.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Nghĩa trủng Hòa Vang

.

Đà Nẵng có hai nghĩa trủng có thể xếp vào hàng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trủng Hòa Vang và Nghĩa trủng Phước Ninh.

Học sinh Trường THPT Hòa Vang thắp nến tưởng niệm Nghĩa sĩ Đà Nẵng ngày 15-3 âm lịch vừa qua tại Nghĩa trủng Hòa Vang. Ảnh: L.G.L
Học sinh Trường THPT Hòa Vang thắp nến tưởng niệm Nghĩa sĩ Đà Nẵng ngày 15-3 âm lịch vừa qua tại Nghĩa trủng Hòa Vang. Ảnh: L.G.L

Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tiến đánh Đà Nẵng vào năm 1858, Cẩm Lệ là một trong những phòng tuyến quan trọng của quân dân ta trong hệ thống trường lũy kéo dài phía Tây núi Phước Tường đến tận sông Hàn. Trong gần hai năm (1858 - 1860) chống lại tàu đồng đạn sắt của ngoại xâm, quân dân ta đã phải chịu nhiều mất mát hy sinh. Các cuộc mai táng trong chiến tranh chỉ được tổ chức vội vàng, mãi về sau hài cốt các tướng sĩ vị quốc vong thân này mới được quy tập vào các nghĩa trủng: Hòa Vang vào năm Tự Đức thứ mười chín (1866) và Phước Ninh vào năm Tự Đức thứ hai mươi chín (1876).

Nghĩa trủng Phước Ninh sau mấy lần chỉnh trang đô thị nay chỉ còn một nhà bia tưởng niệm ở góc đường Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Văn Linh. Mộ nghĩa sĩ đã được cải táng lên Gò Cao trong Nghĩa trang Sơn Gà, xã Hòa Khương. Riêng hai ngôi mộ của hai vị Tiền bảo Nhị vệ Quản cơ Nguyễn Viết Thứ Phó Quản cơ sung Tiền bảo Nhị vệ Hiệp quản Nguyễn Thượng Chất đã được chuyển về Nghĩa trủng Hòa Vang từ năm 2009.

Nghĩa trủng Hòa Vang được lập lần đầu tiên ở xứ Trủng Bò làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ). Khoảng năm 1920, Pháp mở sân bay Đà Nẵng, phải dời nghĩa trủng về vườn nhà ông Bá ở xứ Trảng Dài làng Khuê Trung. Đến 1962, quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía Nam, lại phải dời nghĩa trủng đến chỗ hiện nay - khu đất vuông giới hạn bởi các đường phố Trần Thủ Độ, Nguyễn Phong Sắc, Bình Hòa 8 và Bình Hòa 9, thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Đây xưa là vùng đất được người địa phương gọi là Thổ Khố (đất kho), nơi Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương cho lập kho chứa quân lương chống Pháp.

Nằm trong cụm di tích rộng 2.800m2, gồm cả Nhà thờ Tiền hiền Khuê Trung, miếu Bà, giếng Chăm, Nghĩa trủng Hòa Vang nằm quay mặt về hướng Đông, được thiết kế theo mô hình tam ban: chính diện và tả hữu ban. Ngay cổng vào có một tấm bia sa thạch ghi bốn chữ Hán đại tự “Hòa Vinh nghĩa trủng” (Vinh được đọc trại thành Vang - Hòa Vang). Sau tấm bia là một ngôi mộ lớn, trên bia xi-măng có cẩn hàng chữ “Tiền triều Đại tướng quý công mộ”. Tiếp sau đó là đài Chiến sĩ bằng xi-măng cao khoảng 3 mét với các am thờ, bàn hương án dành cho việc cúng tế hằng năm. Hai bên tả hữu nghĩa trủng có gần 1.300 ngôi mộ xếp cân phân, ngay thẳng. Đây chính là đài tôn vinh khí phách hùng anh của các anh hùng nghĩa sĩ, đồng thời là cột mốc đánh dấu sự thất bại ngay trận đầu của quân Pháp khi đánh vào Đà Nẵng.

Một thời dưới chính sách hà khắc của thực dân Pháp, người dân Khuê Trung chỉ đơn giản gọi nấm mồ các anh hùng nghĩa sĩ là Âm linh cô mộ. Nhiều bậc kỳ lão trong làng còn nhớ, ngày trước, khi nghĩa trủng còn ở vườn Bá, làng trí riêng 1,7 mẫu ruộng dành cho việc tu tảo phần mộ và lo cúng tế Âm linh. Đến ngày 17-11 âm lịch hằng năm, dân làng lại tề tựu về trước các bàn án làm lễ dâng hương tưởng niệm vong linh nghĩa sĩ. Vẫn chưa ai giải thích được nguồn gốc ý nghĩa của ngày tế nghĩa sĩ 17-11 âm lịch, chỉ biết nó đã có từ lâu rồi. Về sau, do chiến tranh diễn ra ác liệt nên lệ này nhiều năm rơi vào quên lãng. Đến nay, lễ cúng tế vong linh nghĩa sĩ được tổ chức kết hợp với lễ tế Tiền hiền làng Khuê Trung vào ngày 16-3 âm lịch hằng năm.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, trong bài “Cuộc chiến đấu dưới chân thành điện hải - 155 năm sau nhìn lại” đăng trong cuốn “Đà Nẵng chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860)”, NXB Giáo dục Việt Nam 2014, tr. 36, đã nhận định như sau:

“Cái độc đáo nhất chỉ riêng Đà Nẵng mới có là ngay sau khi kết thúc chiến tranh không lâu, lần đầu tiên ở nước ta, hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia - nghĩa trủng Phước Ninh quy tập khoảng 3.000 hài cốt nghĩa sĩ, còn nghĩa trủng Hòa Vang chừng 1.300 - được thành lập để làm nơi yên nghỉ cho các quan quân triều đình cùng không ít thường dân Đà Nẵng đã vị quốc vong thân. Cần làm sao để trải qua thời gian dâu bể, dẫu cái nghĩa trủng xưa có thể chỉ còn một chút dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo (thơ Bà Huyện Thanh Quan), người đời vẫn nhận ra đây không chỉ là tấm lòng và trách nhiệm của người dân Đà Nẵng một trăm năm mươi lăm năm trước mà còn là tấm lòng và trách nhiệm của người dân Đà Nẵng hôm nay đối với đất nước, với những người vì đất nước và với các bậc tiền nhân của chính Đà Nẵng quê mình”.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.