.

Hát bội hành tội người ta...

.

Quê tôi ở miền Trung, hát bội là món ăn tinh thần được ưa thích. Cha tôi là người mê hát bội đã yêu và kết duyên với mẹ tôi là thôn nữ có năng khiếu hò khoan.

Mỗi dịp xuân về tết đến, các đoàn hát bội hay về quê tôi để biểu diễn ở đình làng, rạp hát ngoài trời. Cha tôi không bỏ sót đêm diễn nào. Ông còn được mời cầm chầu đánh trống. Anh em chúng tôi từ nhỏ lẽo đẽo theo cha đi xem hát bội nên dần cũng thuộc lòng những tuồng tích mà phần lớn lấy từ điển tích Trung Quốc như: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Phụng Nghi Đình, Phàn Lê Huê, Đào Phi Phụng, Cổ thành, Hoàng Phi Hổ, Hạng Võ biệt Ngu Cơ,… Về sau mới xuất hiện một số vở tuồng về cổ sử Việt Nam.

Hát bội Bình Định hiện nay. Ảnh: P.H
Hát bội Bình Định hiện nay. Ảnh: P.H

Cha tôi sưu tầm và ghi chép lại nhiều vở tuồng. Những buổi trưa hè dưới bóng cây mắc võng sau vườn hay những đêm trăng thanh gió mát, ông đọc và cất giọng khàn khàn hát cho cả nhà nghe, rồi giảng giải những điển tích khó. Ông thường nhấn mạnh ở những lời ca về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín hoặc lòng trung thành, sự phản trắc của những vị tướng ngoài biên ải, quan tham trong triều đình. Cha tôi khéo léo dạy con về đạo lý làm người bằng những tuồng tích hát bội.

Để đến được nơi xem hát, nhiều người phải băng đồng, lội sông lội suối, có lúc phải đội mưa phùn cuốc bộ hàng mấy cây số. Người già mê hát bội đã đành, cả những nam thanh nữ tú quê tôi cũng say như điếu đổ. Họ đến xem hát, gặp gỡ tâm tình với nhau. Nhờ đó không ít đôi lứa yêu nhau, kết bạn trăm năm qua những đêm xem hát.

Mỗi đêm diễn hát bội thường kéo dài tới 11-12 giờ khuya, nhưng ít ai bỏ về giữa chừng, cho dù mờ sáng hôm sau họ phải ra đồng cày bừa, gặt lúa hoặc lên rừng đốn cây hái củi, đi chợ mua bán. Vì vậy, tới mùa hát bội nhiều người bị chứng… ngủ gục! Oái oăm hơn, có những người dù đã có vợ có chồng nhưng vì quá mê hát bội, sinh phải lòng các đào kép hát hay múa giỏi, thầm thương trộm nhớ, gây nên những trận đánh ghen tức cười. Tôi nhớ có một anh nông dân chơn chất, hiền lành nhưng say mê hát bội bỏ bê vợ con, quên cả việc cúng giỗ ngày Tết, lại còn đem lòng thương một cô đào nương lớn tuổi hơn mình. Người vợ quá sức chịu đựng, một hôm cơn ghen nổi lên, xách cây vào túm cổ áo đức lang quân đang ngủ vùi giữa chiều xế bóng, nện cho mấy cây. Anh chồng vì thức khuya, đang say ngủ, giật mình bỏ chạy ra nọc rơm. Chị vợ chưa nguôi cơn tức, tiếp tục đuổi theo. Hai vợ chồng cứ chạy vòng vòng xoay quanh nọc rơm như câu chuyện vợ đánh chồng trong dân gian… làm hàng xóm một phen cười vỡ bụng, chạy sang can gián. Chính vì những chuyện “hành tội” như vậy mà ca dao miền Trung có câu:

“Hát bội hành tội người ta
Ðàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”

Những bước thăng trầm và nỗi thèm quê

Cùng với kịch và cải lương, hát bội hay còn gọi hát bộ là một trong ba bộ môn sân khấu cổ truyền phổ biến ở nước ta. Hát bội thiên về ước lệ, tượng trưng là sự kết hợp của tinh hoa nghệ thuật truyền thống Việt Nam với sự bổ sung có chọn lọc từ nghệ thuật sân khấu cổ của Trung Quốc và Chiêm Thành.

