.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Bà Nà - "nóc nhà thành phố"

.

Với độ cao 1.489m so với mực nước biển tại đỉnh Núi Chúa, Bà Nà được xem là “nóc nhà của thành phố Đà Nẵng”. Mỗi ngày đi qua nơi đây với 4 mùa riêng biệt: buổi sáng tiết xuân, buổi trưa vào hạ, buổi chiều se se sang thu và đêm về lạnh giá như giữa đông.

Chùa Linh Ứng - Bà Nà. Ảnh: L.G.L
Chùa Linh Ứng - Bà Nà. Ảnh: L.G.L

Sau khi Pháp lập thành phố nhượng địa Đà Nẵng (3-10-1888), người Pháp đến vùng đất khi đó có tên là Tourane này ngày một đông dần. Tháng 4 năm 1901, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer muốn tìm một nơi có khí hậu mát mẻ để xây dựng khu điều dưỡng cho quân đội Pháp và người Pháp ở Đà Nẵng và cả Trung Kỳ, bèn giao nhiệm vụ cho Victor Adrien Debay, một đại úy thủy quân lục chiến, người được cho là trước đó đã phát hiện ra Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì.

Chuyện kể rằng, Victor Adrien Debay đến Đà Nẵng bằng đường thủy, khi thuyền còn ngoài khơi, nhìn vào đất liền ông thấy một dãy núi uy nghi phía trời tây, ở đó nổi lên một ngọn rất cao, trông xa như một vị tướng oai vệ trấn giữ biên thùy. Người Pháp có thành ngữ “coup de foudre”, nghĩa là tình yêu sét đánh hoặc tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. V.A. Debay đã bị cái vẻ hùng vĩ, uy nghi của ngọn núi đó “hớp hồn” từ cái nhìn đầu tiên. Sau những ngày vất vả băng rừng vượt suối, cuối cùng ông đã tìm đường lên đến đỉnh núi và vẻ đẹp hoang dã cùng với khí hậu tuyệt vời nơi đây đã được ông mô tả trong bản phúc trình gửi lên cấp trên.

Nhưng cũng mãi đến 11 năm sau, vào tháng 1 năm 1912, Toàn quyền Đông Dương mới ra quyết định xây dựng Bà Nà thành Khu Bảo tồn Lâm nghiệp, việc này thúc đẩy một bước quan trọng trong việc nghiên cứu ngọn núi và góp phần thu hút sự quan tâm đến nó. Từ đó, người Pháp bắt tay vào quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông, tìm đường lên đỉnh. Phải mất thêm 8 năm nữa, trên đỉnh Bà Nà mới xuất hiện những biệt thự nghỉ dưỡng đầu tiên (nay hầu như đã bị xóa sổ), bấy giờ thuộc quyền quản lý của một vị luật sư khá nổi tiếng trên đất Đông Dương, ông Beisson.

Đầu tiên là Khách sạn nhà hàng Morin, rồi các loại nhà gạch, nhà đúc, nhà ván... lần lượt ra đời thay thế cho lều tranh lụp xụp, với đầy đủ các tiện nghi phục vụ đời sống. Các viên chức cao cấp của nhà cầm quyền từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn cũng tìm đến Bà Nà và xây dựng các dinh thự nghỉ mát rộng lớn, khiến cho nơi này nhanh chóng trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ ở Trung Kỳ mà ở toàn khu vực Đông Dương.

Năm 1938, Bà Nà đã được Phòng Du lịch Đông Dương đưa vào tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế - Vinh - Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại.

Ngày đó, du khách có thể đi xe hơi từ Đà Nẵng đến chân núi và đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh. Kiệu ghế được xem là phương tiện di chuyển đầy lý thú và rất điển hình cho du lịch Bà Nà xưa, được nữ sĩ người Đà Nẵng Huỳnh Thị Bảo Hòa mô tả trong Bà Nà du ký đăng trên Tạp chí Tân Văn (số 163, tháng 6-1931): “Đường lên núi thì xa thăm thẳm, trong chốn rừng già quanh co hàng mấy cây số trèo non lội suối khó khăn, phải ngồi kiệu mới lên được nên đã có phu kiệu đợi sẵn vì đã dặn trước, giá tiền thì có lệ nhất định, mỗi kiệu dùng sáu người phu...”.

Thời gian trôi, Bà Nà dần chìm trong giấc ngủ vùi của phế tích. Cuối thế kỷ XX, Bà Nà được đánh thức trong ánh hào quang của một thành phố vươn mình đi tới, ghi thêm một địa danh có thể sánh vai cùng Đà Lạt, Sa Pa, làm ngỡ ngàng bạn bè trong và ngoài nước. Ngày lại ngày, từng đoàn xe đợi sẵn dưới cầu An Lợi, thay những chiếc kiệu xưa đưa khách lên thăm nóc nhà thành phố.

Đầu năm 1998, UBND thành phố Đà Nẵng cho xây dựng lại Khu nghỉ mát Bà Nà, mở rộng và nâng cấp con đường dài 16km từ cầu An Lợi lên đỉnh núi, sẵn sàng đón du khách đến từ mọi miền đất nước. Năm 2004, chùa Linh Ứng nằm trên đỉnh Bà Nà được xây dựng và khánh thành nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương.

Hiện nay, phương tiện lên đỉnh Bà Nà đã được nhanh chóng, hiện đại hơn với 3 tuyến cáp treo đạt các kỷ lục Guinness. Trong đó, tuyến cáp treo Thác Tóc Tiên – L’Indochine với 4 kỷ lục thế giới đi vào hoạt động từ 29-3-2013, rút gọn hành trình lên đỉnh chỉ còn 17 phút với công suất 1.500 khách/giờ, chấm dứt tình trạng du khách phải chờ đợi lâu mới có thể lên cáp.

Đến với “nóc nhà thành phố”, khách có thể đi tàu hỏa leo núi, ghé thăm Miếu Bà, đền Lĩnh Chúa Linh từ, Khu trưng bày tượng sáp duy nhất tại Việt Nam với rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới… Và đừng quên ghé thăm Hầm rượu Debay, hầm rượu được người Pháp xây dựng từ năm 1923 xuyên vào lòng núi và đặt tên người có công phát hiện Bà Nà ngay từ năm đầu của thế kỷ XX.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.