.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Tiếng biển là tiếng lòng của người Việt

.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp chia sẻ rằng, điều thôi thúc chị hoàn thành nhanh chóng các tác phẩm về biển đảo của Tổ quốc chính là tiếng lòng muốn ngân rung của hàng triệu trái tim Việt đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa; hướng về những người đang “vẫn vững nơi biển đảo xa xôi” từng giờ, từng ngày.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp vừa hoàn thành hàng loạt ca khúc về biển đảo trong tháng 5-2014. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp vừa hoàn thành hàng loạt ca khúc về biển đảo trong tháng 5-2014. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

* Ca khúc Tiếng biển của chị được phổ thơ từ bài thơ cùng tên của chủ nhân trang facebook có tên Lính Biển Việt Nam. Cả bài thơ lẫn ca khúc đều có sức lan tỏa mạnh mẽ. Chị muốn gửi thông điệp gì từ ca khúc này?

- “Những ngày này, biển cuộn trào, biển sục sôi bão giông” khiến triệu triệu trái tim Việt bốn phương dõi nghe tiếng biển. Đó không chỉ là tiếng ầm ào của sóng dữ ngoài khơi xa, tiếng lòng thao thiết của triệu triệu người Việt Nam bốn phương, mà còn là “Tiếng ông cha vọng về, tiếng trống trận Đống Đa dồn dập, tiếng gươm khua trên ải Chi Lăng, tiếng hò dô cắm cọc Bạch Đằng (Sôi lên hào khí Việt Nam - thơ Tường Huy), cùng cả tiếng nấc nghẹn, rơi nước mắt trong Đêm Hoàng Sa (thơ Lê Mạnh Thường): “Chưa khi nào hết bão tố/ Sóng dữ ngày đêm bủa vây/ Thủy quái lượn lờ nhảy múa/ Trên ngàn năm qua hương hỏa biển quê mình”. Chưa khi nào từ “tiếng biển” lại hiền hòa, du dương, ầm ào, sôi sục và thiêng liêng đến thế.

* Chị nghĩ gì khi nhiều ca sĩ đã thể hiện Tiếng biển, để đưa Tiếng biển (cũng là tiếng lòng của người Việt như chị nói) ngân xa hơn?

- Đến nay có hơn 15 bản thu âm Tiếng biển. Ngoài các ca sĩ đầu tiên thể hiện bài hát là Lập Huy, Hoàng Việt, Y Jang Tuyn, Hà My rồi nhạc sĩ Võ Hoài Phúc, Hoa hậu tài năng Ly Sang…, những ngày qua, các ca sĩ tiếp tục đến phòng thu để gửi lòng mình qua Tiếng biển như: Hoài Phương - cựu thành viên nhóm Mặt trời đỏ, Thảo Trang; nhóm 3 nhà báo từng ra Trường Sa vài lần gồm Thu Lan (VOV 1, vừa tác nghiệp ở Hoàng Sa trở về), Trần Lệ Chiến (VOV) và Thiếu tá - nhà báo Thu Hương (nguyên phóng viên Báo Hải quân Việt Nam).

Ca sĩ Hải Triều (người Huế), hiện sống và ca hát ở Tokyo (Nhật Bản), ngày 17-5 đã đăng tải trên facebook Hải Triều Tokyo những tấm hình anh đang ở phòng thu Tiếng biển với dòng nhắn gửi: “Người nhỏ làm việc nhỏ… Triệu triệu con tim đang dõi nghe Tiếng biển… hướng ra Biển Đông”.

Lúc này, dường như bất kỳ người dân Việt nào cũng có thể ngân lên khi dõi nghe tiếng biển, vừa du dương, tha thiết, vừa bừng bừng khí thế. Vì thế, cả bài thơ lẫn bài hát Tiếng biển đều có sức lan tỏa.

* Nếu có ý kiến cho rằng, chị là nhạc sĩ của biển đảo thì chị nghĩ sao?

