Nguyên nhân chứng vô sinh có thể phân làm 2 loại lớn: Một là do sự khiếm khuyết về sinh lý sinh dục bẩm sinh chứng này không thể dùng châm cứu, thuốc thang điều trị được; Hai là thuộc bệnh lý xung nhầm dẫn đến vô sinh, đây là nội dung đề cập của bài này, có thể quy nạp phân thể biện chứng trị liệu như sau:
1.Thận hư vô sinh:
Thận hư vô sinh phân làm 2 thể là thận dương hư và thận âm hư. Các thể bệnh này tương đương với vô sinh do chức năng buồng trứng mất điều hòa thứ phát, bao gồm công năng rụng trứng trở ngại, công năng hoàng thể không đầy đủ... của y học hiện đại.
a. Thận dương hư:
-Chủ chứng: Chậm có con, kinh hành lượng ít, sắc nhạt, kinh trễ hoặc bế kinh, chóng mặt, ù tai, người lạnh, thắt lưng đau mỏi, bụng dưới lãnh cảm, huyết trắng trong loãng, tính dục giảm, thường đại tiện nhão, lưỡi bệu nhợt, rêu trắng, mạch trầm tế, trì nhược.
-Phép chữa: Ôn thận trợ dương, dưỡng huyết điều xung.
-Phương dược: Dùng bài Dục lân châu của Trương Cảnh Nhạc (Nhân sâm, Bạch truật, Phục linh, Bạch thược, Xuyên khung, Chích thảo, Đương quy, Thục địa, Thỏ ty tử, Đỗ trọng, Lộc giác sương, Xuyên tiêu) gia Tử hà sa, Đơn sâm, Hương phụ. Đau lưng nhiều, lạnh bụng dưới gia Ba kích, Bổ cốt chỉ, Tiên mao, Tiên linh tỳ.
b. Thận âm hư :
-Chủ chứng: Chậm có con, kinh hành trước kỳ, lượng ít, sắc đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, họng khô miệng khát, chóng mặt hồi hộp, lưng gối mỏi yếu, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
-Phép chữa: Tư âm dưỡng huyết, điều xung ích tinh.
-Phương dược: Dùng bài Dưỡng kinh chủng ngọc thang của Phó Thanh Chủ (Bạch thược, Đương quy, Thục địa, Sơn thù nhục) gia Nữ trinh tử, Hạn liên thảo. Uống thêm Hà sa đại tạo hoàn.
2. Can uất vô sinh:
Lâm sàng và thực nghiệm chứng minh, các bệnh tật viêm cơ quan sinh dục bên trong của phụ nữ dẫn đến vô sinh phần lớn thuộc loại hình này. Thận hư can uất, thấp nhiệt ứ trệ, khí trệ huyết ứ dẫn đến bào lạc trở ngại bế tắc cũng dẫn đến vô sinh.
-Chủ chứng: Chậm có con, kinh sớm muộn thất thường, trước kỳ kinh ngực phiền, bức rứt khó chịu, vú trướng căng, kinh hành bụng dưới đau, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch huyền.
-Phép chữa: Thư can giải uất, dưỡng huyết lý tỳ.
-Phương dược: Dùng bài Khai uất chủng ngọc thang của Phó Thanh Chủ (Bạch truật, Đương quy, Bạch thược, Phục linh, Đơn bì, Hương phụ, Thiên hoa phấn). Vú trướng đau gia Vương bất lưu hành, Kiết cánh, Hải tảo, Hạ khô thảo.
3. Đàm thấp vô sinh:
Hội chứng đa nang buồng trứng của y học hiện đại thuộc loại hình này.
-Chủ chứng: Chậm có con, kinh bế hoặc không đều, người mập, nhiều lông, mặt và tay chân phù thũng, trong lòng buồn bực khó chịu, mỏi mệt, yếu sức, thường đại tiện nhão, huyết trắng nhiều và đặc dính, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch huyền hoạt.
-Phép chữa: Táo thấp hóa đàm, lý khí điều kinh.
-Phương dược: Chọn các bài thuốc như Khải cung hoàn trong Kinh Nghiệm Phương (Bán hạ, Thương truật, Hương phụ, Trần bì, Thần khúc, Phục linh, Xuyên khung) hay Thương phụ đạo đàm thang của Diệp Thiên Sĩ (Phục linh, Bán hạ, Trần bì, Cam thảo, Thương truật, Hương phụ, Nam tinh, Chỉ xác, Sinh khương, Thần khúc).
4. Huyết ứ vô sinh :
Lâm sàng nhận thấy lạc nội mạc tử cung thuộc loại hình bệnh này.
-Chủ chứng: Chậm có con, kinh không thông, sắc bầm đen, có huyết cục, đau khi hành kinh, lúc bình thường bụng dưới cũng đau, ấn vào đau tăng, chất lưỡi tím sẫm, rìa lưỡi có điểm ứ huyết, mạch huyền hoặc sáp.
-Phép chữa: Hoạt huyết hóa ứ, điều kinh.
-Phương dược: dùng Thiểu phúc trục ứ thang của Vương Thanh Nhiệm (Tiểu hồi, can khương, Huyền hồ, Một dược, Đương quy, Xuyên khung, Quan quế, Xích thược, Bồ hoàng, Ngũ linh chi) hoặc Quế chi phục linh hoàn trong Kim Quỹ Yếu Lược (Quế chi, Phục linh, Đơn bì, Đào nhân, Bạch thược).
5. Thấp nhiệt vô sinh:
Lâm sàng quan sát cho thấy các chứng đới hạ do viêm dẫn đến vô sinh thuộc loại hình này.
-Chủ chứng: Chậm có con, bụng dưới một bên hay hai bên đau như kim châm, hành kinh đau nhiều, hoặc có sốt nhẹ, trước kỳ kinh vú trướng, lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch huyền sác.
-Phép chữa: Thanh nhiệt lợi thấp, sơ can thông lạc.
-Phương dược: Dùng bài Long đởm tả can thang gia giảm (Long đởm, Chi tử, Hoàng cầm, Trạch tả, Sài hồ, Xa tiền, Mộc thông, Đương quy, Sinh địa, Cam thảo…)
Trên đây là biện chứng luận trị các thể chủ yếu của chứng vô sinh, tuy nhiên trên thực tế các nguyên nhân thường không rạch ròi mà đan cài khá phức tạp, cần phân tích vận dụng thỏa đáng trên từng cơ địa người bệnh, đồng thời nên sử dụng liệu pháp kết hợp như châm cứu, ăn uống để nâng cao hiệu quả điều trị.
PHAN CÔNG TUẤN