.

Chúng ta là người chiến thắng

.

“Tôi cảm thấy sung sướng đến mức không thể hình dung được”, Seo Min Young - sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, nở nụ cười rất tươi và liên tục nói “cảm ơn” sau khi nhận giải đặc biệt dành cho thí sinh nói tiếng Việt tại vòng chung kết “Cuộc thi nói tiếng Hàn, tiếng Việt toàn quốc lần thứ VII” diễn ra sáng 22-2 tại Nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng.

Những thí sinh nhận giải khuyến khích tại cuộc thi.
Những thí sinh nhận giải khuyến khích tại cuộc thi.

Cũng như Seo Min Young, “hạnh phúc” là từ mà bạn Phan Thị Thùy Dung, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cảm thấy khi vượt qua 11 thí sinh để nhận giải đặc biệt dành cho thí sinh nói tiếng Hàn của cuộc thi. Và chúng tôi chắc chắn rằng 17 thí sinh còn lại nhận các giải thứ hạng đều là người chiến thắng ở cuộc thi này, sau khi vượt qua vòng loại gồm 600 thí sinh trong toàn quốc. Giống như phát biểu của ông Park Nark Jong, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam “các bạn vượt qua mối quan tâm về thứ hạng và tất cả đều trở thành người chiến thắng”.

Sự tương đồng về văn hóa

Cùng ảnh hưởng bởi Nho giáo và ngôn ngữ chữ Hán, cùng đón Tết Âm lịch, cùng tôn vinh nhiều giá trị đạo đức... là những điều mà bạn Lee So Yeon, đến từ ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP. Hồ Chí Minh, chỉ ra trong bài luận nói về sự tương đồng văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Nho giáo tôn vinh 5 điều là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thì người Hàn Quốc coi trọng lễ (lễ phép) và được sống ở Việt Nam từ nhỏ, nên So Yeon nhận thấy người Việt Nam cũng xem lễ là một giá trị đạo đức quan trọng, thể hiện ở tính tôn trọng người già.

Chủ đề “Ý nghĩa văn hóa của lễ hội truyền thống Việt Nam” của bạn Han Ji Ye, sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội và vấn đề mà bạn Lương Quốc An, ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP. Hồ Chí Minh thể hiện “Tính cộng đồng của người Hàn Quốc thông qua văn hóa cổ vũ đường phố” cũng gặp nhau ở vấn đề văn hóa lễ hội, sự tương tác của cộng đồng qua những hoạt động văn hóa. Chính văn hóa đã giúp các bạn sinh viên Việt Nam và Hàn Quốc ở đây hôm nay cũng như mối quan hệ giữa hai nước xích lại gần nhau trong hơn 20 năm qua. Bạn Hong Seong Hui, ĐH Sư phạm Hà Nội đã xem Việt Nam là quê hương thứ 2 và Lee So Yeon đã nói rất chân thực rằng “sau khi chuẩn bị đề tài về vấn đề tương đồng văn hóa giữa hai quốc gia, em nghĩ em thích Việt Nam hơn”.

Tự tin bước lên sân khấu trong bộ áo tứ thân, bạn Thái Thị Kim Phượng, sinh viên khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ cảm xúc về tình bạn với những người bạn đến từ Hàn Quốc. Trong bài luận của mình, Phượng nói: “Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt lấp lánh của các bạn Hàn Quốc khi nói về ước mơ của mình. Không quan trọng đó là ước mơ nhỏ hay lớn, tất cả ước mơ đều đáng quý và nhờ các bạn Hàn Quốc tôi biết được một điều rằng luôn nỗ lực không ngừng hướng đến ước mơ thì tương lai của bạn sẽ dần tốt đẹp hơn. Vì vậy đối với tôi, các bạn Hàn Quốc là người gieo ước mơ và hy vọng mới cho tôi, và cũng là những người bạn mà tôi rất quý trọng. Hơn nữa, nhờ những người bạn Hàn Quốc mà tôi yêu quý đất nước Việt Nam hơn”.

Với khả năng nói tiếng Hàn lưu loát cùng lối diễn đạt truyền cảm, thông minh, Thái Thị Kim Phượng đã giành được giải nhất phần thi “nói tiếng Hàn” năm nay. Phượng nói, cuộc thi giúp em có thêm động lực tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc cũng như biết được năng lực tiếng Hàn của bạn bè. Điều này giúp Phượng nỗ lực hơn trong việc học tiếng Hàn và vận dụng tiếng Hàn vào công việc tương lai.

