.
Giới thiệu sách

Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới

.

Đó là nhan đề cuốn sách, công trình khoa học do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 8 vừa qua. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở các báo cáo chuyên đề của đề tài khoa học “Khảo sát, sưu tầm hiện vật và lập bản đồ di tích Chăm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, đã được Sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng phê duyệt, triển khai từ tháng 10-2012 đến tháng 3-2014. “Di tích Chăm ở Đà Nẵng và những phát hiện mới” do nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chủ biên, cùng sự tham gia của những nhà nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực Champa Lê Đình Phụng, Trần Kỳ Phương, Nguyễn Chiều, Nguyễn Ngọc Chất và các cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Bìa sách “Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới”.
Bìa sách “Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới”.

Từ đầu thế kỷ 20, các di tích Chăm ở Đà Nẵng dù không còn cấu trúc đền tháp nguyên vẹn cũng đã được nhắc đến trong một số công trình nghiên cứu của người Pháp. Đáng chú ý, trong cuốn “Thống kê, khảo tả các di tích Chăm ở Trung Kỳ” của tác giả Henri Parmentier đã nhắc đến 3 di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gồm tháp ở Quá Giáng, núi Ngũ Hành và di tích Phong Lệ. Từ năm 1975 đã có một số cuộc khảo sát về di tích tại địa bàn Đà Nẵng, nhưng riêng về di tích Chăm chỉ mới có một số báo cáo, bài viết rải rác trên tạp chí và các hội nghị.

Với 4 chương, được trình bày khoa học, kèm theo nhiều tài liệu, bản đồ, hình ảnh chi tiết các di tích hiện vật minh họa sinh động, có thể nói “Di tích Chăm ở Đà Nẵng và những phát hiện mới” là công trình lần đầu tiên cung cấp cho người đọc cái nhìn khá toàn diện về hiện trạng di tích Chăm ở Đà Nẵng.

Cụ thể, chương 1, về những vấn đề chung, các tác giả lý giải các khái niệm, danh xưng Chiêm, Chàm, Chăm, Lồi, Hời, Chiêm Thành, Champa; đặc điểm địa lý, lịch sử của Đà Nẵng trong thời kỳ Champa và Đại Việt gắn với những cuộc tiếp xúc hòa bình và xung đột giữa Champa và các quốc gia lân cận là những đầu mối góp phần giải thích về thời điểm xây dựng, cũng như lý do bị hủy hoại của các di tích được trình bày ở các chương sau. Chương 2, cuốn sách miêu tả 7 di tích chính ở Đà Nẵng gồm các di tích Chăm tại An Sơn, Cấm Mít, Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn, Phong Lệ, Quá Giáng và Xuân Dương. Theo các tác giả, 7 điểm di tích này là nơi có những hiện vật tiêu biểu mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng được phát hiện. Bên cạnh đó là những địa điểm khác có phát hiện những dấu vết ít ỏi của kiến trúc Chăm, có những di vật Chăm được tái sử dụng hoặc những nơi mà ký ức dân gian vẫn cho là di tích của người Chàm, người Hời, như trường hợp Thành Lồi và các giếng cổ… Chương 3 là phần thống kê, miêu tả các hiện vật đã sưu tầm đưa về Bảo tàng điêu khắc Chăm và các hiện vật còn trong di tích tại những địa điểm nói trên.

 Nếu chương 1 mang tính chất mở đầu, để các tác giả đi sâu phân tích, dẫn giải về hiện trạng di tích Chăm tại Đà Nẵng ở chương 2, chương 3 thì chương 4 là đúc rút những ý nghĩa, giá trị, niên đại các di tích và các hiện vật của nghệ thuật kiến trúc, văn hóa Champa từng tồn tại trên mảnh đất đầu biển cuối sông này. Điểm mới của tập sách là đã thống kê, miêu tả một cách hệ thống những di tích, di vật Chăm đã và đang tồn tại tại thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là các di tích Chăm tại Đà Nẵng chưa được các công trình nghiên cứu của người Pháp trước đây nhắc đến, như di tích Chăm tại Cấm Mít (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), di tích Chăm tại An Sơn (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Các cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Phong Lệ và Cấm Mít đã phát lộ những hố thiêng (hố chứa kho thiêng) trong lòng tháp Chăm cùng những hiện vật, những mảnh kim loại có khắc hình thú, hạt thủy tinh, đá cuội… đặt tại những vị trí khá đặc biệt trong hố thiêng ẩn chứa nhiều ý nghĩa tín ngưỡng gắn với tục đặt viên gạch đầu tiên khi xây dựng các đền tháp của người Chăm là một trong những nội dung rất đáng đọc của cuốn sách.

Theo ông Võ Văn Thắng - Chủ biên cuốn sách, việc tập trung khai quật khảo cổ, nghiên cứu những “bí mật” dưới lòng tháp tại Phong Lệ, Cấm Mít là một đóng góp của hoạt động nghiên cứu, khảo cổ di tích Chăm tại Đà Nẵng; nghĩa là các hoạt động không chỉ dừng lại ở việc khảo sát trên bề mặt như tường tháp, móng tháp của các quần thể phế tích như trước đây.

Cũng theo ông Võ Văn Thắng, mặc dù di tích Chăm ở Đà Nẵng hiện nay chỉ chủ yếu là những nền móng tháp nhưng các dấu vết còn lại cũng cho thấy sự phân bố khá dày đặc các công trình kiến trúc đền tháp quan trọng của Champa trong một phạm vi hẹp chỉ khoảng chừng 30km vuông khu vực lân cận cửa biển Đà Nẵng. Những di tích, hiện vật Chăm phát hiện tại Đà Nẵng có niên đại từ thế kỷ 8, 9 cho đến 12, 13. Các hiện vật được tìm thấy cho thấy địa bàn này đã từng phát triển thịnh vượng cả Ấn Độ giáo và Phật giáo. Nơi đây từng là nơi tọa lạc các tu viện và đền thờ to lớn, đặc biệt các văn bia đã phản ánh sự có mặt của tầng lớp quý tộc, chức sắc có năng lực trong lĩnh vực ngoại giao cũng như tôn giáo trong cộng đồng cư dân Champa xưa kia. Và như vậy cũng có nghĩa, cửa biển Đà Nẵng đã được khai thác và có vị trí quan trọng đối với Champa trong quan hệ giao thương với các vùng lãnh thổ khác.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.