng kế hoạch một cách chi tiết, cụ thể mà cần phải xem xét, điều chỉnh cơ chế hợp lý, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của từng giai đoạn để thu hút và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả. Đồng thời, cần rà soát và kiểm tra từng phần việc đã, đang và sẽ làm để có thể kiểm soát được tiến độ của từng dự án, từ đó có phương án giải quyết một cách kịp thời.
Rõ ràng, những người dân - như bộ phận nhân dân trong vùng dự án nhà ga đường sắt mới, luôn có những đòi hỏi bức thiết trước việc triển khai thực hiện dự án và trông chờ vào thời cơ mới này.
ANH QUÂN