Với giới sử học Đà Nẵng và với nhiều người Đà Nẵng, ấn tượng sâu sắc nhất trong đời sống chính trị - xã hội của thành phố chúng ta năm 2014 là các sự kiện liên quan đến huyện đảo Hoàng Sa thân yêu. Hoàng Sa luôn hiện diện trong trái tim người Đà Nẵng, nhưng sôi động và bùng cháy hơn cả là ở thời điểm tròn 40 năm kể từ ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Cát Vàng - của hương hỏa ông cha xưa truyền lại. Có thể kể chưa thật đầy đủ một chuỗi các hoạt động liên quan đến Hoàng Sa - từ đó đã tạo nên Ấn tượng Hoàng Sa ở Đà Nẵng trong suốt năm 2014.
Học sinh Đà Nẵng xem triển lãm Giới thiệu tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng.Ảnh: VÕ VĂN HOÀNG |
Về học thuật, không thể không nhắc đến 3 cuộc hội thảo tổ chức tại thành phố bên sông Hàn: Hội thảo khoa học Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa và Trung tâm Nghiên cứu Minh triết thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 19-1-2014 ở ngay một khách sạn mang tên Hoàng Sa trên đường Dương Đình Nghệ; Hội thảo quốc tế Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức vào hai ngày 20-6 và 21-6-2014 ở Đảo Xanh và Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ VI Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức vào hai ngày 17-11 và 18-11-2014. Đặc biệt Hội thảo quốc tế Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử được tổ chức ngay trong những ngày Đà Nẵng một lần nữa lại đứng trên tuyến đầu Tổ quốc, khi mà giàn khoan Hải Dương-981 cùng nhiều máy bay tàu chiến Trung Quốc gần như đã tiến sát “phao số không” của thành phố chúng ta.
Chính vì thế mà tham luận Đà Nẵng trong quá trình củng cố và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa của người viết bài này được nhiều học giả quốc tế quan tâm và được đánh giá là một cách tiếp cận đúng đắn (*). Ngoài ra nhiều vấn đề liên quan đến Hoàng Sa cũng được đề cập trong Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3) với sự tham gia của đại diện 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác bao gồm Mỹ, Nga, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tổ chức vào hai ngày 27-8 và 28-8-2014 tại Đà Nẵng.
Về cuộc chiến bản đồ, có thể kể hai cuộc triển lãm tại Bảo tàng Đà Nẵng: Cuộc triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 19-1-2014 và cuộc triển lãm Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam do Hội Khoa học Lịch sử Thành phố phối hợp với Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức vào ngày 21-6-2014 trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử. Có thể nói hai cuộc triển lãm này đã góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở hiệu ứng trực quan sinh động.
Cũng chính vì vậy mà tại cuộc thi ảnh nghệ thuật Đà Nẵng toàn cảnh do Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố vừa tổ chức chấm chọn vào trung tuần tháng 12 vừa qua, trong 11 tấm ảnh được trao giải, có 3 tấm phản ánh cái nhìn nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đà Nẵng về biển đảo quê hương: Hướng về biển đảo của Phan Ngọc Hợi - giải Khuyến khích, Vươn ra biển lớn của Quách Lực - giải ba và Lễ hạ thủy của Nguyễn Quang - giải Nhì. Tác phẩm đoạt giải Nhì của cuộc thi thể hiện khoảnh khắc tàu Cảnh sát biển 8002 - một trong những con tàu hiện đại nhất của Cảnh sát biển Việt Nam và có công suất lớn nhất do Tổng Công ty Sông Thu thực hiện, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam - sắp hạ thủy sáng mồng 4-10-2014 tại Đà Nẵng.
Về giáo dục nhận thức chủ quyền biển đảo thông qua các cuộc thi, có thể kể Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa do Ủy ban Nhân dân thành phố phát động, tổ chức chấm chọn, trao giải và trưng bày các phương án đoạt giải vào ngày 19-1-2014 với Đồ án được chọn mang tên Con dấu và dấu mốc chủ quyền - Sự khẳng định bền bỉ về chủ quyền bờ cõi của tác giả người Nhật Fuminori Minakami cùng hai kiến trúc sư Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang; Cuộc thi viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu trong khuôn khổ Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2014 do hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, Thành Đoàn, Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức với 87.701 bức thư viết tay của sinh viên các trường cao đẳng, đại học và học sinh các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn Đà Nẵng, tổng kết và trao giải vào ngày 7-12-2014.