“Cuộc thi nói tiếng Hàn, tiếng Việt” dành cho sinh viên Việt Nam đang theo học các khoa tiếng Hàn và du học sinh Hàn Quốc đang theo học tiếng Việt tại các trường đại học Việt Nam. Từ năm 2007, cuộc thi trở thành một sự kiện văn hóa được tổ chức thường niên, là sân chơi thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. “Vai trò của các bạn sinh viên rất quan trọng, các bạn cần học văn hóa và ngôn ngữ nhiều hơn nữa để đóng góp cho sự phát triển của hai nước” - ông Jee Chang Seon, Giám đốc Văn phòng đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam.

Cùng chung tiếng nói về các vấn đề xã hội

Vượt qua 11 thí sinh Việt Nam khác trong phần thi “Người Việt nói tiếng Hàn”, Phan Thị Thùy Dung, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, thể hiện vấn đề “Phúc lợi xã hội trẻ em” và xuất sắc giành giải đặc biệt. Đề tài của Dung nhanh chóng nhận được sự cộng hưởng từ phía Ban giám khảo và những ai có mặt từ phía khán  đài. Với nội dung xoay quanh câu chuyện về nạn bạo hành trẻ em tại một số nhóm trẻ, thông qua tiếng Hàn, Dung muốn chia sẻ những hiểu biết của mình về một vấn đề mà xã hội đã và đang quan tâm. Thùy Dung nói: “Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã từng nói rằng “không có điều gì có thể biểu lộ được tinh thần của một xã hội bằng cách mà xã hội đó đối xử với trẻ em của mình”. Những đứa trẻ liệu có thể lớn lên khỏe mạnh trong môi trường bạo hành như thế không? Và giáo viên mầm non phải đảm đương được vai trò là người thay thế bố mẹ bảo hộ và dưỡng dục trẻ. Phải là người có đủ tư cách, vừa yêu thương vừa chăm sóc trẻ, cùng với trẻ để hướng tới sự phát triển toàn diện”. 

Jang Hye Jin, đến từ ĐH Sư phạm Hà Nội, có một cái nhìn rất “thời sự” về thói quen uống bia của người Việt qua đề tài “Góc nhìn bia hơi-nết Hà Nội”. Hye Jin chia ra những thói quen khiến nhiều người, chủ yếu là nam giới thích uống bia: bia giúp công việc trôi chảy, giúp bạn bè dễ chia sẻ và giúp nam giới thể hiện tính mạnh mẽ. Trên tay cầm một cái ly, Hye Jin thể hiện hành động cụng ly khi uống bia và bạn còn dẫn câu thành ngữ “Nam vô tửu như kỳ vô phong” khiến bài thi của bạn rất sinh động. Và giải nhất dành cho thí sinh nói tiếng Việt mà Hye Jin giành được thuyết phục tất cả mọi người có mặt hôm đó.

Nhiều bạn trẻ ngồi dưới khán đài chia sẻ rằng, xúc động nhất có lẽ là bài thi “Em tôi” của thí sinh Trần Văn Từ đến từ Trường ĐH Văn Hiến. Đó là câu chuyện về tình cảm anh em giữa Từ cùng người em trai tật nguyền, người mà Từ luôn chia sẻ mọi câu chuyện buồn, vui trong cuộc sống. Kết lại câu chuyện của mình, Từ nói “Trong gia đình mình, chỉ mình anh là được vào đại học. Anh đi học rồi, ai sẽ là người chia sẻ cùng anh mọi niềm vui, nỗi buồn. Ai sẽ là người cùng đùa, cùng chơi với anh đây”. Để đến được cuộc thi nói tiếng Hàn lần này, cũng như đến được ngôi trường bạn đang học khi gia đình có đến 10 người con, với bạn là một nỗ lực rất lớn và rất đáng trân trọng.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói rằng, cuộc thi nói tiếng Hàn, tiếng Việt toàn quốc lần thứ VII lần đầu tiên diễn ra tại Đà Nẵng là sân chơi bổ ích, nơi các bạn trẻ hai nước được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. “Chúng tôi hy vọng vượt qua ý nghĩa của một cuộc thi đơn thuần góp phần vào việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa sinh viên hai nước, đồng thời tạo điều kiện cho các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội trong đó có Đà Nẵng lựa chọn nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của thành phố”.

HOÀNG NHUNG - TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.