.

Châu Âu sẽ nói tiếng Anh?

.

Từ năm 2002, nguyên thủ các quốc gia kêu gọi có ít nhất hai ngoại ngữ được dạy cho các học sinh từ lớp rất nhỏ. Năm 2005, cơ quan điều hành của EU tuyên bố mục tiêu lâu dài là tăng khả năng ngoại ngữ cho tới khi mọi công dân đều có thể nói ít nhất hai ngoại ngữ bên cạnh tiếng mẹ đẻ của mình.

Với sự tham gia của Croatia vào tháng 7 năm ngoái, EU có tới 28 thành viên và 24 ngôn ngữ chính thức. Giải thích cho mục tiêu này, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu về giáo dục, Dennis Abbott nói: Học ngoại ngữ nhằm thúc đẩy sự đa dạng, hòa nhập xã hội và đối thoại giữa các nền văn hóa với nhau. Điều này còn quan trọng hơn với những người trẻ tuổi.

EU bối rối với mục tiêu đa ngôn ngữ của học sinh.
EU bối rối với mục tiêu đa ngôn ngữ của học sinh.

Có một thực tế là vô hình trung các nước có xu hướng sử dụng ngoại ngữ đầu tiên là tiếng Anh bởi tính phổ thông của nó trên thế giới. Giáo sư Rick de Graaff, thuộc Đại học Utrecht (Hà Lan) đang theo đuổi việc dạy song ngữ, cho biết từ tháng 8 năm ngoái có khoảng 12 trường tiểu học ở Hà Lan thử nghiệm dạy toàn tiếng Anh. Vị giáo sư người Hà Lan nêu lên thực tế việc học nhiều ngoại ngữ là tốt nhưng có vẻ gượng ép. 10 năm qua khi các nước EU thực hiện kế hoạch dạy hai ngoại ngữ thì phần lớn chọn tiếng Anh là ngoại ngữ số một dạy cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Khi đối mặt với thực tế đó, các nước không nói tiếng Anh đã tìm cách bảo vệ hoặc nâng cao vị thế ngôn ngữ của mình trong kinh doanh và văn hóa châu Âu. Chẳng hạn như một cuộc triển lãm gần đây mang tên “Tiềm năng kinh tế của tiếng Bồ Đào Nha” tại tòa nhà Nghị viện châu Âu được khởi xướng bởi Diogo Feio - một người Bồ Đào Nha. Bang Saarland ở Đức cũng đã lên kế hoạch sẽ dạy song ngữ Pháp và Đức toàn diện vào năm 2043.

Chính sự “cạnh tranh” đó làm cho kế hoạch phát triển đa ngôn ngữ trong dân chúng của EU gặp trở lại dù từ năm 2007 tới năm 2013 đã dành khoảng 50 triệu euro để hỗ trợ các dự án phát triển ngoại ngữ. Kết quả của những cuộc nghiên cứu và thống kê gần đây khá thất vọng. Cuộc điều tra năm 2011 ở những trẻ em 15 tuổi tại 14 nước thì chỉ có 42% đạt mức độ “có thể sử dụng độc lập”, nghĩa là các em có thể trao đổi với nhau bằng một ngoại ngữ. Bắt đầu từ năm 2014 cho tới 2020, học ngoại ngữ không còn thuộc dự án riêng lẻ nào nữa mà sẽ đi kèm với các chương trình giáo dục và thanh niên khác mang tên Erasmus có ngân sách lên tới 15 tỷ euro.

Cũng giống như giáo sư Rick de Graaff, nhiều nhà giáo ở EU nhận định: Muốn đạt mục tiêu đa ngôn ngữ như đề ra thì phải sửa đổi cả hệ thống giáo dục. Đa ngôn ngữ là thể hiện tinh thần đa văn hóa của EU nhưng không thực tiễn bởi tiếng Anh vẫn là thứ tiếng phổ biến nhất mà mọi người cần có. Số tiền bỏ ra là rất lớn nhưng tiêu chuẩn của EU đưa ra cũng khá chung chung, như 50% trẻ em 15 tuổi đạt mức độ sử dụng độc lập một ngoại ngữ vào năm 2020. EU cũng kêu gọi các nước thành viên tăng tỷ lệ học sinh trung học cơ sở học ngoại ngữ thứ hai lên 75% (vào năm 2020) so với 63% như hiện nay.

ANH THƯ (Theo New York Times)

;
.
.
.
.
.