Vấn đề giáo dục nhận thức chủ quyền biển đảo còn được thể hiện qua mẫu hàng lưu niệm Hoàng Sa do Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lê Thị Mỹ Hạnh thiết kế với hình nền là một trái tim bằng thủy tinh trên đó khắc chìm khẩu hiệu Tôi yêu Hoàng Sa cùng hình bản đồ Tổ quốc, con tàu vượt trùng khơi và bia chủ quyền Hoàng Sa năm 1938.
Về phản ứng đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhiều tổ chức xã hội-nghề nghiệp, trường đại học… đã tổ chức mít-tinh để thể hiện thái độ phản đối hành động bất chấp pháp lý và đạo lý này của Trung Quốc, mở đầu là cuộc mít-tinh và ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Nghề cá và Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào ngày 12-5-2014.
Đầu tháng 6-2014, lãnh đạo thành phố quyết định cho giữ nguyên không sửa chữa chiếc tàu cá ĐNa-90152 của ngư dân Đà Nẵng vừa bị tàu Trung Quốc cố ý đâm chìm trong vùng biển Việt Nam và sẽ đưa chiếc tàu vỏ gỗ đầy thương tích này vào trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa như một bằng chứng lịch sử về mối hiểm nguy luôn rình rập ngư dân Đà Nẵng. Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng trực tiếp truyền hình Chương trình giao lưu Biển của ta vào sáng 7-6-2014. Trong diễn văn khai mạc triển lãm Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, người viết bài này từng khẳng định Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam không chỉ để thăm dò dầu khí mà còn là và chủ yếu là để thăm dò lòng yêu nước và sức chịu đựng của người Việt.
Về truyền thông, ngoài việc đưa tin các hoạt động nêu trên, các cơ quan ngôn luận của Đà Nẵng còn tập trung tuyên truyền nhân sự kiện 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và sự kiện giàn khoan Hải Dương- 981. Hội Khoa học Lịch sử thành phố phát hành Đặc san Xuân Giáp Ngọ 2014 chuyên đề về Hoàng Sa.
Nhân dịp này Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cũng phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa và Nhà xuất bản Thông tin-Truyền thông tiến hành chỉnh lý, bổ sung cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa xuất bản lần đầu vào tháng 1-2012. Từ mồng 3-1-2014, Báo Công an thành phố Đà Nẵng đăng liên tục nửa tháng liền loạt bài Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam của TS Trần Công Trục và bài Người Đà Nẵng với Hoàng Sa của Bùi Văn Tiếng. Báo Đà Nẵng cuối Tuần ra số chuyên đề về Hoàng Sa phát hành vào sáng 17-1. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tọa đàm về Hoàng Sa trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng vào chiều 18-1.
Về hành chính công quyền, ngày 15-4-2014, tại Quân cảng Vùng 3 Hải quân ở Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam - được thành lập theo Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29-11-2012 của Chính phủ và Quyết định số 3285/QĐ-BNN-TCCB ngày 28-11-2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày mồng 5-5-2014, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở Nội vụ Võ Công Chánh giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa thay cho người tiền nhiệm vừa nghỉ hưu.
Ngày 29-8-2014, lãnh đạo thành phố thống nhất chuyển địa điểm xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa sang vị trí mới với diện tích khu đất gấp đôi vị trí cũ. Ngày mồng 10-7-2014, kỳ họp thứ 10 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII đã thông qua Nghị quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam… Ngày 11-12-2014, kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII cũng quyết định tăng 7 biên chế hành chính cho Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh đòi chủ quyền; đồng thời đã quyết định lấy tên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa như Đá Bắc, Phú Lâm, Quang Ảnh, Tri Tôn và Hữu Nhật để đặt tên cho một số đường phố…
BÙI VĂN TIẾNG
(*) “Cách tiếp cận của Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, trong bài tham luận tại hội thảo tại Đà Nẵng vừa qua, tôi cho đấy mới là cách tiếp cận đúng đắn. Ông đã đưa ra tất cả các bằng chứng có tính Nhà nước có liên quan đến hoạt động ở Hoàng Sa, liên quan đến những quyết định hành chính, thành lập các đơn vị hành chính trong quá trình lịch sử. Tôi xin ca ngợi về cách tư duy tiếp cận đó của ông Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử mà rất hiểu pháp lý.” (TS Trần Công Trục, trả lời phỏng vấn báo Dân Trí ngày 1-7-2014)