- Tôi rất vui nếu được gọi là nhạc sĩ của biển đảo. Đó cũng là niềm tự hào của người sáng tác đã có những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Nhiều chương trình cầu truyền hình trực tiếp từ đất liền ra đảo có bài hát của tôi, trong đó có nhiều bài, bộ đội hát từ ngoài đảo như: Tổ quốc nhìn từ biển (thơ Nguyễn Việt Chiến), Lính đảo đợi mưa (thơ Trần Đăng Khoa), Đảo chân mây (thơ Hồng Oanh), Đảo bão (thơ nguyễn Trọng Tạo), Tình ca sau đêm bão (thơ Trúc Chi)…

Tình yêu biển đảo có lẽ đã được nhen nhóm trong tôi từ rất lâu. “Mối tình đầu” của tôi với những người lính biển bắt đầu từ lúc tôi là sinh viên năm nhất, khoa sáng tác Nhạc Viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) với ca khúc Nghe em hát ở Trường Sa viết vào tháng 3-1988 (lúc xảy ra hải chiến Trường Sa). Tình yêu đó được nối dài, ngân mãi và trong những ngày này, ngày nào tôi cũng viết, vừa viết vừa thu thanh để những giai điệu được vang lên…

* Việc đưa âm nhạc gần với thời sự có phải là ưu thế của chị trong sáng tác không, khi chị vừa là nhạc sĩ, vừa là nhà báo?

- Tôi có 20 năm làm biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với công việc thuần túy liên quan đến âm nhạc. Hầu hết các album của tôi ra mắt đều đúng thời điểm, mang tính báo chí cao nên được quảng bá rộng rãi. Nhưng quảng bá là một chuyện, quan trọng ca khúc phải ở lại được với người nghe.

“Kịp thời - chính xác” là đặc tính của lính thông tin; rồi kỹ năng quan sát nhạy bén, xử lý tình huống của lính không quân mà tôi trải qua khi còn trẻ với gần 15 năm trong quân ngũ (quân hàm đại úy) đã bổ trợ đắc lực cho tôi trong việc làm báo và viết nhạc. Làm báo cho mình những dự cảm về thời cuộc. Chẳng hạn, những ca khúc về biển đảo của tôi trong album Trường Sa giữa trùng khơi sóng (album chung với Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện 175, Bộ Quốc phòng) được ra mắt năm 2010, lúc tình hình Biển Đông chưa dậy sóng, rất được bộ đội Hải quân yêu thích. Cuối tháng 5-2011, sau sự kiện tàu dầu khí của mình bị cắt cáp ở ngoài khơi, chùm ca khúc ấy lập tức ngân vang, được công chúng đón nhận và báo giới đánh giá cao.

* Chị sẽ cho ra mắt album mới về biển đảo, với những ca khúc mới nhất vừa ra đời chỉ trong một tháng qua?

- Có lẽ không chỉ một mà có thể là 2 hoặc 3 album (cười)…, bởi những ngày qua, hầu như ngày nào tôi cũng viết, viết để trải lòng mình, viết để sẻ chia, đồng cảm với bạn thơ trên facebook… Những ca khúc ra đời liên tục và những bài thơ mà tôi phổ đã chạm đúng mạch đập cảm xúc của tôi.

Hai album của tôi sẽ được ra mắt vào tháng 7 tới: “Tiếng biển” và “Sôi lên hào khí Việt Nam”. “Tiếng biển” - album trữ tình - kể câu chuyện Biển Đông từ một gia đình Việt Nam nhỏ bé gồm: cha là lính biển đang công tác ngoài đảo xa, mẹ là giáo viên ở đất liền và cô con gái vừa vào lớp một. Còn album “Sôi lên hào khí Việt Nam” diễn tả những cảm xúc mang tính thời cuộc trước những diễn biến ở Biển Đông.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ Quỳnh Hợp.

TÚ PHƯƠNG thực hiện

;
.
.
.
.
.