Lịch sử cho hay, từ năm 1283, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, quân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã bắt sống 12 tù binh hát hay múa giỏi, trong đó có danh ca Lý Nguyên Cát. Được vua Trần Nhân Tông hậu đãi, Lý Nguyên Cát tự nguyện ở lại truyền dạy cho các đào kép cung đình nhà Trần cách vẽ mặt, phục trang, một số điệu múa để bổ sung vào nghệ thuật sân khấu tuồng dân gian nước ta.

Nếu như thời nhà Trần hát bội thịnh hành thì đến thời nhà Lê bị cấm đoán, vì cho rằng có hại đến việc giáo hóa, con hát làm rối loạn triều chính. Năm 1437, vua Lê Thái Tông đã ra lệnh đuổi hát bội ra khỏi cung đình, cấm quan lại và con cái nhà quan lấy đào hát làm thê thiếp. Đến năm 1462, vua Lê Thánh Tông còn cấm con nhà hát bội, tuồng, chèo, ả đào không được đi thi.

Đào Duy Từ chính là nạn nhân của định lệ nhà Lê, nên đã bỏ Đàng Ngoài của vua Lê - chúa Trịnh vào giúp chúa Nguyễn ở Đàng Trong, lập nhiều công trạng, đồng thời phục hưng nghệ thuật hát bội. Ông trực tiếp soạn tuồng tích, tổ chức các đoàn hát bội, khuyến khích phát triển phong trào múa hát từ cung đình đến khắp dân gian. Về sau, hậu duệ của Đào Duy Từ là Đào Tấn đã nối nghiệp tổ tiên, đổi mới đưa nghệ thuật hát bội lên đỉnh cao, đặc biệt là ở Bình Định nơi dòng họ Đào vào định cư lập nghiệp. Theo quyển Nước non Bình Ðịnh của nhà thơ Quách Tấn, thì danh nhân Ðào Tấn đã mở trường dạy hát bội tại quê nhà lấy tên là “Học bộ đình”, có công sáng lập và phát triển trường phái hát bội Bình Ðịnh lên đến “tuyệt đỉnh về nghệ thuật cũng như văn chương” và những kép hát nổi tiếng thời Ðào Tấn đều được phong tặng phẩm hàm của nhà Nguyễn. Nhiều vở tuồng do Ðào Tấn biên soạn đến nay vẫn lưu truyền, biểu diễn như: Cổ thành, Quần tiên hiến Thoại, Trầm hương, Tứ quốc lai vương,... Ngoài ra, ông còn nhuận sắc những vở tuồng nổi tiếng khác Sơn hậu, Hoàng Phi Hổ, Khuê các anh hùng,... Từ thời Đào Tấn đến nay, Bình Định luôn trở thành một trung tâm nghệ thuật hát bội nước ta.

Trước sự xâm lấn của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại, hiện nay hát bội cũng như cải lương đang phải vượt những thử thách mới để duy trì, phát triển. Rõ ràng, nghệ thuật hát bội cũng trải qua nhiều thăng trầm như số phận lịch sử dân tộc Việt Nam. Và cũng như tôi, một cậu bé nhà quê mê hát bội, đi qua nhiều đắng cay, để bây giờ sống giữa thành phố đô hội lòng cứ thèm nhớ những đêm theo cha băng đồng đi xem hát bội mỗi khi Tết đến. Nhưng cha không còn, quê hương lại ở xa…

PHAN HOÀNG

;
.
.
.
.
.